5 nỗ lực lớn của TP.HCM trong phòng, chống COVID-19

5 nỗ lực lớn của TP.HCM trong phòng, chống COVID-19

(PLO)- TP.HCM đã ra nhiều quyết định đi đầu trong việc phòng, chống cũng như kiềm chế dịch COVID-19 như đóng cửa nhà hàng, quán bar; ban hành bộ chỉ số rủi ro lây nhiễm tại doanh nghiệp hay chuẩn bị lộ trình chung sống với bệnh truyền nhiễm.

19 ngày TP.HCM không có ca nhiễm mới kể từ thời điểm bắt đầu triển khai cách ly xã hội, đến thời điểm này chỉ còn hai ca đang phải điều trị COVID-19. Tín hiệu vui đó cho thấy TP đang kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh và có hiệu quả rõ rệt từ việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Đó cũng là những nỗ lực không mệt mỏi suốt ba tháng liền của cả hệ thống chính trị và người dân TP trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Để có kết quả đó, ngoài sự đồng lòng của người dân thì những quyết sách mang tính tiên phong của chính quyền mang tính quyết định cho thành công bước đầu này.

Ngày 27-3, Thủ tướng có Chỉ thị 15 về việc thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 và tiếp đến là Chỉ thị 16 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách... cả nước thực sự bước vào cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, trước khi có Chỉ thị 15, TP.HCM đã có những biện pháp quyết liệt cho cuộc chiến này.

18 giờ ngày 15-3, một quán game online trên đường số 18 (phường Phước Bình, quận 9) vắng ngắt, bên ngoài dán một thông báo “Quán tạm ngừng hoạt động đến hết ngày 31-3”. Không chỉ vậy, tất cả quán bar, rạp chiếu phim, điểm massage, karaoke, vũ trường... trên địa bàn TP.HCM đều ngừng hoạt động từ 18 giờ ngày 15-3 theo văn bản chỉ đạo của UBND TP để chống dịch COVID-19.

Đúng 10 ngày sau (25-3), UBND TP tiếp tục ra văn bản quyết định tạm ngừng hoạt động toàn bộ các khu vui chơi giải trí, nhà hàng, quán beer club, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (công suất phục vụ 30 người trở lên).

Việc tạm dừng này còn áp dụng đối với câu lạc bộ bida, phòng tập thể hình (gym), cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc… đến hết tháng 3. Cũng từ đây các quán ăn, tiệm cà phê… trên các tuyến phố, ngõ hẻm bắt đầu xuất hiện dòng chữ “Chỉ bán mang về”.

Trong một cuộc họp, nói về việc tạm ngừng trên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu: Người dân buộc phải có “hai tuần sống khác” vì “nếu bỏ lỡ thời cơ vàng này là không thể làm lại và có lỗi với lịch sử”. Cũng tại đây, ông đề nghị các cơ quan liên quan cần có những giải pháp đặc biệt mang tính quyết định để góp phần giữ cho đất nước không rơi vào tình trạng bùng phát dịch.

5 nỗ lực lớn của TP.HCM trong phòng, chống COVID-19 ảnh 7
5 nỗ lực lớn của TP.HCM trong phòng, chống COVID-19 ảnh 8

Bí thư Thành ủy nói rằng: “Tinh thần là chúng ta còn hai tuần nữa, ráng chịu cực hơn để sau sướng hơn. Nếu hai tuần tới mà vẫn sống như bình thường thì sau đó đất nước này sẽ khó khăn vô vàn”. Tóc ai chưa dài lắm thì khỏi đi cắt, giày chưa hư cũng đừng đi mua, làm móng tay hay mua quần áo... nếu chưa thật cần thiết thì hoãn lại và ở nhà để giữ cho mình an toàn.

Cũng sau một tuần thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, TP.HCM có sáu ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới. Người dân bắt đầu có tâm lý chủ quan, lơ là. Chính vì điều này, ngày 9-4, UBND TP đã có văn bản khẩn về tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 16. Trong đó, yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, quận, huyện, chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND TP nếu thực hiện không nghiêm chỉ thị.

Cùng với đó, chính quyền TP tiếp tục yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, hạn chế tối đa ra đường nếu không cần thiết...

Có thể thấy TP.HCM đã tạm dừng các hoạt động tập trung đông người trước các địa phương trong cả nước 10 ngày, điều này góp phần vào việc kiểm soát được dịch.

Trong những ngày chống dịch, hầu như tối nào Ban chỉ đạo cũng họp, có tối họp đến ba cuộc để ra các quyết sách.

Đặc biệt, trong cuộc họp vào tối 30-3, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tính đến chuyện tạm dừng hoạt động sản xuất tại nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn bằng bộ tiêu chí đánh giá để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch.

Sau đó, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cùng đoàn công tác kiểm tra công tác ứng phó phòng, chống dịch tại Khu chế xuất Tân Thuận (56.000 lao động Việt Nam và 585 lao động nước ngoài) và một số cơ sở khác. Sau khi kiểm tra nơi làm việc, phòng ăn... của công nhân, ông chỉ ra những điểm chưa yên tâm về việc phòng, chống dịch và yêu cầu khắc phục.

“Bảo vệ sức khỏe của công nhân là bảo vệ sản xuất. Nếu để một công nhân nhiễm bệnh là cả khu vực sản xuất lập tức bị ảnh hưởng, ảnh hưởng lớn đến dây chuyền sản xuất” - ông Phong nói.

5 nỗ lực lớn của TP.HCM trong phòng, chống COVID-19 ảnh 13

Sau cuộc thị sát, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TP.HCM đã ban hành bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại doanh nghiệp (DN) trên địa bàn gồm 10 chỉ số thành phần. Trong đó nêu rõ: Nếu DN có chỉ số rủi ro lây nhiễm 80%-100% thì ngừng sản xuất, còn dưới 80% các DN được hoạt động nhưng phải có giải pháp giảm rủi ro...

Dựa vào bộ chỉ số này mà UBND TP có căn cứ yêu cầu Công ty TNHH PouYuen Việt Nam ở quận Bình Tân tạm đình chỉ hoạt động sản xuất trong hai ngày 14 và 15-4 để khắc phục.

Cũng từ bộ chỉ số rủi ro lây nhiễm tại DN mang tính tiên phong này, các quận, huyện có căn cứ để rà soát, chấm điểm các DN nhằm đảm bảo an toàn cho công nhân...

Có thể khẳng định TP.HCM là địa phương tiên phong trong việc lập ra bộ chỉ số rủi ro lây nhiễm tại DN, bởi lãnh đạo TP biết rõ nếu phát sinh một ca nhiễm ở một số khu vực đông công nhân hay trong khu công nghiệp thì hậu quả không lường trước được.

Đêm 3-4, sau khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã họp với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và ông chỉ đạo triển khai ngay 62 chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn.

Theo đó, sẽ có 16 chốt trạm chính và 46 chốt trạm phụ được bố trí tại các cửa ngõ, bến tàu, bến xe, nhà ga nơi tiếp nhận các phương tiện giao thông ra vào TP. Mục đích của việc lập các chốt, trạm này này là để kiểm soát thật chặt chẽ việc chấp hành các quy định đúng theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng cũng như của ngành y tế về phòng, chống dịch.

Ngày 5-4, tất cả chốt trạm kiểm soát dịch bệnh đã đồng loạt hoạt động và kiểm tra y tế hàng trăm ngàn lượt người di chuyển giữa các tỉnh, thành khác về TP.HCM.

Việc lập các chốt kiểm soát này như lãnh đạo TP và Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Từ Lương đã khẳng định: Không có chuyện “ngăn sông cấm chợ”, TP chỉ thông qua các chốt trạm này để kiểm soát, đo thân nhiệt người dân đi lại, di chuyển giữa các tỉnh, thành khác về TP.HCM.

Còn trước đó, trong cuộc họp đầu tháng 2-2020, ông Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị các cơ quan liên quan phải dự báo nhu cầu khẩu trang cho người dân, có giải pháp để đáp ứng nhu cầu này. Song song đó, ông giao chủ tịch UBND TP ra chỉ thị về việc chế tài người ra đường không đeo khẩu trang.

Sau chỉ đạo này, bằng nhiều biện pháp, TP.HCM đã giải quyết được bài toán về khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn cho người dân trên địa bàn. Đến ngày 26-3, chủ tịch UBND TP có chỉ thị về việc đeo khẩu trang và đã xử phạt hàng ngàn trường hợp vi phạm quy định này. Đồng thời, Sở Tư pháp TP.HCM cũng có hướng dẫn quy định xử phạt các trường hợp không tuân thủ quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Tính đến ngày 15-4, sau hơn nửa tháng thực hiện chỉ thị, TP.HCM đã xử phạt hơn 5.000 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Ngày 1-4, Sở Y tế TP.HCM đã có hướng dẫn các đơn vị khám và cấp phát thuốc tại nhà cho người cao tuổi trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp. Đây là một trong những giải pháp của TP để hạn chế số lượng người bệnh tập trung tại các bệnh viện, đặc biệt là người cao tuổi…

TP.HCM cũng là địa phương đầu tiên có chính sách hỗ trợ cho hơn 600.000 người lao động mất việc làm do ảnh hưởng của dịch. Cán bộ, công chức đã giảm một nửa phần thu nhập tăng thêm năm 2020 để hỗ trợ người lao động mất việc làm, không có thu nhập.

Theo đó, tại kỳ họp bất thường ngày 27-3, HĐND TP đã thông qua việc chi 2.753 tỉ đồng phục vụ công tác chống dịch COVID-19, trong đó dùng 1.800 tỉ đồng để hỗ trợ người lao động mất việc với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. TP cũng đã quyết định hỗ trợ 750.000 đồng/người cho gần 12.000 người bán vé số để họ vượt qua khó khăn trong lúc xổ số kiến thiết tạm nghỉ 15 ngày.

Còn rất nhiều nỗ lực mang tính tiên phong của TP.HCM để kiểm soát tình hình dịch bệnh như cuối tháng 2, trong khi các tỉnh, thành rục rịch có kế hoạch cho học sinh trở lại trường thì TP.HCM có văn bản kiến nghị Chính phủ cho học sinh cả nước nghỉ hết tháng 3.

Ngoài ra, TP.HCM cũng chuẩn bị 24.000 giường cách ly, 1.000 giường điều trị COVID-19, gần 40.000 nhân viên y tế sẵn sàng nhiệm vụ; chuẩn bị để tăng cường hệ thống xét nghiệm lên 5.000 mẫu/ngày...

Tất cả nỗ lực trên đã giúp TP bước đầu kiểm soát được dịch bệnh, góp phần vào thành công chung của cả nước...

Suốt ba tháng qua toàn TP đã dốc sức cho công tác chống dịch nên giờ là lúc tập trung đẩy sức bật cho nền kinh tế - xã hội TP phát triển. Điều cần suy nghĩ lúc này là phải làm thế nào để đưa các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân trở lại trạng thái bình thường nhưng không lơ là trong việc phòng dịch?

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, TP cần có lộ trình để mở rộng quy mô các hoạt động đời sống, xã hội, dịch vụ; ít nhất trong vòng ba tháng (từ tháng 5 đến tháng 7-2020) quy mô được tăng dần lên và trở lại như cũ.

Còn về sản xuất, kinh doanh, từ đây đến tháng 5 TP cần tập trung ưu tiên triển khai các chính sách Chính phủ hỗ trợ cho DN (đã có hiệu lực từ tháng 4-2020). Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chí sản xuất, kinh doanh an toàn để không phát dịch bệnh.

5 nỗ lực lớn của TP.HCM trong phòng, chống COVID-19 ảnh 28

Đối với các chợ, siêu thị, nhà hàng, khách sạn… cũng cần có quy định để vừa chống dịch vừa phải duy trì đời sống bình thường. Cần có quy định về đeo khẩu trang với tài xế vận tải, taxi, cho người dân ở các hoạt động tập trung, quy định về khoảng cách an toàn… Hay như trường học cũng phải chuẩn bị thật tốt và có tiêu chí an toàn để dự kiến giữa tháng 5 có thể cho học sinh đi học trở lại.

TP.HCM đã tính toán, lên kế hoạch hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá rủi ro lây nhiễm dịch COVID-19 cho từng lĩnh vực, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 4-2020. TP.HCM sẽ bước vào giai đoạn mới “chung sống với bệnh truyền nhiễm nhưng không có dịch” để yên tâm hơn khi tiếp tục đi làm, tiếp tục sản xuất mà vẫn đảm bảo an toàn.

Đọc thêm