Dự COP28, Việt Nam chung tay với thế giới bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu

(PLO)- Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự COP28, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chung tay với thế giới bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hôm nay, 30-11, Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) khai mạc tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất UAE, với hàng loạt hoạt động đến đến 12-12.

Bộ TN&MT đánh giá đây là hội nghị rất quan trọng, vì được tổ chức ở thời điểm then chốt cho hành động toàn cầu về biến đổi khí hậu.

Việt Nam mang nhiều cam kết tới COP28

Với tính chất đặc biệt ấy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự sự kiện này. Phần đàm phán kỹ thuật, bao gồm toàn thời gian COP28 cũng như các phiên trù bị, phía Việt Nam sẽ tham dự đầy đủ.

Để thu hút sự quan tâm, ủng hộ của quốc tế, Đoàn Việt Nam dự kiến sẽ chủ trì một số sự kiện và tham gia nhiều sự kiện bên lề COP28, qua đó giới thiệu kinh nghiệm và quảng bá thông tin, hình ảnh ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, kêu gọi quốc tế hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hội nghị COP28 là dịp giới thiệu kinh nghiệm và quảng bá thông tin, hình ảnh ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam với thế giới (Ảnh: AP).

Theo Bộ TN&MT, quan điểm Việt Nam tham dự COP28 là ứng phó với biến đổi khí hậu phải được thực hiện trên nguyên tắc công bằng, công lý, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Việt Nam kêu gọi các quốc gia, tổ chức, tập đoàn cần thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Các nước phát triển cần giữ vai trò tiên phong đi đầu, tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho các nước đang phát triển chuyển đổi năng lượng công bằng thông qua cung cấp tài chính, nhất là viện trợ không hoàn lại, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực; cần bảo đảm công bằng, công lý khí hậu.

Tại COP28 năm nay, Việt Nam sẽ lập Phòng Sự kiện để giới thiệu về nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu. Trong khuôn khổ Hội nghị, Đoàn Việt Nam sẽ tổ chức Lễ công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP tại COP28 là cách thức để Việt Nam vận động các đối tác quốc tế hợp tác, hỗ trợ triển khai thực hiện các cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu và đầu tư vào các dự án chuyển đổi năng lượng theo hướng chuyển đổi xanh, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp.

Việt Nam đang hành động để chống biến đổi khí hậu

Ngay sau COP26, diễn ra tại Anh vào năm 2021, Thủ tướng đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, giao Bộ TN&MT làm cơ quan thường trực.

Đến nay, nhiều chính sách, chương trình hành động về ứng phó biến đổi khí hậu đã được ban hành và triển khai thực hiện như: Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050;

Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, Kế hoạch quốc gia triển khai tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030; Cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022;

Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia theo hướng giảm mạnh điện than cũng đã được ban hành, thay thế bằng nguồn điện từ năng lượng tái tạo, điện khí LNG; Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố JETP tại Việt Nam.

Các bộ, ngành cũng đã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã vào cuộc, đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế carbon thấp.

Nhiều địa phương đã thực hiện các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp; kêu gọi đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, điện gió trên địa bàn.

Đặc biệt các địa phương có biển đã tiến hành giao các khu vực biển để thực hiện các dự án điện gió gần bờ theo thẩm quyền như Cà Mau: 8 dự án; Bạc Liêu: 3 dự án; Trà Vinh: 5 dự án; Sóc Trăng: 3 dự án; Bến Tre: 4 dự án; Tiền Giang: 1 dự án…, đồng thời xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn quản lý.

COP28 - Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 28 có hơn 70.000 đại biểu tham dự, bao gồm cả nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ và các nhà lãnh đạo thế giới, từ 197 quốc gia và hàng nghìn tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, nhóm thanh niên và các bên liên quan khác.

Tham dự Hội nghị dự kiến sẽ có các nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ của các quốc gia tham dự. Đây là diễn đàn để các quốc gia đưa ra những cam kết, hành động mới mạnh mẽ hơn trong đóng góp về tài chính, công nghệ, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới thực hiện mục tiêu Thỏa thuận Paris.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới