Trường cao đẳng đường sắt sẽ đào tạo nhân lực cho dự án metro

Việt Nam đang phát triển các tuyến metro trên cả nước nhưng việc đào tạo nhân lực lại phụ thuộc lớn vào nước ngoài, gây tốn kém cho ngân sách. Điển hình, vừa qua Nhà nước phải bỏ ra 5 triệu USD để đưa người sang Trung Quốc đào tạo nguồn nhân lực cho đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông. Trước thực trạng trên, Bộ GTVT vừa có dự thảo văn kiện dự án tăng cường năng lực đào tạo đường sắt đô thị cho Trường CĐ Đường sắt và dự thảo này đang được bộ lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.

Phải tự chủ trong đào tạo nguồn nhân lực

Theo Bộ GTVT, đường sắt đô thị là một lĩnh vực mới và lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam. Hiện Hà Nội và TP.HCM đang triển khai một số dự án với các công nghệ khác nhau, trong tương lai quá trình tổ chức khai thác, bảo trì là hết sức quan trọng để vận hành các dự án an toàn, thuận tiện và kết nối các tuyến với nhau.

Nhu cầu nguồn nhân lực vận hành, khai thác, bảo trì dự án đường sắt đô thị là rất lớn, trong khi công tác đào tạo trực tiếp của các dự án ở nước ngoài là hạn hẹp, nên việc tổ chức đào tạo trong nước rất cần thiết để cung cấp nguồn nhân lực vận hành các dự án.

Nhiều nhân viên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đào tạo tại
Trung Quốc. Ảnh: V.LONG

Qua thực tế trong thời gian qua, mỗi dự án đường sắt đô thị đều đưa ra kế hoạch đào tạo và chuẩn bị nguồn nhân lực, mỗi tuyến có phương pháp đào tạo, cách thức đào tạo phụ thuộc tính chất, công nghệ thiết bị từng tuyến theo yêu cầu của nhà tài trợ, chủ yếu phù hợp với các quy định pháp lý của nước sở tại.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng việc tổ chức đào tạo và chuẩn bị đào tạo đòi hỏi có thời gian, nguồn đầu tư, tính tuân thủ luật lao động Việt Nam. Do đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các tuyến đường sắt đô thị hiện gặp khó khăn vì cách thức đào tạo, quy định pháp lý công nhận hành nghề, hình thức chuyển giao công nghệ theo dự án sau khi học xong tại nước ngoài phải về nước thi sát hạch để cấp giấy phép lái tàu tại Việt Nam.

“Trong khi Việt Nam chưa có kinh nghiệm mà chủ yếu dựa vào tư vấn nước ngoài, công tác đào tạo tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ dự án trong phạm vi hẹp không có tính chiến lược quốc gia, không bền vững, không có nguồn lực đào tạo mở rộng cho các tuyến tiếp theo cũng như nhân lực kế cận, thay thế đối tượng lao động nghỉ việc, nghỉ chế độ, tai nạn, tử tuất...” - Bộ GTVT nêu thực trạng.

Sinh viên ra trường phải tiếp cận công ngh mi

Bộ GTVT cho biết hiện nay Đà Nẵng và các đô thị lớn cũng đang có nhu cầu đầu tư về đường sắt đô thị. Do đó, việc đầu tư tăng cường năng lực đào tạo cho Trường CĐ Đường sắt đủ điều kiện được cấp bằng đào tạo theo Luật Đường sắt là rất cần thiết, hiệu quả, đảm bảo tính bền vững, giảm chi phí đầu tư từ ngân sách nhà nước…

Theo đó, dự thảo văn kiện của Bộ GTVT đề xuất cho phép Trường CĐ Đường sắt đầu tư hơn 91 tỉ đồng để tăng cường năng lực đào tạo đường sắt đô thị. Trong đó, Việt Nam sẽ nhận khoản vốn tài trợ không hoàn lại của chính phủ Nhật Bản, thông qua cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), với số tiền khoảng 399 triệu yen (tương đương hơn 84 tỉ đồng), số còn lại gần 7 tỉ đồng do nhà trường tự cân đối ngân sách.

Với số tiền này, trường sẽ có trách nhiệm xây dựng mới chương trình đào tạo, giáo trình, các tiêu chuẩn kỹ năng nghề... Đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên đủ trình độ đảm nhiệm công tác giảng dạy các nghề mới, đặc biệt là nghề lái tàu, nhân viên vận hành ga, depot, nhân viên bảo dưỡng…

“Theo nhu cầu hiện nay, nhà trường có thể thực hiện việc đào tạo cho học viên các khóa đào tạo về chuyển giao công nghệ cho các tuyến đường sắt đô thị tại Việt Nam như các tuyến: Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên...” - Bộ GTVT cho hay.

Theo TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông đô thị, với một lĩnh vực mới, công tác đào tạo nhân lực phải đi trước một bước. Ngoài đội ngũ vận hành dự án khi hoàn thành thì việc chuẩn bị nguồn nhân lực để quản lý các dự án cũng hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, nhiều dự án mới còn thiếu sót trong việc này, điển hình như các dự án metro nên những dự án đường sắt đô thị thường xuất hiện tình trạng chậm tiến độ, đội vốn… “Vì vậy, ngoài việc đào tạo nhân lực để tiếp nhận các dự án metro trong tương lai thì khi có dự án mới, chúng ta cũng cần chuẩn bị nguồn lực có đủ năng lực quản lý các dự án mới, để tránh những sai sót không đáng có thời gian qua…” - ông Đức nói.

Về việc đào tạo những người có thể vận hành các tuyến metro, vị chuyên gia giao thông này khẳng định là rất cần thiết. Tuy nhiên, sản phẩm của đào tạo phải là những người lao động thích ứng được với những thay đổi công nghệ, để khi ra trường sinh viên nắm bắt nhanh công nghệ mới nhất. Còn đào tạo để vận hành một hệ thống metro nào đó thì rất đơn giản.

“Tóm lại, đối với những dự án mới như metro, chúng ta cần chuẩn bị kỹ, tránh phụ thuộc lớn vào nước ngoài, để khi vận hành khai thác giảm được chi phí, tăng tính chủ động…” - ông Đức cho hay.•

 

70% sinh viên ra trường sẽ làm việc ở các dự án metro

Bộ GTVT cho biết với nguồn tài trợ từ phía JICA, Trường CĐ Đường sắt sẽ xây dựng mô hình chuẩn cho tổ chức đào tạo đường sắt đô thị. Trong đó, xây dựng hệ thống chương trình đào tạo, giáo trình giảng dạy, nâng cao kiến thức đội ngũ giáo viên, giảng viên thực hành có đủ trình độ và cung cấp thiết bị để đào tạo, đảm bảo mục tiêu hơn 70% sinh viên sau khi ra trường sẽ làm việc cho các công ty, tổ chức liên quan đến đường sắt đô thị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm