Dự báo TP.HCM sẽ kiểm soát được dịch COVID vào cuối tháng 8-2021

Sở TT&TT TP.HCM vừa có báo cáo tổng hợp các phân tích, đánh giá, dự báo và giải pháp đối với diễn biến dịch COVID-19 tại TP gửi Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và một số thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.

nghien-cuu-covid-19

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại quận Tân Phú. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo đó, Sở TT&TT TP.HCM đã giới thiệu kết quả của hai nhóm nghiên cứu, gồm nhóm nghiên cứu của Đại học Fulbright và nhóm nghiên cứu Tech4Covid.

Sở TT&TT cho biết Sở nhận thấy tính tương đồng về kết quả của hai nhóm nghiên cứu việc áp dụng Chỉ thị 10 đã phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch bệnh bùng phát tại TP.HCM.

Cụ thể, theo kết quả mô phỏng dựa trên dữ liệu đến ngày 27-6-2021, dịch đã có xu hướng gần đạt đỉnh ở vào cuối tháng 6 và có xu hướng giảm nhẹ vào đầu tháng 7-2021. Việc tiếp tục duy trì tuân thủ Chỉ thị 10 sẽ giúp kiểm soát dịch hoàn toàn tháng 8-2021.

Đồng thời, việc nhanh chóng triển khai áp dụng công nghệ xét nghiệm nhanh diện rộng, tiêm vaccine, khai báo y tế điện tử... trong công tác phòng chống dịch có thể rút ngắn thời gian áp dụng Chỉ thị 10 tại TP.

Sở TT&TT đề xuất UBND TP; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xem xét các khuyến nghị của hai nhóm nghiên cứu vì các khuyến nghị này dựa vào các căn cứ khoa học. 

Sở cũng đề nghị xem xét đối với khuyến nghị đưa quận 1, quận 4, quận 12 vào nhóm nguy cơ rất cao; đưa quận 7, quận 10, quận 11 và quận Thủ Đức cũ vào nhóm nguy cơ cao.

Theo báo cáo của Sở TT&TT, nhóm nghiên cứu thứ nhất của Đại học Fulbright khẳng định, việc áp dụng Chỉ thị 10 cho thấy xu hướng dịch đã gần đạt đỉnh vào cuối tháng 6-2021 và đầu tháng 7-2021. Dự báo kể từ đầu tháng 8 chỉ còn rải rác vài ca/ngày và dịch sẽ kết thúc vào cuối tháng 8-2021.

Nhóm này đưa ra các kịch bản về áp dụng chính sách kiểm soát dịch, trong đó có hai kịch bản áp dụng Chỉ thị 10 của TP.HCM và Chỉ thị 16 của Chính phủ, đưa đến kết luận dịch bệnh sẽ suy giảm và kết thúc vào tháng 8-2021. Cụ thể ở kịch bản 1: Áp dụng Chỉ thị 10 trong hai tuần tháng 7 và sau đó nới lỏng dần. Tổng số ca của cả đợt dịch là khoảng 11.000 ca, số giường bệnh dự kiến là 7.000 giường. 

Còn ở kịch bản 2: Áp dụng Chỉ thị 16 trong một tuần kể từ cuối tháng 6, đầu tháng 7, sau đó nới lỏng dần. Tổng số ca của cả đợt dịch là khoảng 7.000 - 10.000 ca, số giường bệnh dự kiến là 7.000. 

Đối với hai kịch bản này, nhóm nghiên cứu dự báo kể từ đầu tháng 8-2021 chỉ còn rải rác vài ca/ngày và dịch sẽ kết thúc vào cuối tháng 8-2021.

Nhóm này cũng khuyến nghị áp dụng Chỉ thị 10 trong hai tuần đầu tháng 7, sau đó nới lỏng dần (tức thực hiện sang Chỉ thị 15 trong hai tuần) sẽ giúp kiểm soát dịch hoàn toàn vào cuối tháng 8 và dịch không bùng phát trở lại. Dù vậy, cần kiểm soát nguy cơ từ các ca xâm nhập từ tỉnh khác. Chỉ khi độ bao phủ của vaccine đạt ít nhất là 40% thì mới bắt đầu thấy tác động dịch tễ.

Đồng thời, hiện nay dịch chủ yếu lây lan trong khu vực kín nên cần thực hiện các biện pháp tăng thông khí, lọc không khí, tiệt khuẩn bằng đèn UV trần nhà để giảm mật độ virus; khuyến khích các dịch vụ ngoài trời (quán ăn, chợ dân sinh) hơn là các dịch vụ trong khu vực kín (nhà hàng máy lạnh, siêu thị),…

Còn nhóm nghiên cứu thứ hai là Tech4Covid đã dự báo ca F0 cộng đồng có xu hướng đạt đỉnh và sẽ bắt đầu giảm nhẹ trong tháng 7-2021. Dịch bệnh sẽ được kiểm soát đến cuối tháng 8 nếu Chỉ thị 10 được tuân thủ tốt. Việc triển khai nhanh xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng sẽ giúp kiểm soát nhanh các ca F0 trong cộng động và rút ngắn thời gian áp dụng Chỉ thị 10.

Dựa vào tiêu chí ca tầm soát và hệ số lây nhiễm của ca tầm soát (RO), nhóm Tech4Covid đề xuất phân loại quận, huyện theo nhóm nguy cơ như sau:

Nhóm nguy cơ rất cao gồm huyện Hóc Môn, Bình Chánh, các quận Bình Tân, 8, 12, 1, 4.  Nhóm nguy cơ cao gồm các quận 7, 5, 10, 11, Bình Thạnh, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp và TP Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ, quận 9 cũ). Nhóm có nguy cơ gồm các quận, huyện còn lại.

Nhóm nghiên cứu thứ nhất của Đại học Fulbright do TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng nhóm. Nhóm còn có TS.BS. Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, Giảng viên cao cấp trường ĐH Sydney Úc và các cộng sự là các nhà nghiên cứu người Việt trong và ngoài nước.

Nhóm nghiên cứu thứ hai là Tech4Covid do TS. Đinh Bá Tiến, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Khoa học tự nhiên làm trưởng nhóm; còn có PGS.TS. Lê Đình Duy, Trưởng phòng Đào tạo sau đại học và Khoa học công nghệ, Đại học Công nghệ thông tin và các cộng sự là các nhà nghiên cứu người Việt trong và ngoài nước.

Ngoài ra còn có TS. Quoc Tran (Principal Data Scientist, Walmart Labs, US) đã có kinh nghiệm trong xây dựng mô hình dự báo có độ chính xác cao đối với dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra tại Mỹ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm