Trong hai ngày 18 và 19-5, đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã làm việc với UBND TP Cần Thơ về tiến độ thực hiện dự án Nhà máy lọc dầu Cần Thơ.
Hoành tráng dự án trăm triệu đô
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT TP Cần Thơ, dự án Nhà máy lọc dầu Cần Thơ được lập hồ sơ tiền khả thi từ cuối tháng 10-2004. Tháng 7-2005, Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư và cho phép nhà đầu tư lập báo cáo đầu tư. Ngày 19-5-2008, UBND TP Cần Thơ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho chủ đầu tư là Công ty TNHH Nhà máy lọc dầu Cần Thơ. Đây là công ty liên doanh, trong đó Công ty Cổ phần Đầu tư - Thương mại Viễn Đông (trụ sở tại TP.HCM) góp 161,4 triệu USD (30% vốn điều lệ), còn Công ty Semtech Limited (Mỹ) góp 376,6 triệu USD (70% vốn điều lệ). Theo lộ trình góp vốn, các bên bắt đầu góp vốn bằng tiền mặt từ tháng 5-2008 và hoàn tất vào tháng 4-2010. Do khó khăn về tài chính, tháng 11-2009, phía Semtech đã rút lui mà chưa góp một đồng vốn nào.
Cuối năm 2009, Công ty Viễn Đông xin điều chỉnh quy mô dự án và được UBND TP Cần Thơ chấp thuận. Theo đó, diện tích xây dựng nhà máy từ 250 ha còn 50 ha, giảm vốn đầu tư từ 538 triệu USD xuống 350 triệu USD và công suất giữ nguyên. Tại cuộc họp ngày 18-5, Tổng Giám đốc Công ty Viễn Đông Nguyễn Văn Đức cho biết: Công ty đang cố gắng hoàn tất hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự kiến trong quý I-2011 sẽ khởi công dự án, thời gian thi công 18 tháng. Về vấn đề vốn, hiện công ty đã tìm được hai đối tác để thay thế Semtech. Dự kiến nguồn dầu thô của nhà máy được cung ứng bởi Tập đoàn VITOL, Singapore. Sản phẩm đầu ra (xăng có chỉ số Octan Ron 92, 95, LPG, dầu diesel, naphtha nhẹ...) sẽ bán cho Petro Mekong và các công ty xăng dầu ở vùng ĐBSCL.
Nghi ngờ năng lực tài chính của chủ đầu tư
Về dự án “hoành tráng” này, ông Trần Thanh Cần, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP Cần Thơ, nhận xét: “Chúng tôi chưa có niềm tin vào dự án vì chưa rõ năng lực tài chính của đối tác mới. Quy hoạch dự án đã được Thủ tướng phê duyệt nên TP sẽ kiên quyết giữ. Việc ai làm dự án không quan trọng, quan trọng là nguồn tiền đầu tư cho dự án. Tôi có cảm giác bất an về vốn đầu tư của dự án này”. Ông Cần cho biết thêm, đến cuối tháng 6, nếu chủ đầu tư không chứng minh được năng lực tài chính thực hiện dự án, Sở sẽ có văn bản trình UBND TP xem xét thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.
Ngoài tài chính, một vấn đề quan trọng nữa chưa được làm sáng tỏ là địa điểm xây dựng nhà máy. Một lãnh đạo Sở Xây dựng TP Cần Thơ cho biết khi điều chỉnh quy mô dự án, chủ đầu tư và cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa xác định được diện tích 50 ha xây nhà máy nằm ở đâu trong diện tích 250 ha trước đó. Chưa kể, phần đất dự kiến quy hoạch đặt nhà máy hiện do hàng trăm hộ dân sử dụng, có quyền sử dụng đất. Vì thế, nếu không sớm xác định vị trí để thực hiện các bước lập quy hoạch 1/2.000, 1/500 và lên kế hoạch bồi thường, dự án chắc chắn sẽ bị chậm tiến độ. Một lãnh đạo quận Ô Môn thông tin thêm, hiện người dân vùng dự kiến quy hoạch nhà máy đang có xu hướng xin chuyển mục đích sử dụng đất. Do đó, nếu chậm triển khai thực hiện, kinh phí bồi thường của dự án sẽ tăng rất cao.
Ghi nhận các ý kiến trên, ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành, cho biết đoàn kiểm tra sẽ nắm hồ sơ liên quan đến dự án một cách toàn diện để báo cáo lãnh đạo Bộ KH&ĐT. Sau đó, Bộ sẽ có văn bản trình Chính phủ quyết định.
GIA TUỆ