Sáng 28-3, ông Đinh Quốc Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và đại diện các sở, ngành liên quan ở TP Biên Hòa đã đối thoại với tiểu thương chợ Tân Hiệp để tìm hướng giải quyết vấn đề chợ Tân Hiệp.
Năm 1998, chợ Tân Hiệp được xây bằng tiền của tiểu thương góp cùng Nhà nước với hợp đồng cho thuê kios là 20 năm, sạp là 12 năm. Đến năm 2006, UBND TP Biên Hòa đã có văn bản xin UBND tỉnh giới thiệu địa điểm này thành trung tâm thương mại (TTTM). Tháng 11-2007, UBND tỉnh Đồng Nai đã cấp giấy chứng nhận đầu tư TTTM cho Công ty CP Tân Trung Sơn (TP.HCM). Lúc này, hợp đồng ký với dân mới thực hiện được chín năm.
Chủ tịch UBND TP Biên Hòa lúc bấy giờ đã ký một văn bản trả lời tiểu thương với đại ý TTTM Tân Hiệp xây dựng gồm năm tầng, trong đó tầng trệt với diện tích sàn hơn 11.000 m2 dành bố trí cho các sạp, kios cho chợ truyền thống có chức năng bán lẻ và shop cao cấp... UBND TP Biên Hòa cam kết tái bố trí cho các hộ kinh doanh ở chợ truyền thống cũ với nhiều ưu đãi, miễn giảm tiền thuê...
TTTM Tân Hiệp vẫn đóng cửa im lìm. Ảnh: DUY ĐÔNG
Tuy nhiên, đến năm 2011, khi TTTM hình thành, các tiểu thương phát hiện chủ đầu tư treo bảng quảng cáo cho thuê mặt bằng tại nơi mà họ sẽ được bố trí kinh doanh trở lại. Còn chợ truyền thống thì sẽ dời vào khu vực khác, không thuận lợi cho việc kinh doanh.
Theo lý giải của UBND TP Biên Hòa, trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã xin thay đổi thiết kế để tách riêng chợ truyền thống ra khỏi TTTM; các sạp và kios không mở cửa ra ngoài mặt đường và được Sở Xây dựng thẩm định, chấp thuận. Tuy nhiên, điều đó không đúng cam kết trước đây khiến cho khoảng 30% tiểu thương phải di chuyển lên lầu, ảnh hưởng việc mua bán.
Tại buổi tiếp xúc, ông Trịnh Tuấn Liêm, Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, thừa nhận đã có sai sót khi không thông báo với các tiểu thương về việc điều chỉnh, thay đổi thiết kế. Ông đưa ra giải pháp bố trí 72 kios xung quanh TTTM, tăng thêm số lượng sạp và bổ sung thêm diện tích sạp. Đối với những điểm kinh doanh không thuận lợi sẽ được hỗ trợ thêm chi phí di dời 5 triệu đồng/sạp, ký thêm hợp đồng thuê năm năm, không thu thuế, hoa chi và lệ phí giữ xe năm năm. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ nhận được rất ít sự đồng thuận của tiểu thương. Số đông tiểu thương đề nghị nếu không bồi thường thỏa đáng, UBND TP và chủ đầu tư phải trả lại mặt bằng chợ Tân Hiệp cũ hoặc xây dựng TTTM Tân Hiệp theo như cam kết ban đầu.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái, để xảy ra sự việc đáng tiếc như hôm nay là do việc thay đổi thiết kế không thông qua ý kiến của tiểu thương. Theo ông, phương án tối ưu là xây dựng các kios xung quanh TTTM Tân Hiệp. Tiếp xúc với chúng tôi, đại diện chủ đầu tư (Công ty Tân Trung Sơn) cho biết đã thỏa thuận được 340 hộ sẽ di dời qua TTTM Tân Hiệp, công ty cũng đã chủ động mua lại được gần 100 sạp, kios. Riêng vấn đề thay đổi thiết kế thì việc thay đổi này là để tối ưu hóa công năng sử dụng TTTM, nhà đầu tư không có chức năng thông báo với tiểu thương. |
DUY ĐÔNG