Du lịch mạo hiểm: Không có quy chuẩn nào!

Ở các nước đây là chuyên ngành được đào tạo bài bản, vấn đề an toàn luôn đặt lên hàng đầu.

Khai thác kiểu tay ngang

Hiện nay phần lớn những công ty đang khai thác loại hình này ở Việt Nam là tay ngang, tự học lẫn nhau và học trên mạng. Mặt khác ở Việt Nam không có quy chuẩn gì đối với loại hình này, ngay cả huấn luyện viên cũng không có chứng chỉ chuyên môn, chủ yếu là tự đúc kết kinh nghiệm. Hướng dẫn viên càng không có nghiệp vụ, nhiều người chỉ làm nhiệm vụ “canh me” khách. Trong khi những người này có trách nhiệm hướng dẫn khách tuân thủ các quy định bắt buộc để đảm bảo an toàn.

Ngay nơi ba du khách tử nạn, gần như năm nào cũng có người chết, từ trượt chân, té ngã và cả tự tử. Có người gọi là vực tử thần, không ai dám tổ chức cho khách thám hiểm kiểu đó.

Ở đây rõ ràng có trách nhiệm của cả công ty tổ chức lẫn quản lý nhà nước. Cái chết của ba du khách Anh là hồi chuông cảnh tỉnh và báo động cho Việt Nam về những lỗ hổng chết người của du lịch mạo hiểm.

Điều quan trọng hơn là vai trò quản lý nhà nước cực kỳ kém, hoàn toàn bị động, để cho doanh nghiệp (DN) mạnh ai nấy làm. Vì vậy thực tế có nhiều công ty kinh doanh loại hình du lịch mạo hiểm tự học, tự rút kinh nghiệm, không có quy chuẩn nào cả. “Chúng tôi cũng không biết cơ quan nào quản lý loại hình này” - ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt tours, nói.

Một trong những trò chơi mạo hiểm tại thác Datanla.

Huấn luyện viên và hướng dẫn viên đều có chứng chỉ hành nghề

Để loại hình này phát triển, thu hút nhiều khách quốc tế đến thì Nhà nước cần phải đặt ra các quy chuẩn, rà soát lại những đơn vị nào không đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu thì phải đóng cửa…

Một số DN tổ chức du lịch mạo hiểm đều đầu tư trang thiết bị chuyên dụng, khảo sát điểm đến, đảm bảo an toàn cho du khách, thậm chí có cả chuyên gia nước ngoài huấn luyện và tư vấn. Nhược điểm của nhiều công ty Việt Nam là rất coi thường an toàn, từ tính mạng đến thực phẩm, giao thông. Cứ làm đại kiểu “Điếc không sợ súng” vì “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”.

Du lịch mạo hiểm ở nước ngoài là loại hình chuyên biệt, an toàn gần như tuyệt đối, huấn luyện viên và hướng dẫn viên đều có chứng chỉ hành nghề. Du khách khi tham gia phải kiểm tra sức khỏe, được huấn luyện và thực hành trước. Từ việc đóng bảo hiểm, trực cứu hộ cho đến trang thiết bị phải đảm bảo.

Các tour mạo hiểm “khám phá hệ thống hang động Tú Làn”, “Khám phá hang Én” được Công ty Oxalis (Chua me đất) tổ chức rất chuyên nghiệp vì có sự tham gia của hàng chục chuyên gia hang động Hoàng gia Anh. Trong số hơn 3.000 khách công ty đã phục vụ trong năm 2015 thì trên 80% là người nước ngoài. Người Việt sợ độ cao, ngại thử thách, sợ mạo hiểm nên các DN ít tập trung đầu tư, chưa khai thác mạnh loại hình du lịch này. Ngay cả mô hình du lịch lặn biển các DN cũng thường mời chuyên gia nước ngoài về làm việc, sau đó mới chuyển giao cho người Việt.

Ông VÕ ĐỨC TRUNG, Giám đốc Công ty Cổ phần Mạo Hiểm Việt:

Nhầm lẫn giữa dã ngoại với mạo hiểm

Chúng tôi vừa có một cuộc họp với Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng và các đơn vị liên quan. Tại đây chúng tôi nêu ra một nguyên tắc du lịch mạo hiểm là loại hình du lịch tiềm năng của tỉnh Lâm Đồng nhưng phải mang tính chuyên nghiệp cao và tính an toàn phải được đưa lên hàng đầu. Mỗi loại hình, mỗi tuyến đều phải có những biện pháp đảm bảo an toàn kèm theo.

Đối với loại hình có tính rủi ro thì trang thiết bị chuyên dụng phải có, nhân sự phải được đào tạo và huấn luyện một cách thích hợp. Mỗi một địa hình và vị trí có một yêu cầu, có lộ trình riêng và các đơn vị khai thác phải chấp hành. Bởi có đơn vị họ lẫn lộn giữa mô hình dã ngoại bình thường với mô hình mạo hiểm.

Chúng tôi quan niệm trình độ chuyên nghiệp càng cao thì độ rủi ro càng ít. Do vậy toàn bộ nhân sự của chúng tôi phải tham gia những chương trình đào tạo và huấn luyện của nước ngoài.

Ví dụ, chúng tôi đã cử nhân viên đi học ở Singapore và mời chuyên viên ở nước ngoài sang Việt Nam dạy, cấp chứng chỉ. Những chứng chỉ đó có giá trị về mặt quốc tế. Tất cả hướng dẫn viên phải được huấn luyện và chỉ dẫn cho đến khi chín muồi, thông thường khoảng sáu tháng đến một năm thì chúng tôi mới cho đi với khách.

PGS-TS PHẠM TRUNG LƯƠNG, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch:

An toàn phải đặt lên hàng đầu

Từ sự việc đáng tiếc xảy ra ở thác Datanla (Đà Lạt) đặt ra một số vấn đề.

Bán tour cho du khách hoạt động trong phạm vi tour thì trách nhiệm thuộc về công ty bán tour. Nếu nằm ngoài phạm vi công ty đó cam kết, ngoài hoạt động đã cam kết bán cho du khách thì công ty không chịu trách nhiệm về mặt pháp lý...

Đó là nói về mặt pháp lý. Thực tế trong quá trình hỗ trợ du khách thực hiện hợp đồng, công ty cần có những dịch vụ, hoạt động để làm sao đảm bảo tốt nhất dịch vụ bán cho du khách, đặc biệt là vấn đề an toàn. Đây là vấn đề rất quan trọng. Đối với loại hình thể thao du lịch mạo hiểm thì điều này càng cần phải đặt lên hàng đầu.

Đặc biệt khi bán tour du lịch mạo hiểm phải đảm bảo điều kiện tốt nhất cho khách để hạn chế đến mức tối đa các rủi ro có thể xảy ra. Bởi vì tour du lịch mạo hiểm khác với tour thông thường và gắn với tính mạng du khách. Xác suất xảy ra đối với vấn đề an toàn cho du khách cao hơn tour khác.

VIẾT THỊNH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm