Trong vụ án này có 9 bị cáo thuộc 2 phòng giao dịch Điện Biên Phủ và Đinh Tiên Hoàng VietinBank bị truy tố đưa ra xét xử về vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Bởi trong việc đề xuất cho vay, ký duyệt đề xuất cho vay và duyệt cho vay, giải ngân các bị cáo đã bỏ qua các bước của quy trình lập hồ sơ cho vay hết sức quan trọng, không được bỏ qua là: không có mặt người vay; không có mặt người bảo lãnh để làm thủ tục ký tên vào hồ sơ cho vay, hồ sơ bảo lãnh của người có tài sản bảo lãnh; đối chiếu Chứng minh nhân dân của những người này.
Tại phiên xử, bị cáo Huyền Như thừa nhận, đối với những trường hợp Như cầm cố thẻ tiết kiệm của nhân viên ACB và Navibank tại Phòng giao dịch VietinBank Đinh Tiên Hoàng không đảm bảo quy định của Ngân hàng này. “Bị cáo đã gian dối với đồng nghiệp. Các đồng nghiệp đã tin tưởng bị cáo nên mới bị dẫn đến hoàn cảnh này”, Huyền Như nói.
Các bị cáo là đồng nghiệp của Huyền Như cùng vướng vòng lao lý vì quá sơ hở, bị Huyền Như lợi dụng. Ảnh: HY
Đi vào trường hợp, bị cáo Đoàn Lê Du (Trưởng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng, bị án sơ thẩm tuyên phạt 17 năm tù) kháng cáo trình bày với toà không cố ý phạm tội. Nhưng Du xác nhận biết cái sai của mình là giải ngân nhưng không gặp khách hàng, trái với quy định của ngân hàng. Lý giải cho sai phạm của mình, Du nói "do Huyền Như là đồng nghiệp nên tạo lòng tin với bị cáo" Và Du cũng nói rõ các khách hàng này đều là của Như.
Tuy nhiên khi thẩm phán đặt câu hỏi: “Biết sai thì cố ý hay là vô ý?” Bị cáo ngập ngừng: "Dạ cố ý ạ.".
Trả lời VKS, Du cho biết khi thực hiện cầm cố những thẻ tiết kiệm này có vi phạm với quy định của ngân hàng Vietinbank không? Cụ thể hành vi của Du vi phạm quy định số 069 của Vietinbank về quy định cho vay cầm cố bằng thẻ tiết kiệm.
Theo hồ sơ, Du chỉ đạo việc cho vay không có mặt khách hàng vay; người có tài sản bảo lãnh đã vi phạm quy định tại Hướng dẫn cho vay tiêu dùng có bảo đảm bằng số dư tiền gửi, sổ/thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá; được ban hành theo Quyết định số 069/QĐ-NHCT19 ngày 25/1/2010 của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; dẫn đến việc Như thực hiện trót lọt việc lừa đảo bằng thủ đoạn dùng thẻ tiết kiệm mang tên 12 nhân viên Ngân hàng ACB, Navibank để dùng thế chấp vay tiền tại Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng, ký giả chữ ký của người vay và người có tài sản bảo lãnh, chiếm đoạt được 239,94 tỷ đồng.
Các bị cáo đồng nghiệp “siêu lừa” xin xét xem lại tội danh vì khi thực hiện là do quá tin tưởng bị cáo Như. Thẩm phán đặt vấn đề với các bị cáo “biết sai vẫn làm giúp cho Như chiếm đoạt số tiền rất lớn vậy nếu không phạm tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng thì các bị cáo là người giúp sức cho Như lừa đảo chưa cần xét đến có vụ lợi gì, phải không?”. Các bị cáo đã không trả lời được câu hỏi.
Trước đó, trong phiên xử sơ thẩm vụ án, có luật sư cho rằng trong vụ án Vietinbank không phải là bị hại nên không có thiệt hại xảy ra nên bị cáo (trong nhóm vi phạm cho vay này) không phạm tội. TAND TP.HCM nhận định: Vietinbank không bị thiệt hại hay nói cách khác là không bị gánh chịu hậu quả, nhưng điều 179, BLHS chỉ ghi gây hậu quả nhưng không quy định là gây hậu quả cho đơn vị mình hay cho các cá nhân đơn vị khác. Ở đây Vietinbank không gánh hậu quả, nhưng từ việc làm của các bị cáo tại các phòng giao dịch Điện Biên Phủ và Đinh Tiên Hoàng đã gây thiệt hại cho các cá nhân và đơn vị và những cá nhân và đơn vị đó đã gánh chịu hậu quá do các cán bộ nhân viên các phòng giao dịch nói trên làm sai gây ra.
Phiên tòa vẫn đang tiếp tục.