Ngày 13-12, tại TP.HCM, Bộ Tài chính đã phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan khu vực phía Nam. Tại đối thoại, đại diện nhiều doanh nghiệp vẫn còn những vướng mắc trong vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng (hoàn thuế VAT) và các thủ tục về kê khai thuế, hoá đơn điện tử, thủ tục xuất nhập khẩu,…
Nhập khẩu tại chỗ vướng hoàn thuế VAT
Đại diện Công ty Fashion Garments (Đồng Nai) cho biết, công ty đang gặp vướng mắc về quy định hoàn thuế VAT, hoàn thuế nhập khẩu đối với hoạt động nhập khẩu tại chỗ. Cụ thể, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên phụ liệu của một doanh nghiệp nước ngoài, những doanh nghiệp nước ngoài này không trực tiếp bán hàng mà ủy quyền cho một công ty tại Việt Nam thực hiện hợp đồng.
Theo quy định thì doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ sẽ nộp trước thuế VAT, thuế nhập khẩu tùy theo mặt hàng. Sau khi cung cấp hồ sơ hàng thành phẩm sử dụng nguyên phụ liệu nhập khẩu đã xuất khẩu thì sẽ được hoàn lại số thuế VAT, thuế nhập khẩu đã nộp. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan có thông báo nhập khẩu nguyên liệu tại chỗ của thương nhân đang hoạt động tại Việt Nam dù được doanh nghiệp nước ngoài ủy quyền sẽ không được hoàn thuế VAT, thuế nhập khẩu nhằm ngăn chặn tình trạng một số doanh nghiệp gian lận thương mại để trục lợi chính sách hoàn thuế VAT, hoàn thuế nhập khẩu.
Tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đánh giá, năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và sự triển khai kịp thời có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, Quốc hội, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý đã giúp cho nền kinh tế ổn định.
Nhờ đó, số thu ngân sách tính đến ngày 12-12-2024 đạt hơn 1,8 triệu tỉ đồng, bằng 109,56% so với dự toán năm 2024. Kết quả này nhờ sự đóng góp lớn của cộng đồng doanh nghiệp cùng quyết tâm cao, nỗ lực thực hiện các giải pháp chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội của các cơ quan Chính phủ thời gian qua.
“Chính điều này đã khiến hồ sơ hoàn thuế VAT, hoàn thuế nhập khẩu của doanh nghiệp bị gặp vướng mắc. Từ năm 2021 đến nay số tiền được hoàn thuế VAT, hoàn thuế nhập khẩu của doanh nghiệp khoảng 8 triệu USD (tương đương khoảng 200 tỉ đồng). Hiện mới chỉ được hoàn thuế VAT được 2 triệu USD, còn 6 triệu USD chưa được hoàn thuế nhập khẩu. Thậm chí, nếu vướng mắc quy định này không được giải quyết, thực hiện theo thông báo trên thì khoản thuế VAT đã được hoàn còn nguy cơ bị truy thu”- đại diện công ty này chia sẻ.
Đại diện Công ty Fashion Garments thắc mắc: “Tại sao trước đây quy định hoàn thuế VAT, hoàn thuế nhập khẩu với hàng nhập khẩu tại chỗ vẫn bình thường, không thể vì một số doanh nghiệp làm ăn gian dối mà những công ty uy tín chấp hành pháp luật lại bị vạ lây. Hiện tại doanh nghiệp nào cũng rất cần vốn, dòng tiền để hoạt động sản xuất ổn định, nếu chậm hoặc vướng thủ tục hoàn thuế sẽ khiến doanh nghiệp thêm khó khăn.”
Trước thắc mắc này, lãnh đạo Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan cho biết sẽ làm việc lại với công ty và có hướng giải quyết hồ sơ hoàn thuế VAT của doanh nghiệp trong tuần tới.
Vướng hoàn thuế VAT vì đối tác… đóng cửa
Một công ty khác trong ngành thép cũng gặp vướng hoàn thuế VAT. Đại diện Công ty Thép Miền Nam (VNSTEEL) tại Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, hiện vướng mắc trong việc hoàn thuế gần 200 tỉ đồng tại Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ năm 2022.
Nguyên nhân chính là nguyên liệu đầu vào của công ty là phế liệu, thuộc diện rủi ro nên bị kiểm tra trước khi hoàn thuế. Hồ sơ hoàn thuế của công ty đều đúng theo quy định hoàn thuế VAT. Tuy nhiên, đến thời điểm cơ quan thuế kiểm tra thì các đơn vị đầu vào ngưng hoạt động và đang chờ làm thủ tục phá sản, giải thể.
Cơ quan thuế không xác minh được, không liên hệ để xác minh được các đơn vị cung cấp cho công ty nên hồ sơ hoàn thuế VAT cũng công ty thép này nằm chờ.
Công ty Thép Miền Nam cũng không được hoàn thuế VAT với hóa đơn mua hàng đầu vào có giá trị trên 150 tỉ đồng/tháng. Thế nhưng, Cục Thuế TP HCM xác định hóa đơn của đối tác mà công ty Thép Miền Nam mua hàng liên quan đến hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp và đang chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Điều này khiến Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tạm dừng việc hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp này.
“Kiến nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế xem xét lại quy trình hoàn thuế, bảo đảm nguyên tắc doanh nghiệp nào sai thì xử lý doanh nghiệp đó. Việc đối tác vi phạm không nên ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp hoạt động đúng quy định”- Đại diện Công ty Thép Miền Nam (VNSTEEL) đề nghị.
Giải đáp vướng mắc trên, ông Mai Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp đang diễn ra phức tạp, nhiều doanh nghiệp được lập ra chỉ để trục lợi từ hành vi này. Cơ quan thuế đã xây dựng cơ sở dữ liệu để kiểm tra và phối hợp với các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trong những trường hợp nghi ngờ vi phạm, cơ quan thuế chỉ có thẩm quyền xác minh và phải chờ kết luận từ các cơ quan điều tra như công an. Việc Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tạm ngừng hoàn thuế để chờ xác minh là phù hợp với quy định.
“Theo quy định, số thuế VAT đầu vào đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được phân bổ dựa trên tỷ lệ doanh thu xuất khẩu so với tổng doanh thu bán ra. Nếu loại trừ phần đang bị điều tra mà số thuế VAT đầu vào còn lại (sau khi phân bổ) vượt 300 triệu đồng, doanh nghiệp vẫn đủ điều kiện được hoàn thuế VAT. Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần làm việc lại với công ty thép Miền Nam để giải quyết vướng mắc, bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp”- ông Mai Sơn trả lời.
Ngoài ra, đại diện lãnh các cơ quan Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính khẳng định sẽ ghi nhận, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá và tham mưu việc sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, hải quan, các chính sách phù hợp trong thời gian tới.
Hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp gần 132.000 tỉ đồng
Đối với việc hoàn thuế, Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, lũy kế 11 tháng năm 2024, cơ quan thuế đã ban hành 17.300 quyết định hoàn thuế VAT với tổng số tiền thuế hoàn là gần 132.000 tỉ đồng, bằng 77% so với dự toán hoàn thuế VAT năm 2024, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 12, cơ quan thuế sẽ tiếp tục rà soát, giám sát chặt chẽ công tác giải quyết hoàn thuế tại các địa phương và tham mưu kịp thời các biện pháp tăng cường hiệu quả quản lý hoàn thuế VAT, phối hợp các đơn vị tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ giải quyết hoàn thuế VAT trong tháng cuối năm.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, bám sát tình hình triển khai các chuyên đề thanh tra, kiểm tra chống thất thu đối với từng chuyên đề. Thực hiện lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2025 của các Cục Thuế và toàn ngành. Áp dụng đầy đủ biện pháp đôn đốc thu hồi các khoản tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn năm 2024 theo các chính sách hỗ trợ đến hạn nộp vào ngân sách, tránh phát sinh tiền nợ, tiền chậm nộp.