Động thổ dự án Nhà máy Lọc hóa dầu gần 3,2 tỉ USD

Dự án này do Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô (tên pháp nhân Việt Nam của Công ty Technostar Management Ltd- Anh) làm chủ đầu tư, có công suất 8 triệu tấn/năm, được xây dựng trên diện tích 538 ha đất, 500 ha mặt nước, có mức đầu tư 3,18 tỷ USD.

 Các phương tiện, máy móc chuẩn bị động thổ xây dựng dự án. Ảnh: TẤN LỘC

Theo ông Kirill Korolev, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô, các sản phẩm chính của Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô là olypropylen, benzen, toluene, xylene, probane, LPG, xăng RON 92, xăng RON 95, nhiên liệu phản lực, diezel, dầu FO, lưu huỳnh và các sản phẩm hóa dầu khác. Dự án này sẽ sử dụng công nghệ, thiết kế kỹ thuật của Mỹ, nguồn nguyên liệu dầu thô chủ yếu của Nga, Trung Đông. Chủ đầu tư đã ký kết hai hợp đồng về công nghệ của dự án với Công ty UOP (Mỹ) gồm hợp đồng mua bản quyền công nghệ, hợp đồng thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED); ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn tài chính là Tập đoàn Storm Habour (đa quốc gia), tư vấn luật là các công ty Skadden Arps, Doug Nordlinger (Anh), tư vấn kiểm toán là KPMG (đa quốc gia), tư vấn đánh giá tác động môi trường là Eco (Việt Nam).

Để triển khai dự án trên, Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc áp dụng thuế suất xuất khẩu sản phẩm lọc dầu của dự án là 0%; xem xét áp dụng tương tự như đối với các dự án lọc hóa dầu khác về quyền phân phối sản phẩm lọc dầu, thuế nhà thầu nước ngoài, tiền sử dụng mặt nước, đáy biển, thuế sử dụng mặt nước, đáy biển, thuế sử dụng tài nguyên nước ngọt, đáy biển. 

Ngoài ra, nhà đầu tư còn được ưu đãi về đầu tư, hỗ trợ hạ tầng. Ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết trong giai đoạn 1, tỉnh này đã bàn giao 134 ha cho Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô để xây dựng cảng Bãi Gốc. Cùng với việc xây dựng nhà máy lọc hóa dầu- chế biến, dự án sẽ xây dựng cảng Bãi Gốc theo hướng kết hợp cảng chuyên dụng lọc hóa dầu, cảng hàng tổng hợp, cảng hàng rời khô, cảng container và các bến dịch vụ phục vụ chung cho cả khu kinh tế Nam Phú Yên.

Dự án trên được UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2007 với công suất 4 triệu tấn/năm nhưng suốt thời gian dài chủ đầu tư không khởi động dự án. Đến tháng 2-2013, dự án được Chính phủ cho phép điều chỉnh quy mô, tăng công suất, mức đầu tư lên gấp đôi và được xem là dự án an ninh năng lượng thuộc danh mục đặc biệt khuyến khích đầu tư. 

Dự kiến, khi đi vào hoạt động, dự án trên sẽ đóng góp cho ngân sách hơn 110 triệu USD mỗi năm, tạo việc làm cho 1.300 lao động. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm