Dự thảo Hiến pháp sửa đổi mới nhất: Kỳ vọng và thực tế

Tuy nhiên, tới nay tất cả nội dung từng có ý kiến khác nhau chỉ còn một phương án - về cơ bản giữ nguyên như Hiến pháp hiện hành.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của QH, thành viên Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp (HP), nói:

Dự thảo Hiến pháp sửa đổi mới nhất: Kỳ vọng và thực tế ảnh 1
+ Nếu trở lại với quan điểm định hướng ban đầu, kể cả nghị quyết của Đảng và của QH thì yêu cầu sửa đổi HP rất cẩn trọng, chặt chẽ. Chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự cần thiết, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm và có sự thống nhất cao.

Nhưng khi đưa ra thảo luận thì giới học giả, chuyên gia và xã hội kỳ vọng quá. Tưởng như muốn có những thay đổi ghê gớm, như trở lại quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay đa sở hữu về đất đai, đẩy lên cao tuyệt đối hóa quyền con người… Kỳ vọng ấy thì cũng chính đáng thôi bởi dường như ai cũng thấy trong tổ chức bộ máy, thể chế của chúng ta có gì đó không ổn. Song càng thảo luận, tôi thấy cần bình tĩnh lại. Chúng ta chưa thực sự sẵn sàng cả trong tư duy cả về thực tiễn để làm gì đó lớn lao. Có lẽ, giai đoạn này chỉ làm được vậy thôi.

Lý thuyết thì rất hấp dẫn…

Vậy riêng ông, khi mới tham gia thảo luận HP, có kỳ vọng gì mà nay thấy là không thể?

+ Ông Trần Đình Nhã: Tôi quan tâm nhiều tới cải cách tư pháp từ nhiều năm trước, trong đó rất ủng hộ quan điểm chuyển đổi VKS sang công tố. Vấn đề này sau đó đã được ghi nhận trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Nhưng đi vào nghiên cứu, triển khai và nhất là tới đợt thảo luận HP này càng thấy rõ là khó. Lý thuyết thì rất hấp dẫn nhưng thực tiễn cũng như nhận thức chưa theo kịp. Vậy thì mình cũng phải kiên nhẫn, để mươi năm nữa những vấn đề đã đúng về lý thuyết như thế có thể đủ điều kiện để vận hành trong cuộc sống.

. Có những vấn đề tranh cãi lâu nay như QH có phải là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Chính phủ (CP) chấp hành QH... thì cuối cùng vẫn không có gì thay đổi cả. Tại sao vậy?

+ Đây là chuyện lớn rồi chứ không chỉ là câu chữ “cao nhất” hay “chấp hành”. Chúng ta không thừa nhận tam quyền phân lập, không cho phép lập pháp - hành pháp - tư pháp kiềm chế, đối trọng nhau. Chúng ta khẳng định tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân nhưng lại chưa sẵn sàng để quyền lập hiến thuộc về nhân dân, chưa trao cho dân quyền phúc quyết HP. Như các nước phát triển, quyền lập hiến thuộc về dân hoặc thuộc về QH lập hiến do dân bầu ra thì lúc đó quyền lực các nhánh mới ngang bằng nhau được.

Dự thảo Hiến pháp sửa đổi mới nhất: Kỳ vọng và thực tế ảnh 2

Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Trương Minh Hoàng phát biểu ý kiến luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ngày 4-6-2013. Ảnh: TTXVN

Còn như hiện tại, QH không chỉ nắm quyền lập pháp mà cả lập hiến. QH tự trao quyền cho mình; quy định và giám sát việc thực hiện quyền hạn của CP, của tòa án. Như thế thì QH là cao nhất, CP phải chấp hành là đúng thôi.

. Nếu nói về quan điểm chỉ đạo thì lần sửa HP này đã được yêu cầu là phải xử lý được vấn đề kiểm soát quyền lực, rồi cần có cả cơ chế bảo hiến... Nhưng ngay cả yêu cầu đó xem ra cũng chưa thực hiện được?

+ Thực ra thì vẫn có kiểm soát quyền lực với hành pháp, tư pháp nhưng kiểm soát quyền lực với lập pháp thì khó thật. Vẫn chưa có cơ chế nào để hành pháp, tư pháp kiểm soát lại lập pháp.

Quá trình thảo luận vừa rồi, nếu lập được Hội đồng HP thì cũng là một cơ chế để kiểm soát lại QH. Qua đó có thể đánh giá lại tính hợp hiến của luật, nghị quyết do QH ban hành - một cơ chế hậu kiểm mà lâu nay vẫn bỏ trống.

Nhưng bàn đi bàn lại thì vẫn thấy khó. Vì đã khẳng định QH là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất rồi nên Hội đồng HP nếu có vẫn chỉ có thể là một cơ quan tham mưu cho QH thôi. Tức là nếu phát hiện luật, nghị quyết của QH vi hiến thì chỉ có thể kiến nghị QH xem xét lại. Mà như thế cũng khó mà hiệu quả được. Theo cách ấy, cuối kỳ họp trước, khi lấy phiếu thăm dò thì chỉ có 94 đại biểu QH đồng tình lập Hội đồng HP, trong khi có tới 214 đại biểu QH nói không cần lập.

Dự thảo Hiến pháp sửa đổi mới nhất: Kỳ vọng và thực tế ảnh 3

Theo kế hoạch, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ được QH biểu quyết thông qua vào sáng 28-11-2013 và có hiệu lực kể từ ngày Chủ tịch nước công bố. Ảnh: HTD

Chưa chín muồi cho một cuộc cải cách

. Phải chăng việc sửa đổi HP lần này đặt ra khi các điều kiện chưa chín muồi?

+ Có lẽ vậy. Ngay như vấn đề quan hệ giữa trung ương - địa phương, sao cho gọn nhẹ bộ máy, hành chính thống nhất, tăng tự chủ cơ sở, vừa qua ta đã thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường rồi nhưng đi vào HP có thống nhất được đâu. Thành ra dự thảo cuối cùng này xử lý theo cách chỉ hiến định các vấn đề mang tính nguyên tắc, còn tổ chức bộ máy cụ thể, trách nhiệm quyền hạn ở từng cấp ra sao, sẽ tiếp tục tranh luận khi làm luật.

Tương tự, trong quá trình sửa Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) và tiếp đó là HP, khá nhiều ý kiến mong muốn lập Ủy ban quốc gia về PCTN đặt tại QH. Hay đấy, nhưng sao có thể làm được ngay. Cho nên phải bỏ lửng trong HP là QH được quy định tổ chức và hoạt động của “các cơ quan khác”, để sau này nếu cần thiết là làm được ngay, không phải đợi sửa HP.

. HP được đưa ra sửa đổi đúng lúc kinh tế khó khăn, bộc lộ nhiều yếu kém về thể chế. Không ít người cho rằng đây là cơ hội, cải cách HP để khởi động đổi mới lần hai. Ông nghĩ thế nào?

+ Vẫn là kỳ vọng thôi.

Thông thường mà nói, cải cách HP chỉ xảy ra khi có tiền đề cách mạng. Chẳng hạn, công cuộc đổi mới sau Đại hội VI, chúng ta đã chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế từ tập trung, quan liêu, bao cấp, sang nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN. Về mặt kinh tế, đó là một cuộc cách mạng và đó là tiền đề để có cải cách thể chế thông qua ban hành HP 1992. Từ đó tới nay, đâu có gì mới, đủ lớn nữa đâu...

. Dù sao, cả xã hội đã kỳ vọng vậy rồi. Giờ làm thế nào để giải thích được với cử tri?

+ Khách quan thì cũng phải khẳng định là HP lần này dù chưa có sửa đổi cơ bản nhưng đã là một bước tiến, ít nhất về kỹ thuật lập hiến. Đọc cả bản HP thấy đúng tính chất là văn bản pháp lý, ngôn ngữ hiện đại, đúng tính chất một đạo luật gốc. Ngoài ra, đã có những bổ sung khá quan trọng như quyền con người chẳng hạn, không chỉ được nâng lên thành chương II, mà còn bổ sung một nguyên tắc rất quan trọng: “Chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết...”. Như thế, văn bản dưới luật nếu có điều chỉnh về quyền cơ bản của công dân thì không được lồng ghép những điều khoản mang tính chất hạn chế quyền.

Kỳ vọng, mong muốn thì nhiều nhưng tôi nghĩ cũng như một gia đình vậy. Con cái muốn nhiều thứ lắm nhưng khả năng bố mẹ lo được mức nào thôi.

. Xin cảm ơn ông.

Hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý

Nếu tính cả quá trình chuẩn bị thì chủ trương sửa đổi, bổ sung HP 1992 được chính thức khẳng định tại Đại hội XI của Đảng, tháng 1-2011. Tiếp đó, về mặt nhà nước, kỳ họp QH tháng 8-2011 chính thức ra nghị quyết về những định hướng lớn cho sửa đổi HP và thành lập Ủy ban Dự thảo. Từ đó đến tháng 10-2012, các nhánh quyền lực, các tổ chức, đoàn thể trên cả nước đã tiến hành tổng kết việc thi hành HP 1992, đồng thời Ủy ban Dự thảo chuẩn bị dự thảo HP sửa đổi.

Kỳ họp tháng 10-2012, QH đã thảo luận bản dự thảo HP sửa đổi đầu tiên, trên cơ sở đó, tháng 1-2013, Ủy ban Dự thảo công bố bản dự thảo lấy ý kiến nhân dân. Đợt tổ chức góp ý cho HP sửa đổi trong hơn bốn tháng sau đó đã trở thành cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, thu hút hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý.

Trên cơ sở ý dân, Ủy ban Dự thảo đã hình thành một số bản dự thảo, trong đó đáng chú ý là bản dự thảo ngày 11-4-2013 với rất nhiều nội dung được thể hiện theo nhiều phương án khác nhau. Đây đều là những vấn đề hệ trọng, như tên nước, cách ghi nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, quyền con người “theo luật” hay theo “pháp luật”, quan hệ QH - CP, Hội đồng HP và quyền giải thích HP… và thậm chí cả cách thức để nhân dân phúc quyết HP.

Tuy nhiên, đến bản dự thảo trình QH tháng 5-2013, hầu hết các nội dung trên trở lại một phương án, không khác nhiều so với HP hiện hành. Đến dự thảo mới nhất trình QH kỳ họp này thì không còn điều khoản nào thể hiện bằng nhiều phương án nữa.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm