Du học Pháp phải biết lo xa

Do đó, không có bất kỳ sự phân biệt nào giữa sinh viên nước ngoài và sinh viên Pháp: Tiêu chí tuyển sinh như nhau, bằng cấp và học phí như nhau…

ThS Võ Xuân Hoài, Tổng Thư ký Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF), cho biết: “Để du học Pháp, bạn nên tìm kiếm thông tin tại CampusFrance - cơ quan duy nhất và chính thức của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam phụ trách về du học Pháp. CampusFrance sẽ giúp bạn trang bị những thông tin cần thiết cho cuộc sống, học tập tại Pháp”.

Tìm nhà ở trước khi đến Pháp

Ông Alexis Lý, phụ trách hướng nghiệp - tư vấn CampusFrance, cho hay văn phòng CampusFrance sẽ tư vấn và thông tin cho bạn về các chương trình đào tạo tại Pháp, đồng hành cùng bạn trong suốt quá trình làm thủ tục đến khi xin thị thực. “Mọi ứng viên du học Pháp bắt buộc phải thực hiện quy trình CampusFrance (www.vietnam.campusfrance.org). Lợi thế của quy trình này là cho phép bạn dự tuyển vào phần lớn các cơ sở đào tạo ĐH của Pháp bằng hồ sơ điện tử. Hồ sơ của bạn được chuyển trực tiếp tới các cơ sở đào tạo mà bạn lựa chọn nếu những trường này kết nối với CampusFrance. Do đó, bạn không cần gửi hồ sơ giấy, trừ khi bạn dự tuyển vào một trường không kết nối” - ông Alexis Lý nói.

Du học Pháp phải biết lo xa ảnh 1

Sinh viên tìm hiểu thông tin về Trường ĐH Tổng hợp Rennes1 (Pháp) tại triển lãm du học. Ảnh: QUỐC DŨNG

Sau khi hoàn tất quy trình CampusFrance, bạn chuẩn bị hồ sơ xin visa. Tùy vào hộ chiếu được cấp tại đâu mà bạn sẽ xin cuộc hẹn qua điện thoại với bộ phận visa của Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội (57 Trần Hưng Đạo) hoặc Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM (27 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1). Tại cuộc hẹn này, bạn nộp hồ sơ cùng hộ chiếu và lệ phí xin visa. Để tránh trường hợp bị từ chối visa và không được trả lại lệ phí khi bị từ chối, bạn cần chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ các giấy tờ theo hướng dẫn của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam qua trang web www.ambafrance-vn.org/thu-tuc-di-Phap.

TS Lê Đoàn Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UEVF, khuyên: Dù du học tự túc hay có được một học bổng, khi đã quyết định đi Pháp, bạn cần xúc tiến việc tìm nhà càng sớm càng tốt, vì đây là việc tương đối khó. Ngay khi nhận được giấy chấp nhận của trường, bạn cần liên hệ với bộ phận phụ trách đời sống sinh viên hoặc bộ phận quan hệ quốc tế của trường để hỏi về các thủ tục xin ở ký túc xá. Bạn cũng nên liên hệ với CROUS - CNOUS (www.cnous.fr) tại thành phố bạn sẽ tới để xin nhà ở trong ký túc xá sinh viên do CROUS quản lý.

Mở tài khoản để lo chi tiêu hằng ngày

Để chính thức trở thành sinh viên của trường mình theo học, bạn phải đăng ký nhập học. Thời gian đăng ký nhập học phụ thuộc vào từng trường, thường vào tháng 9, 10. Để hoàn thành việc đăng ký nhập học, bạn phải mua bảo hiểm y tế bắt buộc (đóng tiền cùng lúc với học phí). Ngoài ra bạn cũng nên mua bảo hiểm y tế bổ sung. Chỉ trả thêm một phần chi phí nhỏ nhưng bạn sẽ được lợi rất nhiều trong việc chăm sóc sức khỏe. Vào thời điểm nhập học, các quỹ bảo hiểm sinh viên sẽ có mặt tại hầu hết các trường để cung cấp thông tin cho bạn.

Tại Pháp, bạn cần mở một tài khoản để nhận tiền học bổng, hỗ trợ nhà cửa, tiền hoàn trả khám, chữa bệnh của bảo hiểm xã hội hay các thu nhập khác, để đảm bảo các chi tiêu hằng ngày, cũng như để thanh toán phí nhập học, tiền thuê nhà và các dịch vụ… Mở tài khoản ngân hàng tại Pháp hoàn toàn miễn phí và giảm cho bạn được nhiều khoản phí so với việc sử dụng thẻ tín dụng quốc tế gắn với tài khoản của bạn tại Việt Nam.

Chỗ ở, việc làm và sức khỏe

Đối với sinh viên Việt Nam, phòng trong ký túc xá thường ưu tiên cho các sinh viên được học bổng hoặc chứng minh được hạn chế về tài chính. Để có được một phòng trong ký túc xá, sinh viên thường đăng ký bằng cách điền hồ sơ trên trang web CROUS của từng vùng trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4. Bên cạnh các ký túc xá do CROUS quản lý có các khu ký túc xá tư nhân được xây dựng tiện nghi, hiện đại và giá cũng đắt hơn. Nếu muốn có một suất ở đó bạn cũng phải liên hệ và đặt trước khá lâu. Ngoài ra, bạn nên tham khảo trên trang web của Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp www.uevf.net, hoặc trang web của nhóm NNB www.nhungnguoiban.org, hoặc diễn đàn sinh viên Việt Nam tại Pháp www.daugau.com.

ThS Võ Xuân Hoài cũng lưu ý tại các nước phát triển như Pháp, tiền viện phí, thuốc men rất đắt. Do đó, việc mua bảo hiểm là rất cần thiết để phòng khi ốm đau, bảo hiểm sẽ giúp bạn thanh toán từ 15% đến 70% tổng chi phí. Là sinh viên, bạn được ưu đãi khi đóng bảo hiểm mà vẫn hưởng quyền lợi như người đang đi làm.

Ở Pháp, đặc biệt là ở Paris, có rất nhiều công việc làm thêm cho sinh viên như trông trẻ, phụ việc nhà hàng, tính tiền ở siêu thị, trông khách sạn, dọn nhà, công việc ở nông trại vào mùa thu hoạch, trực điện thoại, phát tờ rơi… Điều quan trọng là bạn phải biết cách tìm kiếm việc phù hợp với hoàn cảnh và thời gian học của bạn. Dù là việc làm thêm nhưng bạn cũng nên chú ý đến thư xin việc nên trình bày rõ ràng, ngắn gọn, đừng ngần ngại nêu các việc đã làm vì nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào đó để đánh giá cao sự va chạm của bạn trong cuộc sống.

Đăng ký với cơ quan quản lý nhập cư

Điểm mới mà Pháp vừa quy định, đó là sinh viên quốc tế đến Pháp được cấp visa sinh viên dài hạn (VLS-TS) có giá trị như thẻ cư trú. Visa này có giá trị từ bốn tháng đến một năm, tùy chương trình học. Quy định này kéo theo vài thay đổi về thủ tục hành chính mà sinh viên cần phải thực hiện khi đến Pháp. Trước đây, với visa ngắn hạn (ba tháng), sinh viên phải đến Sở Cảnh sát để làm thẻ cư trú có giá trị một năm. Với visa VLS-TS, sinh viên đến Cơ quan Quản lý nhập cư của Pháp (OFII) trong vòng ba tháng kể từ khi đến Pháp để lấy giấy chứng nhận dán vào hộ chiếu.

QUỐC DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm