Doanh nghiệp Singapore muốn đầu tư các tuyến metro ở TP.HCM

Trong ngày làm việc cuối cùng của chuyến công tác tại Singapore (28-8), đoàn công tác cấp cao của TP.HCM do Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đã tham dự hội nghị bàn tròn giữa chính quyền TP.HCM với doanh nghiệp (DN) Singapore. Tham dự hội nghị còn có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Singapore Tào Thị Thanh Hương và rất nhiều DN lớn, nhỏ tại Singapore.

Doanh nghiệp Singapore muốn đầu tư nhiều hơn vào TP.HCM

Trước khi diễn ra hội nghị bàn tròn, đoàn công tác đã gặp gỡ với một số DN lớn của Singapore đang quan tâm đầu tư đến lĩnh vực hạ tầng giao thông tại TP.HCM, đặc biệt là các tuyến metro. 

Đoàn đại biểu cấp cao TP.HCM gặp gỡ doanh nghiệp Singapore.

Đại diện cho Công ty Subana Jurong, một DN lớn tại Singapore về lĩnh vực đầu tư, xây dựng, ông Teo Eng Cheong rất mong muốn tìm hiểu thêm về các dự án cầu, đường tại TP.HCM, nhất là tuyến metro số 2.

Công ty này cũng đã hoạt động tại Việt Nam nhiều năm nay và đã từng thực hiện các dự án tại Khu công nghệ cao và các dự án tại Long Thành, Đồng Nai. Ông Teo Eng Cheong mong muốn được làm việc với chính quyền TP để thúc đẩy việc đầu tư các dự án.

Ông Teo Eng Cheong, Giám đốc toàn cầu Công ty Subana Jurong.

Ngoài ra, đại diện Công ty Subana Jurong cũng muốn tìm hiểu thêm về các dự án cầu nối giữa TP.HCM với Nhơn Trạch (Đồng Nai) và dự án đường nối từ sân bay Long Thành về TP.HCM.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP, cho biết tuyến metro số 2 của TP.HCM có tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỉ đồng, tương đương với 1,5 tỉ đôla. Vốn đầu tư vào dự án này tổng hợp từ nhiều nguồn ODA, trong đó có nguồn vốn ODA của Ngân hàng Tái thiết Đức và Ngân hàng Thế giới (WB).

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nói về dự án metro số 2.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin: Hiện nay, TP đang đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để triển khai dự án. TP dự kiến đến tháng 6-2020 sẽ hoàn tất việc bồi thường giải phóng mặt bằng.

“Ngoài tuyến metro số 2, chúng tôi còn đang nghiên cứu để đầu tư sáu tuyến metro còn lại. Tất cả các tuyến metro này đều sử dụng nguồn vốn ODA hoặc do tư nhân đầu tư theo hình thức PPP. Chúng tôi rất chào đón các nhà đầu tư của Singapore đến tìm hiểu và tham gia đầu tư” - ông Hoan nói. 

Về dự án xây cầu nối giữa TP.HCM và Đồng Nai, ông Hoan cho biết hiện nay đang triển khai một dự án kết nối hai tỉnh thực hiện theo hình thức PPP. Cầu này sẽ kết nối hai đô thị lớn của TP.HCM và Đồng Nai, đó là nối từ cảng Cát Lái, quận 2 và huyện Nhơn Trạch.

“Hiện nay dự án này cũng đã có nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu, tuy nhiên họ vẫn chưa gửi kết quả nghiên cứu cho TP. Do vậy, nếu ngài quan tâm thì nghiên cứu ý tưởng rồi đề xuất lên UBND TP.HCM xem xét” - ông Hoan nói.

Về đường nối từ sân bay Long Thanh về TP.HCM, ông Hoan cho biết dự án này không thuộc thẩm quyền của TP.HCM mà là Bộ GTVT. Song TP cũng sẽ làm cầu nối để kết nối nhà đầu tư với Bộ GTVT.

Hội nghị bàn tròn giữa chính quyền TP.HCM với doanh nghiệp Singapore.

Tại hội nghị bàn tròn với các DN Singapore, các DN Singapore đều đánh giá TP.HCM là một môi trường rất tiềm năng để đầu tư. Rất nhiều DN quan tâm đến đặt câu hỏi về môi trường đầu tư tại TP trên nhiều lĩnh vực như bất động sản, hạ tầng giao thông, du lịch, giáo dục, xử lý nước thải công nghiệp… Các DN mong muốn chính quyền TP thông tin thêm về các chính sách như thuế, đất đai, giấy phép đầu tư…

TP.HCM cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Tại hội nghị bàn tròn, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết Việt Nam và Singapore có mối quan hệ gắn bó lâu đời, liên kết đa chiều và hợp tác sâu sắc trong nhiều lĩnh vực. Đến nay, quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Singapore và Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tích cực.

Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương đạt 7,66 tỉ USD, đưa Singapore trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam trong ASEAN. 

Riêng TP.HCM, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 4,13 tỉ USD (tăng 4,58% so năm 2017). Trong bảy tháng năm 2019, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2,06 tỉ USD, đạt 82% so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp Singapore quan tâm đặt câu hỏi về lĩnh vực xử lý nước thải.

Singapore hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba tại Việt Nam với số vốn đầu tư lên tới 48 tỉ USD với 2.169 dự án, đứng thứ 3/130 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Tại TP.HCM, tính đến ngày 20-8-2019, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 1.216 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đầu tư đạt 10,95 tỉ USD. Đầu tư của Singapore vào TP chủ yếu các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản, thông tin truyền thông, dịch vụ khoa học công nghệ

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, giải đáp thắc mắc của DN.

Ông Hoan khẳng định TP.HCM được xem là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế thúc đẩy sáng tạo và sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn, đặc biệt tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nước ngoài, trong đó có các DN Singapore tìm hiểu cơ hội đầu tư, làm ăn lâu dài và hiệu quả tại TP.HCM” - ông Hoan cam kết.

Tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan cùng giám đốc các sở, ngành đã giải đáp các thắc mắc của DN. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng trên cơ sở nền tảng là mối quan hệ đối tác tốt đẹp giữa hai nước, các DN có thể tin tưởng vào môi trường đầu tư tại Việt Nam và TP.HCM.

“Chúng tôi luôn cam kết đảm bảo sự ổn định về chính trị, xã hội. Chính phủ Việt Nam cũng luôn dành sự quan tâm, hỗ trợ tích cực để giới DN làm ăn. Cùng với đó là việc cải thiện môi trường kinh doanh để các DN khi đến Việt Nam cũng như TP.HCM đầu tư sẽ hài lòng hơn” - ông Nhân nói.

Các doanh nghiệp Singapore trao đổi thông tin với Bí thư Thành ủy TP.HCM tại hội nghị.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh TP rất quan tâm đến lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị, cũng như thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo. Do vậy TP mong muốn DN các nước, trong đó có Singapore đẩy mạnh đầu tư vào TP.HCM, đặc biệt trong các dự án phát triển hạ tầng đô thị, xử lý rác thải, công nghệ cao...

Grab công bố đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam

Trong buổi tiếp xúc với DN trước hội nghị bàn tròn, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn công tác đã chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tập đoàn Savico và Grab Holdings Inc. (Grab).

Tại đây, Grab đã công bố đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam trong vòng năm năm tới để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính, công nghệ di động mới và logistics với mục tiêu tiếp tục đóng góp tích cực cho sự phát triển nền kinh tế số của Việt Nam, tạo ra hàng triệu cơ hội tăng thêm thu nhập và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam. “Khoản đầu tư này thể hiện cam kết chặt chẽ và sâu rộng của Grab cho thị trường Việt Nam” - ông Russell Cohen, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của Grab, nói.  

Doanh nghiệp Singapore muốn đầu tư các tuyến metro ở TP.HCM ảnh 8
Quang cảnh lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác.

Về kết quả đầu tư của Grab tại Việt Nam, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam, cho biết Grab là một trong những nhà đầu tư công nghệ lớn nhất tại Việt Nam. Đến cuối năm 2019, tổng số vốn đầu tư của Grab vào Việt Nam sẽ là 200 triệu USD, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là cho người dùng và đối tác tài xế của các dịch vụ kết nối di chuyển, giao nhận hàng hóa, giao nhận thức ăn và thanh toán không dùng tiền mặt.

Grab cam kết tiếp tục đóng góp tích cực hơn nữa vào chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, cũng như đóng góp vào công cuộc thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm