Theo Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, hàng duối này đã có hàng ngàn năm tuổi.
Hàng duối là chốn linh thiêng được dân làng tôn kính
|
Hàng duối cổ ngàn năm tuổi |
Người dân ở làng kể lại hàng duối cổ này chính là chứng nhân lịch sử, hơn ngàn năm trước, đây là nơi Ngô Quyền và các nghĩa quân đã buộc voi và ngựa chiến sau các cuộc luyện quân để chuẩn bị đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938.
Theo nhiều người dân làng Cam Lâm, hàng duối cổ đã có từ bao đời nay, luôn được mọi người tôn kính. Họ coi đây là chốn linh thiêng, nơi các bậc thần linh ngự trị, bao bọc, chở che và giúp đỡ dân làng. Việc tự ý chặt phá hoặc bẻ cành duối được coi là điều cấm kỵ mà bao thế hệ luôn răn dạy con cháu.
Người làng Đường Lâm cho biết, từ hàng duối này đổ về phía khu vực trong đền thờ Ngô Quyền, được coi là đất của Vua, không ai được làm nhà ở, không được chôn cất người chết hoặc dựng mồ mả. Quy ước ấy được mọi người thực hiện từ khi vua Ngô Quyền mất (năm 944) cho đến tận bây giờ.
|
Hàng duối là ranh giới đất của Vua, không được cất nhà và làm mộ bia. |
Hình ảnh hàng duối cổ làng Đường Lâm không chỉ là nơi linh thiêng, nơi ghi dấu ấn lịch sử của vua Ngô Quyền ngàn năm trước, mà trong tâm thức của bao thế hệ, nơi đây đã gắn bó với mỗi người dân trong làng từ lúc sinh ra cho đến khi lớn lên.
Vì thế, từ bao đời nay, người Đường Lâm vẫn giữ tục lệ trước khi đi xa, hoặc khi qua đời, họ và gia đình đều đến bái biệt hàng duối cổ. Đó là cách thể hiện lòng tôn kính, sự tưởng nhớ tới công lao của vua Ngô Quyền trong lòng người dân ở Đường Lâm.
Con đường đá ong độc đáo nhất Việt Nam
Từ trục đường chính, có một đoạn đường chạy song song với hàng duối cổ rộng trên 3 mét. Đây là con đường rất độc đáo với nét rất riêng và hiếm thấy ở Việt Nam. Nền đường được lát hoàn toàn bằng đá ong đỏ sậm, một vật liệu xây dựng sẵn có ở địa phương.
|
Độc đáo con đường lát đá ong chạy song song với hàng duối cổ |
Trên con đường ấy và bên các gốc duối cổ này, dân làng vẫn thường tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao. Hàng duối cũng là nơi nghỉ ngơi cho người dân quê sau những giờ lao động vất vả ngoài đồng, là nơi hò hẹn của bao thế hệ trai, gái làng nên duyên vợ chồng và đây cũng là điểm đến ưa thích của các du khách mỗi khi về thăm làng cổ Đường Lâm.
Cùng với đền thờ và lăng Tiền Ngô Vương, trải qua bao biến thiên của lịch sử, 18 gốc duối vẫn đứng đó thành hàng như người lính trước giờ ra trận, trang nghiêm, linh thiêng mà gần gũi. Cây như bức tường thành bảo vệ cho lăng mộ Ngô Vương và cho cả vùng đất Đường Lâm.
Du khách đến đây chiêm ngưỡng, hãy cùng nhau giữ gìn, bồi đắp để di sản mãi trường tồn với thời gian, góp phần tích cực vào việc giáo dục truyền thống lịch sử cha ông đối với các thế hệ mai sau.
Hàng duối cổ nằm trong quần thể di tích lịch sử quốc gia, hàm chứa giá trị to lớn về văn hóa, tâm linh của đất nước và con người Việt Nam.
Nhằm bảo tồn nguồn gien thực vật quý hiếm ở Việt Nam, ngày 22-4-2011, hàng duối cổ gồm 18 cây đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Cây duối còn được gọi là duối nhám, duối dai
Duối là loại cây mộc, cỡ trung bình, cao khoảng 4 - 8 mét, tán rậm, cành đâm chéo nhau. Lá duối dày, cứng, xanh đậm, hình trứng nhọn, dài khoảng 3-7 cm, rộng 1,5 - 2,5 cm, mép có răng khía. Mặt lá có nhiều lông rất ráp. Duối là loại cây đơn tính khác gốc, nên mỗi cây chỉ trổ hoa đực hoặc hoa cái. Trái duối hình trứng, sắc vàng, chỉ lớn khoảng 8 - 10 mm. Vị trái ngọt khi chín và có thể ăn được.
Ngoài ra, cây duối còn được gọi là duối nhám, duối dai. Loài này thường sinh sống ở vùng đất khô miền Đông Nam Á, Philippines, Trung Quốc và Ấn Độ.