Đòi cả tiền mai táng mẹ!

Ông S. - nguyên đơn trình bày: Trước khi mất, mẹ ông để lại di chúc chia đôi tài sản cho ông và bà H. - chị ruột ông. Do vậy, ông yêu cầu tòa chia đôi tài sản theo di chúc. Ông khẳng định việc mình phải bỏ nhà ra đi, không thể tận tâm chăm sóc mẹ lúc mẹ ốm đau về già là do các chị em trong nhà âm mưu đuổi ông ra đi.

Ngược lại, bị đơn là bà H., chị của ông S., nói rằng mục đích mẹ lập di chúc chia đôi cho ông S. và bà phần nhà đất gần 3.000 m2 là vì muốn ông S. tu tâm quay về nhà sống chung, chăm sóc cho bà và thờ tổ tiên. Tuy nhiên, từ năm 1997 khi ông S. lấy vợ nhỏ, bỏ nhà đi thì không hề ghé về thăm, chăm sóc mẹ dù nơi ở của ông cách nhà mẹ chỉ 10 cây số. Vì ông không làm đúng mong ước của mẹ nên bà không đồng ý chia di sản thừa kế theo di chúc.

Đại diện VKSND Tối cao phân tích di chúc của người mẹ không hề đưa ra điều kiện, chỉ chia đôi đất cho ông S. nếu ông về nhà chăm sóc mẹ già. Vì vậy, Viện đề nghị tòa tuyên y án sơ thẩm của TAND tỉnh Long An, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông S.

Nội dung vụ án chỉ gỏn gọn bấy nhiêu nhưng phiên tòa trở nên gay gắt, phức tạp hơn khi cả hai bên đều đôi co qua lại, không ai chịu nhường ai. Tại tòa, cho rằng người em quá ngang ngược, người chị lên tiếng: “Nếu tòa xử chia đôi di sản thừa kế như án sơ thẩm và giao căn nhà của mẹ tôi cho em tôi, tôi đề nghị tòa buộc ông S. phải trả cho tôi phần tiền mai táng mẹ, tiền nuôi dưỡng mẹ mà tôi bỏ công, bỏ của ra chăm sóc khi mẹ bị thoái hóa cột sống, nằm liệt giường và cả tiền sửa chữa nhà”!

Nghe xong, một thẩm phán trong HĐXX đã cật vấn bà H.: “Phận làm con mà đòi tiền làm đám tang cho mẹ thì có còn đạo nghĩa nữa không?”. Rồi tòa hỏi thêm: “Nếu đòi tiền chăm sóc mẹ, bà đòi bao nhiêu?”. “200 triệu đồng” - bà H. trả lời. “200 triệu đồng nuôi mẹ?! Nuôi mẹ là trách nhiệm chung của phận làm con, tòa thấy bà đòi đã là không phải lẽ nhưng vì muốn hòa giải nên phải cố lắng nghe. Vậy mà bà đòi em trai đến 200 triệu đồng. Bà yêu cầu như vậy bản thân tòa còn thấy không thể chấp nhận được…” - tòa phân tích.

Để bà H. suy nghĩ trong giây lát, chủ tọa tiếp tục: “Chị em trong nhà mà bà tính toán chi tiết như vậy để làm gì. Có lẽ cha mẹ để lại tài sản cũng không dám ngờ rằng chị em lại giằng xé nhau đến mức vậy”.

Luật sư bảo vệ cho bà H. thấy thân chủ đưa ra yêu cầu quá vô lý bèn nhắc khéo: “Bà nên đưa ra con số phù hợp, thuyết phục hơn để HĐXX hòa giải chứ không phải bà hét bao nhiêu cũng được!”.

Khi được tòa và luật sư cùng nhắc nhở, bà H. nói lại: “Thôi thì tùy tòa xem xét…”.

Cuối cùng, do còn phải xem xét thêm một số tình tiết trong vụ án nên tòa tuyên bố hoãn xử và hẹn sẽ mở lại phiên xử trong thời gian tới.

PHAN THƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm