Ghi nhận nhiều nơi trên địa bàn TP.HCM, PV bắt gặp khá nhiều hàng quán cà phê treo bảng hiệu có nội dung “100% cà phê chuẩn châu Âu”, “cà phê pha máy sạch 100%”, “cà phê xanh - sạch”. Thế nhưng trước những câu hỏi thế nào là cà phê xanh, sạch, chuẩn châu Âu và có giấy chứng nhận không thì không phải hàng quán nào cũng trả lời được.
Trên thực tế, cà phê xanh - sạch - an toàn là những từ khóa đang thu hút sự quan tâm chú ý của người tiêu dùng, nhất là sau dịch COVID-19. Đây cũng là lý do khiến nhiều đơn vị chú trọng vào phân khúc này.
Doanh nghiệp khát khao làmcà phê sạch
Ông Lê Minh Cường, Tổng giám đốc và nhà sáng lập thương hiệu Milano Coffee, cho biết sau hơn 10 năm hoạt động, doanh nghiệp vẫn đang tập trung đầu tư vào chất lượng sản phẩm và theo đuổi việc phát triển cà phê sạch - đúng nghĩa với phân khúc bình dân.
“Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại chúng tôi chỉ mới làm được 50% và 50% còn lại là rất nhiều việc để làm như nhà máy, máy móc công nghệ… để hoàn thiện đúng cách với dòng sản phẩm cà phê organic” - ông Cường nói.
Ông Cường cho biết thêm cà phê sạch đã phát triển ở nhiều quốc gia khu vực châu Âu nhưng tại nước ta vẫn còn phải học hỏi rất nhiều, từ quy trình trồng trọt cho tới thu hoạch, chế biến và bảo quản sau thu hoạch.
Cũng theo đuổi giấc mơ này, Laha Café là cái tên mang nhiều kỳ vọng của ông Hoàng Việt khi quyết tâm theo đuổi mô hình “Just organic coffee” (chỉ phục vụ cà phê hữu cơ). Tới nay thương hiệu Laha Café đang sở hữu 10 ha nông trại đạt tiêu chuẩn organic của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), EU organic và hướng tới 100 ha trong năm năm tới.
|
Theo chuyên gia, cà phê sạch phải đi từ gốc tới ngọn, tức từ vùng nguyên liệu, tới khi thu hái, phơi, rang cho tới thành phẩm. Ảnh: T.HÀ |
Ngoài tận dụng nhân thì vỏ cà phê hữu cơ cũng được đơn vị này thu mua và phát triển thành một loại trà, giúp tăng thêm thu nhập hàng trăm triệu đồng cho một số hộ nông dân. Theo ông Hoàng Việt, con đường này không chỉ mang lại thu nhập tốt cho người nông dân mà còn nâng cao giá trị sản phẩm cà phê Việt.
Tương tự, sau hơn bảy năm phát triển cà phê nguyên chất từ vùng nguyên liệu sạch, ông Huỳnh Bảo Thuần, Giám đốc điều hành Công ty Phúc Sinh Consumer (thương hiệu Kcoffee), kỳ vọng sẽ có được đột phá lớn trên hành trình tạo nên thị trường cà phê nội địa sạch, nguyên chất 100%.
Khó thay đổi thói quen của người tiêu dùng
Theo ông Hoàng Việt, một bảng hiệu cà phê ghi cà phê nguyên chất, cà phê sạch, cà phê chuẩn châu Âu chưa chắc đã sạch hoàn toàn, vì sạch “ngọn” chưa chắc sạch “gốc” và ngược lại. Việc làm cà phê sạch phải đi từ gốc tới ngọn, tức từ vùng nguyên liệu, tới khi thu hái, phơi, rang cho tới thành phẩm. Tất cả đều phải theo một quy trình nhà xưởng khép kín, không có yếu tố nhiễm chéo và đạt chuẩn theo các quy chuẩn đi kèm trong ngành và cũng cần có các giấy chứng nhận đi kèm.
“Theo tôi, làm cà phê hữu cơ đã khó thì việc xây dựng lòng tin và thói quen của người tiêu dùng cũng nhọc nhằn không kém. Rất nhiều người vẫn còn nghi ngại về chữ sạch khi họ thấy chúng xuất hiện quá nhiều, kể cả quán cóc. Cũng có người cho rằng giấy tờ để chứng minh sạch chỉ là hình thức. Quả thực hành trình này vô cùng trầy trật về kiến thức, thời gian, công sức và tiền bạc” - ông Việt nói.
Ông Huỳnh Bảo Thuần, Giám đốc điều hành Phúc Sinh Consumer, cho rằng người Việt có văn hóa thưởng thức cà phê bản sắc nhưng khái niệm “uống sạch”, “thưởng thức nguyên chất” thì còn rất xa lạ. Chính vì thế, hành trình thay đổi thói quen uống cà phê của người tiêu dùng Việt Nam rất khó khăn.
Còn nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt
Ông Hoàng Tùng, chuyên gia cà phê, cho biết giống như các ngành hàng khác, cà phê cũng chia ra nhiều phân khúc, mà cà phê sạch, cà phê organic… vốn đã là xu hướng lớn và dài hạn. Chính vì thế, việc phát triển theo xu hướng toàn cầu vẫn sẽ còn nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt, dẫu vậy đây là một lĩnh vực khó nhằn.
Theo ông Tùng, hiện nay ở các nước phát triển, ngoài những tiêu chuẩn về cà phê sạch, còn có những tổ chức của các bên thứ ba đánh giá về tác động của môi trường, giống, cây trồng đối với vùng nguyên liệu… Chưa kể để việc sản xuất và phát triển các sản phẩm cà phê sạch theo các tiêu chuẩn hữu cơ, cạnh tranh với các nước tiên tiến thì cần thêm nhiều nỗ lực, nhất là khi muốn hướng tới dòng cà phê specialty (cà phê cao cấp).
Cà phê specialty, ngoài yếu tố về sạch, organic, nó còn có thêm các tiêu chuẩn về giống hạt cà phê, về vùng trồng, độ cao, khí hậu… Tổng thể chỉ 5%-10% hạt cà phê đạt mức tiêu chuẩn đủ để gọi là cà phê specialty. Ngoài ra, hạt cà phê tiêu chuẩn cao là chưa đủ, việc pha dòng cà phê specialty cũng đòi hỏi phải có máy móc quy chuẩn và người pha chế đủ trình độ…
Dù Việt Nam có nhiều thương hiệu mạnh nhưng để xây dựng cà phê tiêu chuẩn specialty và những thương hiệu cà phê specialty là không dễ. Trên thực tế mô hình này đã xuất hiện ở Việt Nam như Shin cà phê hay một số chuỗi cà phê nhỏ khác được mở ra nhưng mô hình này khá kén khách và dựa trên nền tảng là sự đam mê của chủ quán.
Dẫu vậy, phân khúc cà phê cao cấp vẫn là xu hướng toàn cầu và là định hướng của ngành cà phê, do đó các doanh nghiệp đủ tiềm lực ở Việt Nam cần có định hướng rõ. Trên cơ sở đó giá trị cà phê Việt Nam sẽ được nâng tầm lên hơn rất nhiều.
Ba yếu tố nâng tầm cà phê sạch
Ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch CLB Kết nối doanh nhân Việt Nam - Quốc tế, cho biết: Để phát triển và nâng giá trị cà phê Việt trong thời gian tới, thứ nhất chúng ta cần chú trọng đầu tư sản xuất cà phê sạch để đáp ứng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là những thị trường khó tính.
Thứ hai, chúng ta phải chế biến sâu. Hiện nay, rất ít công ty làm thương hiệu cho cà phê Việt Nam xuất khẩu ra thế giới. Thái Lan có loại cà phê cao cấp, bán đến 50-100 USD/ly ở các khách sạn 5 sao trên thế giới. Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng chưa có thương hiệu nào góp mặt trong danh sách 10 thương hiệu cà phê đắt nhất thế giới.
Thứ ba, cần xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các vùng trồng cà phê lớn để gia tăng giá trị cho sản phẩm cà phê từ các vùng trồng này.