Mới đây nhất, Pháp Luật TP.HCM(ngày 22-7) cũng đã phản ánh có hơn 1.500 người Nghệ An lao động “chui” ở Angola.
Thực tế, nhiều người ra nước ngoài tìm kiếm việc làm bằng con đường hợp pháp đã thành công, tích lũy được tiền của... Họ còn luôn được các chủ sử dụng lao động đối xử tử tế, công bằng và cam kết thực hiện đầy đủ mọi chế độ cũng như chế độ về bảo hiểm sức khỏe, tai nạn lao động...
Tuy nhiên, không ít người vì lý do nào đó chỉ thông qua “cò” rồi xuất khẩu lao động “chui” đã gặp muôn ngàn rủi ro. Rất nhiều người đã bị tranh chấp về tiền lương, về thời gian làm việc hoặc bị chính người chủ sử dụng lao động o ép, bóc lột sức lao động, quỵt tiền công, tiền lương sau nhiều tháng làm việc. Thậm chí có người lao động bị lạm dụng, xâm hại tình dục không biết kêu cứu ai hoặc xảy ra tai nạn lao động chết người không được bồi thường vì không có chế độ bảo hiểm sức khỏe, tai nạn… Đó là chưa kể nếu bị cơ quan chức trách nước sở tại phát hiện hành vi lao động “chui” bất hợp pháp sẽ bị xử phạt nghiêm và trục xuất về nước. Báo chí cũng từng đưa tin đã có hàng chục trường hợp lao động là người Việt sang Trung Quốc lao động “chui” trên các công trường, công việc nặng nhọc, vất vả cả năm trời rồi đành phải “bỏ của chạy lấy người”. Còn từ tháng 3-2013 đến nay đã có 12 người lao động quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh chết ở Angola, chủ yếu là bị sốt rét ác tính.
Thiết nghĩ những người muốn được ra nước ngoài hợp tác lao động, làm việc cần phải nâng cao ý thức bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình. Họ cần thiết nên thông qua con đường xuất khẩu lao động hợp pháp, đừng để “tiền mất tật mang” hoặc vì bất kỳ lý do gì mà bỏ qua các thủ tục pháp lý cần thiết khi ra nước ngoài. Bởi lẽ nếu đi lao động “chui” thì khi xảy ra tranh chấp hoặc quyền lợi, tính mạng của mình bị xâm phạm thì rất khó được bảo vệ.
Nguyễn Đước (136/1 Trần Phú, quận 5, TP.HCM)