Động đất 8,6 độ Richter ở Indonesia: Nhà cao tầng ở TP.HCM và Hà Nội bị rung lắc

Khoảng 14 giờ 30 ngày 11-4, hàng trăm người từ một số cao ốc ở TP.HCM và Hà Nội đã nhốn nháo chạy ra đường sau khi cảm nhận có hiện tượng rung lắc mạnh. 17 giờ 50, nhiều cao ốc tại TP.HCM đã cảm nhận một đợt rung lắc nhẹ hơn kéo dài khoảng 30 giây.

TP.HCM và Hà Nội nhốn nháo

Tại TP.HCM, anh Thanh Hùng làm việc trên tầng bảy tòa nhà Vincom ở quận 1 kể: “Tôi đang làm thì thấy ly nước trên bàn tự nhiên di chuyển, sau đó cảm thấy chao đảo, chóng mặt và hơi tức ngực. Một lúc sau thấy mọi người nhốn nháo bỏ chạy ra đường, tôi mới biết có động đất”.

Chị Bích Thuận ở tầng 10 tòa nhà PVGas tại quận 7 cho biết đột nhiên cảm thấy bị chao đảo. Chị kể: “Nhìn qua cửa sổ thấy mọi người chạy tán loạn, tôi vội vàng chạy theo”.

Tại Hà Nội, anh Hoàng Nam làm việc trong tòa nhà Vietcombank trên đường Trần Quang Khải kể lại: “Rung lắc xảy ra rất nhanh, chúng tôi chỉ kịp cảm nhận mất thăng bằng và chóng mặt khi nhìn bên ngoài cửa sổ. Một số người chạy xuống dưới sân để tránh nạn. Sau khi biết chỉ rung động nhẹ, mọi người trở về làm việc bình thường”.

Tuy nhiên, không phải tòa nhà cao tầng nào cũng bị ảnh hưởng rung chấn. Rất nhiều người không hề hay biết gì và khi đọc thông tin trên mạng mới biết có xảy ra động đất.

16 giờ cùng ngày, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu) thông báo thông tin đầu tiên về động đất. Trung tâm cho biết những rung chuyển vừa qua là do ảnh hưởng của động đất với cường độ lên tới 8,9 độ Richter xảy ra tại Indonesia.

Động đất 8,6 độ Richter ở Indonesia: Nhà cao tầng ở TP.HCM và Hà Nội bị rung lắc ảnh 1

Nhân viên văn phòng ở tòa nhà Bitexco quận 1, TP.HCM di chuyển xuống tầng trệt khi thấy tòa nhà rung chuyển Ảnh: Thùy Linh

Động đất 8,6 độ Richter ở Indonesia: Nhà cao tầng ở TP.HCM và Hà Nội bị rung lắc ảnh 2

Nhân viên văn phòng quận Đống Đa, Hà Nội chạy xuống đường khi cảm nhận độ rung lắc. Ảnh: VIETNAMNET

Hoảng loạn ở Indonesia

Theo hãng tin AP, động đất 8,6 độ Richter xảy ra lúc 3 giờ 38 chiều 11-4 (giờ địa phương) đã làm rung chuyển tỉnh Aceh trên đảo Sumatra. Cục Khảo sát địa chất Mỹ ghi nhận tâm chấn sâu 23 km dưới biển cách TP Banda Aceh (thủ phủ tỉnh Aceh) 435 km.

Không khí hoảng loạn đã diễn ra ở tỉnh Aceh. Tại Banda Aceh, còi báo động hú liên tục. Các bệnh nhân hốt hoảng chạy khỏi bệnh viện. Nhiều người vừa hoảng loạn chạy sơ tán vừa khóc. Điện ở tỉnh Aceh bị cắt. Kẹt xe xảy ra nhiều nơi do người dân tranh nhau chạy lên chỗ cao.

Hãng tin BBC ghi nhận các tòa nhà ở thủ đô Jakarta (Indonesia) rung lắc đến 5 phút. Động đất mạnh đến mức các tòa nhà cao tầng ở Malaysia, Singapore, Thái Lan, Bangladesh và Ấn Độ cũng bị rung lắc.

Ngay sau động đất, Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương ở Hawaii đã cảnh báo sóng thần đối với các nước ven Ấn Độ Dương gồm Indonesia, Ấn Độ, Sri Lanka, Úc, Myanmar, Thái Lan, Maldives, Malaysia, Pakistan, Somalia, Oman, Iran, Bangladesh, Kenya, Nam Phi và Singapore.

Trung tâm thông báo sóng thần có thể xảy ra và gây tàn phá trên diện rộng trên toàn bộ bờ biển khu vực lòng chảo Ấn Độ Dương.

Cục Khí tượng và Địa vật lý Indonesia khuyến cáo người dân sơ tán khỏi bờ biển phía tây. Tuy nhiên, chỉ có một đợt sóng cao 80 cm ập vào bờ biển TP Meulaboh và TP Sabang ở tỉnh Aceh.

Động đất 8,6 độ Richter ở Indonesia: Nhà cao tầng ở TP.HCM và Hà Nội bị rung lắc ảnh 3

Người dân ở TP Banda Aceh hốt hoảng chạy lên chỗ cao. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Động đất 8,6 độ Richter ở Indonesia: Nhà cao tầng ở TP.HCM và Hà Nội bị rung lắc ảnh 4

Tâm chấn động đất ở Indonesia. Ảnh: RT

Báo động sóng thần lần thứ hai

Tại Thái Lan, Trung tâm Cảnh báo thảm họa quốc gia ra lệnh sơ tán người dân ở sáu tỉnh ven biển phía Tây, trong đó có các điểm du lịch nổi tiếng Phuket, Krabi và Phang-Nga.

Tại bang Tamil Nadu ở miền Nam Ấn Độ, cảnh sát đã phong tỏa bờ biển và dùng loa cảnh báo người dân nhanh chóng rời khỏi khu vực.

Tại thủ đô Dhaka (Bangladesh), người dân ở quận trung tâm Motijheel bỏ chạy khỏi các văn phòng làm việc và nhà cửa. Cộng hòa Maldvives và Sri Lanka ra lệnh người dân sơ tán khỏi nhà cao tầng. Hai nước châu Phi Kenya và Tanzania cũng đưa ra cảnh báo sóng thần.

Hơn 2 tiếng sau động đất, dư chấn 8,2 độ Richter đã xảy ra. Tâm chấn của dư chấn ở ngoài khơi đảo Sumatra cách tỉnh Aceh 615 km. Phóng viên AFP ở TP Banda Aceh cho biết dư chấn kéo dài đến 4 phút.

Cục Khí tượng và Địa vật lý Indonesia tiếp tục đưa ra cảnh báo sóng thần lần thứ hai và khuyến cáo người dân ở đảo Sumatra tránh xa bờ biển cho đến khi cảnh báo được thu hồi.

Đến tối 11-4, Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương mới thu hồi cảnh báo sóng thần.

Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono cho biết không có thương vong và thiệt hại ở tỉnh Aceh.

Các chuyên gia cho biết về mặt địa chất, động đất ngày 11-4 ở Indonesia khác động đất gây ra sóng thần cũng ở Indonesia năm 2004. Các phiến địa chất cọ xát với nhau theo chiều ngang nên ít gây chấn động đến biển hơn.

Thủy điện Sông Tranh 2 không bị ảnh hưởng

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM , TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, khẳng định động đất ngày 11-4 ở Indonesia không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam.

Ông giải thích: Hà Nội và TP.HCM là hai khu vực có nền đất yếu, có những trầm tích tương đối dày, khi sóng động đất lan truyền tới gây nên hiện tượng khuếch đại sóng ảnh hưởng đến các tòa nhà cao tầng. Nhưng không phải tòa nhà cao tầng nào cũng bị ảnh hưởng như nhau mà còn tùy vào nền đất của từng nơi. Ông dẫn chứng: “Ở Hà Nội có rất nhiều người cảm nhận khá rõ về cơn dư chấn này nhưng tôi đang làm việc tại tầng hai thì không có cảm nhận gì”.

Theo TS Lê Huy Minh, đây chỉ là rung động do sóng động đất chứ không phải là dư chấn động đất. Ông cho biết sau động đất ở Indonesia sẽ có dư chấn với cường độ nhỏ hơn gần khu vực đảo Sumatra nhưng dư chấn sẽ không ảnh hưởng tới Việt Nam. Theo ông, thủy điện Sông Tranh 2 ở vùng núi, có nền tốt nên không bị ảnh hưởng động đất Indonesia.

VIỆT HOA - HOÀNG VÂN - LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm