Xe hợp đồng trá hình là vấn nạn của ngành vận tải

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Bộ GTVT xe hợp đồng trá hình, có thể nói đây là vấn nạn nhức nhối xảy ra trên phạm vi cả nước: "Vì vậy, chúng ta đã tìm cách “trói” lại và xử lý nghiêm, đưa ra Nghị định 91, Nghị định 93 rồi đến Nghị định 86 bổ sung nhiều quy định nhưng rồi vẫn không giải quyết được. Hiện phát sinh ra nhiều hình thức xe hợp đồng trá hình, xe hợp đồng du lịch nhưng chạy như tuyến cố định, nay còn thêm Limousine rồi Uber, Grab nữa... Phải chăng những hình thức này đáp ứng được nhu cầu của người dân nên người ta không đến bến xe"- ông Thanh nhận định.

Vì vậy, để hạn chế xe hợp đồng trá hình, ông Thanh cho rằng cần nghiên cứu các quy định theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải kinh doanh và phát triển, không thể "quản không được thì cấm": "Những loại hình vận tải nào phục vụ được hành khách tốt hơn, an toàn, thuận tiện, văn minh hơn thì tạo điều kiện cho nó phát triển.

Theo hướng đó thì sẽ gọn đi, như vậy đòi hỏi xe chạy tuyến cố định và xe hợp đồng phải cạnh tranh chất lượng dịch vụ, giá cả, chất lượng cao, giá cước lớn nhưng không ai phàn nàn. Theo tôi phải làm vậy mới giải quyết được tận gốc xe trá hình nếu không cứ luẩn quẩn..."- ông Thanh kiến nghị.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định mục đích cuối cùng của việc quản lý vận tải là phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân. Ảnh: VIẾT LONG

Đồng tình, Thứ trưởng, Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định mục đích cuối cùng đều để phục vụ và đáp ứng nhu cầu đi lại tốt cho người dân. Tuy nhiên, theo ông Thọ ở Việt Nam hiện nay rất khó khăn trong việc bố trí điểm dừng đỗ, nhất là tại các đô thị. Kể cả trên cao tốc hay quốc lộ vẫn còn nhiều điểm dừng đỗ chưa phù hợp: "Tôi nghĩ, điểm dừng đỗ là vấn đề quan trọng. Chúng ta phải ưu tiên dành hẳn quỹ đất để xây dựng điểm dừng đỗ cho các phương tiện..."ông Thọ nhấn mạnh.

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, cho biết theo dự thảo Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ô tô, quy định đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh (trừ những vị trí do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố).

"Ngoài ra, quy định trong thời gian một tháng, mỗi xe và mỗi đơn vị vận tải không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có địa chỉ nơi khởi hành và địa chỉ nơi kết thúc trùng nhau; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định nhằm phục vụ cho nhiều người thuê vận tải khác nhau để chống xe dù, bến cóc..."- ông Ngọc nói.

Taxi truyền thống bà Uber, Grab không có bất bình đẳng

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT, cũng khẳng định hiện nay nhiều người gọi xe sử dụng hợp đồng điện tử như Uber, Grab, Vinasun, Mai Linh… là taxi điện tử nhưng chưa chính xác.

Bản chất dịch vụ Uber, Grab là dựa vào phần mềm kết nối cung cầu dễ dàng, thuận lợi. Phần mềm công nghệ này giúp tỷ lệ xe chạy có khách 90%, trong khi đó taxi truyền thống tỷ lệ có khách 50%; mặt khác hành khách có thể kiểm soát thông tin về xe đảm bảo đi lại cho trẻ em hoặc trong trường hợp mất đồ. Trong luật Giao thông đường bộ quy định xe taxi là chạy theo nhu cầu của khách, xe chạy theo đồng hồ tính tiền. Điều này khác với xe được ký kết theo hợp đồng điện tử.

Ông Trần Bảo Ngọc cho rằng không có sự bất bình đẳng giữa các loại hình vận tải. Ảnh: VIẾT LONG

"Vấn đề đặt ra là giữa các loại hình này có cạnh tranh bình đẳng không? Tôi xin khẳng định, không có gì là bất bình đẳng bởi trước Uber, Grab thì các loại hình này đã có mặt trên thị trường. Xe hợp đồng không thể chuyển sang taxi nhưng xe taxi có thể chuyển sang hợp đồng.

Vấn đề chúng ta băn khoăn là xe sử dụng phần mềm kể trên có đóng thuế không? Bộ Tài chính cũng đã có quy định, hướng dẫn  thực hiện nghĩa vụ thuế. Trong nghị định thay thế xe hợp đồng sẽ sử dụng hợp đồng điện tử...", ông Ngọc nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm