Dự thảo Nghị định Sở Giao dịch hàng hoá: Không nên quy định vượt quá Luật Thương mại

(PLO)-  Nhiều chuyên gia cho rằng việc sửa đổi khung pháp lý về hoạt động mua bán qua Sở Giao dịch hàng hoá là cần thiết nhưng dự thảo Nghị định còn nhiều quy định bất cập.

Năm 2006, sau khi Luật Thương mại 2005 được thông qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 158/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa (Sở GDHH) và sửa đổi năm 2018 bằng Nghị định số 51.

Sau thời gian dài áp dụng, Bộ Công Thương đang chủ trì việc soạn thảo, trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới thay thế hai nghị định nói trên.

Mới đây trong hai ngày 25 và 27-9, Bộ Công Thương đã tổ chức hai Hội thảo xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 158/2006 và Nghị định 51/2018 tại TP.HCM và Hà Nội.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành chức năng; Sở Công Thương một số địa phương; đại diện Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), đại điện Thành viên thị trường; nhiều chuyên gia.

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, phát biểu mở đầu hội thảo ngày 27-9 tại Hà Nội. Ảnh: BCT

Quy định vượt Luật Thương mại 2005

Dự thảo này có quy mô khá đồ sộ với 16 chương và 140 điều, trong đó vừa kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị định 158/2006 và Nghị định 51/2018, vừa có các quy định mới.

Góp ý cho dự thảo, bà Vũ Thu Thuỷ, Phó Tổng Giám đốc MXV, cho biết từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn hoạt động ở Việt Nam cho thấy giao dịch hàng hóa qua Sở GDHH có nhiều ưu điểm và đang phát triển mạnh ở nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, dường như hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH chưa được khuyến khích, thúc đẩy phát triển.

Lý giải cho nhận định trên, bà Thủy cho biết lĩnh vực này không có một chiến lược, quy hoạch phát triển nào, khung pháp lý cao nhất cho hoạt động này là Luật Thương mại đã được ban hành từ cách đây gần 20 năm. Thậm chí việc ghi nhận sự hiện diện của hoạt động Sở GDHH thông qua chỉ tiêu thống kê của ngành Công Thương tại Thông tư 33/2022/TT-BCT cũng không có 1 chỉ tiêu nào về hoạt động Sở GDHH, trong tổng số 95 chỉ tiêu.

Do đó, theo bà Thủy, việc sửa đổi, bổ sung, ban hành một nghị định mới cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết.

Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc MXV cũng nêu băn khoăn khi có quá nhiều nội dung được quy định trong dự thảo mà không được Quốc hội giao tại Luật Thương mại 2005.

“Nếu vậy đó là vi phạm về phạm vi, thẩm quyền trong xây dựng và ban hành văn bản pháp luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật” - bà Thuỷ nói.

Bà Vũ Thu Thuỷ, Phó Tổng Giám đốc Sở GDHH Việt Nam (MXV) phát biểu góp ý. Ảnh: AN HIỀN

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng dự thảo nghị định điều chỉnh những vấn đề vượt quá các nội dung Luật Thương mại 2005 giao cho Chính phủ; lồng ghép quá nhiều quy định của pháp luật cạnh tranh.

Cụ thể, Luật Thương mại chỉ giao Chính phủ quy định chi tiết 7 nội dung, là hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH; điều kiện thành lập Sở GDHH; quyền hạn, trách nhiệm của Sở GDHH; việc phê chuẩn điều lệ hoạt động của Sở GDHH; điều kiện hoạt động của thương nhân môi giới mua bán hàng hóa qua Sở GDHH; các biện pháp quản lý cần thiết khác trong trường hợp khẩn cấp; quyền hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH của thương nhân Việt Nam.

Thế nhưng trong dự thảo lại quy định rất nhiều nội dung vượt quá phạm vi nêu trên như thủ tục thành lập Sở GDHH; ủy ban kiểm soát GDHH; công ty kinh doanh hàng hóa tương lai; quản lý đào tạo nghiệp vụ kinh doanh và nghiệp vụ môi giới hàng hóa; xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp… Đồng thời, dự thảo đặt ra nhiều điều, khoản điều chỉnh khía cạnh cạnh tranh, chống độc quyền; sử dụng những từ ngữ, khái niệm phổ biến của Luật Cạnh tranh 2018 như: “lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường”, “lạm dụng vị trí độc quyền”, “cạnh tranh không lành mạnh”, “thị trường liên quan” …

Cạnh đó, chuyên gia Ngô Trí Long cũng nhắc tới Thông tư 40/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa của ngân hàng thương mại.

Ông Long cho rằng khi dự thảo nghị định mới (đang xây dựng) được ban hành thì phải chấm dứt hiệu lực của Thông tư 40. Bởi, việc quy định các nội dung trong hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hoá không thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước. Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng không giao Ngân hàng Nhà nước quy định chi tiết về hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa.

Đối với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại Điều 85, 86, 87 của dự thảo, các quy định được đưa ra không thống nhất với pháp luật đầu tư, pháp luật doanh nghiệp, thậm chí gây ra sự chồng chéo, mâu thuẫn.

“Việc góp vốn, mua cổ phần, phần góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài ở trong lĩnh vực mua bán hàng hóa qua Sở GDHH hiện được điều chỉnh bởi Luật Đầu tư, với điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn góp, cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Sở GDHH là 49% (theo Nghị định 51/2018). Nhưng dự thảo điều chỉnh giảm tỷ lệ này xuống mức 30%, đồng thời yêu cầu các thủ tục về đầu tư nước ngoài vào Sở GDHH và thành viên của Sở GDHH phải thực hiện theo quy định của Luật Cạnh Tranh.

Đây là một sự chồng chéo, vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh không điều chỉnh các vấn đề về đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực mua bán hàng hóa qua Sở GDHH” - ông Long tiếp tục dẫn chứng.

Từ đó ông kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, nghiên cứu để bỏ các quy định không thuộc phạm vi quy định chi tiết Luật Thương mại. Đồng thời điều chỉnh các quy định để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật về mua bán hàng hóa qua Sở GDHH nói riêng.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phát biểu tại Hội thảo ngày 27-9. Ảnh:

Nhiều quy định hạn chế quyền tự do kinh doanh

Liên quan đến quyền tham gia giao dịch qua Sở GDHH của các tổ chức, cá nhân, đại diện Thành viên kinh doanh 012 - Công ty Cổ phần giao dịch hàng hoá TP.HCM, cho rằng nhiều quy định tại dự thảo sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động giao dịch qua Sở GDHH.

Chẳng hạn như quy định ”đối tượng được giao dịch liên thông là Khách hàng là doanh nghiệp Việt Nam không thuộc trường hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật” tại điểm b khoản 1 Điều 33 dự thảo là hạn chế quyền tham gia giao dịch của doanh nghiệp nhỏ và vừa; hay khoản 2 Điều 64 của Dự thảo loại trừ quyền tham gia giao dịch của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; chỉ cho thương nhân trong một số ngành hàng xăng, dầu, khí... được giao dịch. Quy định này sẽ làm giảm đi vai trò là công cụ bảo hiểm biến động giá cả hàng hóa đối với các chủ thể bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp trong nền kinh tế (bao gồm cả tổ chức và thương nhân là cá nhân).

Dự thảo không có các cơ chế, quy định tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia giao dịch của các cá nhân, tổ chức mà thậm chí lại hạn chế quyền của doanh nghiệp nhỏ và vừa, của các hộ nông dân và làm các chủ thể này mất đi quyền được bảo hiểm nguyên liệu đầu vào tại thị trường một cách minh bạch thông qua Sở GDHH.

Việc này đi ngược lại với mục tiêu ”bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các bên tham gia, thúc đẩy thị trường giao dịch hàng hoá tương lai” được Bộ Công Thương đề cập nhiều trong dự thảo Tờ trình Chính phủ. Đồng thời, gián tiếp không khuyến khích các chủ thể thay đổi thay đổi phương thức giao dịch từ tiểu ngạch sang thương mại chính quy và sử dụng các công cụ bảo hiểm để phòng vệ rủi ro biến động giá cả hàng hóa.

Do đó, đại diện Công ty Cổ phần giao dịch hàng hóa TP.HCM đề nghị bỏ các quy định hạn chế quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong Dự thảo nhằm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Ngoài ra, cần cho phép cá nhân, tổ chức (bao gồm các loại hình doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc các tổ chức khác) được tham gia giao dịch mua bán hàng hóa qua Sở GDHH.

Cách tiếp cận thế nào?

Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, cho biết khi đọc dự thảo, ông cũng rất băn khoăn về khía cạnh pháp lý khi có nhiều nội dung vượt ngoài phạm vi Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết.

“Chúng tôi ủng hộ và chia sẻ ý tưởng của Bộ Công Thương. Chúng ta muốn xây dựng một thị trường mới, hiện đại, hội nhập, đáp ứng thị trường trong nước trong bối cảnh Việt Nam là nước nông nghiệp và có nhiều sản phẩm nông sản. Ví dụ, Malaysia có giao dịch về dầu cọ. Dù chỉ có một sản phẩm nhưng chỉ số giá dầu cọ của thị trường Malaysia là chỉ số giá để quốc tế tham khảo.

Tôi cũng hi vọng trong tương lai giá cà phê, hạt điều của Việt Nam cũng trở thành một cơ sở giá quốc tế để thị trường các nước tham khảo. Nhưng cách tiếp cận hiện nay rất khó vì bị hạn chế bởi Luật Thương mại, mà luật đó ra đời từ cách đây 20 năm và chưa được sửa lần nào” - ông Sỹ nói.

Vậy cách tiếp cận thế nào là hợp lý? Ông Sỹ cho rằng cách hợp lý nhất là tuân thủ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ban hành một nghị định mới thay thế hai nghị định này trên cơ sở các điều, khoản được Luật Thương mại giao quy định chi tiết. Đồng thời nên đề nghị luôn với Chính phủ để đề nghị Quốc hội cho làm ngay luật riêng về Sở GDHH.

“Tôi cho rằng đến lúc này chúng ta chưa làm được luật Sở GDHH là quá muộn, vì khuôn khổ trong Luật Thương mại hiện giờ không đủ để thị trường phát triển” - ông Sỹ nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới