Sổ tay

Xin đừng nhận chìm cả tương lai!

Trong hội thảo về xử lý hiệu quả chất nạo vét từ các tuyến luồng hàng hải, cảng tại Đà Nẵng với 200.000 m3, các chuyên gia đã bày tỏ nhiều ý kiến băn khoăn về vấn đề môi trường. Vấn đề được quan tâm nhất chính là hệ sinh thái biển của Đà Nẵng, trong đó hệ sinh thái san hô được các chuyên gia cảnh báo đang bị suy thoái.

Các ý kiến cũng cho rằng Cục Hàng hải Việt Nam cần công bố minh bạch hơn về số liệu đánh giá tác động môi trường (ĐTM) khi thực hiện cho dự án vì hiện tại số liệu còn rất chung chung.

Các chuyên gia môi trường cho biết việc chạy mô hình nhận chìm của chủ đầu tư cần phải được soi xét lại, bởi tới đây không chỉ dự án này mà TP còn có nhiều dự án phải nạo vét khác như cảng Liên Chiểu hay Thọ Quang.

Theo nghiên cứu của Viện Sinh thái học miền Nam năm 2019, vùng biển xung quanh bán đảo Sơn Trà có 177 loài san hô, 130 loài cá và nhiều loại rong, cỏ sinh sống. Tuy nhiên, hệ sinh thái biển tại đây đang bị suy thoái nghiêm trọng. TS Nguyễn Thị Minh Phương đã dẫn chứng số liệu này do chính bà quan sát.

Vật chất của biển phải trả về với biển là điều tất nhiên, tuy nhiên trả về bằng cách nào một cách hiệu quả nhất và ít tác động nhất là điều mà Đà Nẵng cần phải hết sức quan tâm. Bởi vật chất nhận chìm đó không phải là chất thải mà phải xem nó là tài nguyên. Tài nguyên vật chất này có thể dùng để nuôi bãi biển, bù cát vốn đang bị xói lở nghiêm trọng mà chính Đà Nẵng đang đối mặt. Nhiều chuyên gia cũng đánh giá là vật chất có thể bổ sung vào vùng biển ngập mặn để trồng rừng nuôi dưỡng sinh kế lâu dài, sao lại hoang phí đem đi đổ. Trong khi đó, nhiều nước tân tiến trên thế giới, điển hình như Singapore vẫn phải bỏ rất nhiều tiền để đi mua cát của các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam về tạo bãi biển.

Đà Nẵng vừa công bố kế hoạch xây dựng TP môi trường và những danh hiệu về một TP môi trường xanh, đáng sống được công nhận nhiều năm qua phải được thể hiện bằng hành động cụ thể của lãnh đạo TP. Cần phải soi xét kỹ các hệ quả của việc nhận chìm vật chất trong bối cảnh không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế bằng mọi giá.

Kinh tế, sản nghiệp thậm chí cả chỉ số tăng trưởng của TP có thể làm được không năm này thì năm sau. Còn nếu tác động vào môi trường gây ra hậu quả đáng tiếc thì không gì có thể cứu vãn được, mà theo các chuyên gia là đến đời con cháu chúng ta cũng không khắc phục được. 

Mới đây thôi, TP vừa công bố đề án TP môi trường giai đoạn 2021-2030 với kinh phí ước tính tới 15.000 tỉ đồng. Một đề án rất lớn và đầy hoài bão. Vì vậy, TP không thể tiếc kinh phí để đánh giá một cách tổng thể về tác động đến biển dù kinh phí cho việc này là rất lớn. Bởi biển chính là kho báu của TP, khi biết gìn giữ, trân trọng thì biển sẽ trả lại giá trị xứng đáng cho người dân Đà Nẵng hiện tại và lâu dài.

Một TP du lịch, TP biển mà không bảo vệ tốt nhất môi trường biển thì mọi cố gắng phát triển sẽ bị vùi sâu hơn cả lớp vật chất được nạo vét từ dưới luồng biển lên. Vì vậy, xin đừng vội vã để rồi nhận chìm cả tương lai!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm