Góa phụ nghèo nhất bản kể chuyện xin ra hộ nghèo

Góa phụ nghèo nhất bản kể chuyện xin ra hộ nghèo

(PLO)- “Hơn một năm rồi”, bà Chưng nhớ lại bữa cơm có thịt gần nhất, đó là ngày con bò nhà bà chết sau thời gian đau bụng.

Tại xã nghèo nhất huyện miền núi Quảng Trị, nhiều phụ nữ đơn thân tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo.

“Mẹ tự nguyện xin ra khỏi hội nghèo” - bà Hồ Thị Chưng nói dứt lời sau khi dang tay xin phát biểu ở cuộc họp xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Mọi người đưa ánh mắt về người góa phụ tuổi 48. “Mẹ đã suy nghĩ lâu rồi” - bà Chưng nói tiếp để giải thích cho việc xin ra hộ nghèo không phải bột phát.

Trên quãng đường về, bà nghĩ về người chồng quá cố, rồi nghĩ đến số tiền đang vay ngân hàng chưa trả hết, vườn cây bời lời bị rớt giá thảm nhất trong nhiều năm... nhưng bà thấy mình có ý chí hơn. “Chẳng lẽ cứ nghèo mãi” - bà nghĩ trong đầu rồi bắt tay vào việc xóa nghèo.

“Không biết thì mẹ hỏi, mẹ hỏi mọi người là nên trồng cây gì để có tiền, để thoát nghèo”, được người dân hướng dẫn trồng cây tràm. Bà Chưng về vay tiền ngân hàng trồng cây tràm.

Cùng một giống loài nhưng được trồng lên trên vùng đồi núi khô cằn, con đường đến ngày thu hoạch dài và gian nan hơn. Rừng cây, theo lời của bà Chưng, đơn giản là “không bán được thì đem về thổi” nhưng trong ý nghĩ của con trai bà, chàng trai ở tuổi 18 thì đó là cả một tương lai. 

Góa phụ nghèo nhất bản kể chuyện xin ra hộ nghèo ảnh 2

Từ Đông Hà, thành phố trung tâm của tỉnh Quảng Trị, theo quốc lộ 9, các bạn mất gần 70 km để đến với thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa. Tại đây, theo đường Hồ Chí Minh nhánh tây khoảng 70 km với nhiều khúc cua khuỷu tay, những con dốc dựng đứng, các bạn sẽ đến với Hướng Lập - xã nghèo nhất huyện Hướng Hóa, nơi tỉ lệ hộ nghèo chiếm hơn 47% dân số.

Ở địa phương có cột mốc biên giới với nước bạn Lào, phía bắc giáp Quảng Bình, Hướng Lập có 90% dân số là bà con dân tộc thiểu số, cuộc sống khó khăn, khó tiệm cận với thế giới bên ngoài vì nhiều rào cản của núi rừng trùng điệp và tập tục văn hóa. Nhưng ở họ, cái lạc quan luôn tồn tại.

Để đến với nương rẫy, người dân xã Hướng Lập phải đi cả tiếng đồng hồ. Mỗi bữa sáng họ cơm đùm, cơm nắm mang vào rừng, đến chiều tối mới về lại nhà. Một ngày đi làm về, chồng bà Chưng kêu mệt trong người và nói với vợ. “Nghĩ là làm quá sức nên mệt thôi, nhưng hôm đó thấy bố mệt thật, không ăn được cơm” - bà Chưng kể lại.

Người em đưa anh trai đi bác sĩ, bà Chưng ở nhà đi mượn tiền hàng xóm, vay  ngân hàng tổng cộng là 30 triệu đồng. Nhưng khi đến được bệnh viện thì đã phát hiện giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư quái ác. Chưa đầy một tuần, người chồng bỏ lại người vợ ở tuổi 40 và năm người con, đứa nhỏ nhất mới lên 10 tuổi.

Đó là ngày cách đây bảy năm trước, bà Chưng không nhớ rõ ngày tháng, chỉ nhớ “hôm đó bà con trong bản ai cũng nghỉ làm để đến phụ giúp”. “Khi còn bố, vợ chồng mẹ đã làm nhiều việc để thoát nghèo nhằm nuôi các con ăn học nên người, nhưng khi bố mất thì mọi dự tính đó sụp đổ” - bà Chưng nói.

Từ ngày chồng mất, bà phải làm thay những công việc nặng nhọc. Có hôm đi làm về, bà Chưng không ăn nổi cơm rồi nằm xoài ra giữa tấm chiếu trải sẵn giữa nhà. Đứa con út thấy vậy liền ngồi khép nép vào một góc nhà và cứ thế mà khóc vì “sợ mẹ ngủ luôn”.

Cái nghèo khổ dường như không chịu buông người góa phụ, đứa con gái của bà Chưng lại đau ốm liên miên, bà lại vay mượn tiền để chữa trị. Rồi bà Chưng cũng đau theo. Làm không ra tiền, một bao lúa trong nhà cũng vơi dần, có hôm cả nhà phải ăn hai bữa rau thay cơm. “Thương chị Chương” - hàng xóm và chính quyền địa phương nói vậy rồi hỗ trợ ít gạo, nhưng cũng chỉ đủ để nấu cháo cho người ốm.

“Hơn một năm rồi”, bà Chưng nhớ lại bữa cơm có thịt gần nhất, đó là ngày con bò nhà bà chết sau thời gian đau bụng. Bà Chưng hái nhiều lá cây ổi, giã lấy nước cho bò uống nhưng không sống thêm được. Bò chết, bà chia thịt ra nhiều phần nhỏ bán cho bà con quanh bản được 1 triệu đồng, lỗ 6 triệu đồng so với giá mua. Niềm hy vọng trả nợ một lần nữa thất bại, số nợ ngân hàng ngày một lần nữa được nhân lên.

Hơn 10 năm trước, được chính quyền địa phương hỗ trợ, bà Chưng cùng nhiều hộ dân tại đây trồng cây bời lời. Sau nhiều năm thực hiện, cây bời lời mang lại lợi nhuận cao, được báo chí và chính quyền địa phương xem là chìa khóa để thoát nghèo.

Nói là có lợi nhuận nhưng cả Hướng Lập chỉ có khoảng 700 ha đất được phép trồng trọt, còn lại hơn 15.000 ha rừng phòng hộ và khu bảo tồn. Với đất canh tác ít, lợi nhuận từ cây bời lời mang lại cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống ngay tại thời điểm đó. Người dân cũng không dư giả gì.

Một thời gian ngắn, những hộ trồng bời lời ngày càng tăng. Đến năm ngoái, lượng cây bời lời cho thu hoạch tại địa phương nhiều. Giá thành rớt thảm. Vỏ bời lời khô từ giá 25 ngàn đồng xuống còn 5 ngàn đồng mỗi cân.

Người dân cố cứu cây bời lời nhưng không tìm ra giải pháp. Quá nóng ruột vì thiếu đất trồng trọt, người dân chặt bỏ cây bời lời để trồng cây khác. “Giờ giá thấp nhưng để thời gian, giá lại lên” - ông Hồ Văn Vân, Chủ tịch UBND xã Hướng Lập, nói để khuyên ngăn bà con. Ông Vân tiếc công bà con trồng, có người chỉ mới thu hoạch được một, hai năm, chưa đủ tiền vốn bỏ ra.

Bà Chưng có mẫu ruộng nhỏ, nhưng lúa nước ở trên non cho năng suất rất thấp. “Gieo giống một bao thì gặt được hai bao, vì năm nay hạn nặng” - bà Chưng nói.

Ngồi tính toán một hồi, bà Chưng kết luận: "Một năm qua chỉ thu hoạch được hai bao lúa, vài trăm ngàn từ cây bời lời. Hết!".

Những đứa con gái của bà Chưng dần lớn rồi lấy chồng, cuộc sống cũng chẳng khá giả hơn. Trong căn nhà lúc này chỉ còn bà Chưng cùng thằng út nay đã 18 tuổi. Căn nhà sàn rộng hơn chục mét vuông, được che chắn bằng những tấm ván gỗ lưa thưa. Gió lùa mạnh có thể làm tắt ngọn lửa đang nhen trong bếp.

Có bữa trời mưa, những tấm tôn mục nát khiến nước chảy giọt vào nhà. Không cần phải che chắn gì, bà cùng con trai chọn chỗ nào không ướt nằm tạm. Còn chỗ ướt cũng chẳng cần lau, nước sẽ tự nhỏ giọt qua những tấm ván rồi rơi xuống đất.

Bà Chưng đi trả công làm rẫy về lúc bốn rưỡi chiều. Trả công nghĩa là một nhóm người ở địa phương cùng phụ nhau làm rẫy, hôm trước người ta làm rẫy cho bà Chưng thì nay bà trả lại, chứ không có tiền. Bà chỉ vào 3 bao tải trong nhà rồi cho biết hai bao lúa đó được thu hoạch trong mùa vụ năm nay, một bao còn lại được họ cho. Đó là tài sản duy nhất mà bà có đến lúc này.

Đem những tiêu chí về mức thu nhập hàng tháng, các tiêu chí về dịch vụ xã hội cơ bản đi hỏi bà Chưng. Câu trả lời chúng tôi nhận được đa phần là không.

- "Vậy sao mẹ xin ra hộ nghèo?" - PV hỏi.

- "Vì con của mẹ đã lớn rồi, nên nhường lại cho những người khó khăn, những người có con đang ở tuổi ăn học để các em được đến trường" - bà Chưng đáp.

Bà Chưng tính đi tính lại, việc ra hộ nghèo bà phải làm nhiều hơn để chi trả tiền điện khoảng 5 ngàn đồng mỗi tháng. Những chính sách về vay vốn lãi suất thấp, hỗ trợ gạo vào mỗi dịp tết… cũng gần như không còn.

Đối với bạn, những người đang dễ dàng đọc bài viết này thì những khoản hỗ trợ nói trên là rất nhỏ. Nhưng đối với bà Chưng, một năm thu nhập chỉ được hai bao lúa, sinh sống ở vùng sóng viễn thông nhiều lúc không với tới, nếu may mắn gặp thời tiết thuận lợi thì phải mất cả tiếng đồng hồ mới tải xong một bài viết nhiều ảnh này thì những khoản hỗ trợ của Nhà nước nói trên là rất đáng kể.

Để bắt đầu việc thoát nghèo, bà tiếp tục vay ngân hàng để trồng tràm sau khi tham vấn ý kiến nhiều người dân trong vùng và cả cán bộ địa phương. Nhưng diện tích rừng ít ỏi, thời gian khai thác lâu hơn vùng đồng bằng vì đất khô cằn. Trồng với thời gian lâu, chi phí ban đầu cao, công sức bỏ ra nhiều hơn nhưng giá bán ra lại thấp vì công vận chuyển và đường sá khó khăn.

Cây tràm ở vùng đất sỏi đá mất khoảng 10 năm mới đến ngày thu hoạch, bà Chưng cho biết có hai mục tiêu của bà gắn với rừng tràm này, đó là: trả nợ ngân hàng và cưới vợ cho con.

Ở tuổi như con trai bà Chưng thì nhiều người ở đây bắt đầu dựng vợ gả chồng, nhưng bà Chưng nói với con trong một buổi ăn tối là “tạm quên chuyện đó đi” để tính đường làm ăn kinh tế. Nếu thời điểm này, con trai bà lấy vợ rồi sinh con thì cái vòng luẩn quẩn về cái nghèo tiếp tục bấu víu lấy gia đình con trai bà. Và con trai bà lại tiếp tục một con đường thoát nghèo đầy chông chênh và chưa biết đâu là hồi kết.

Ông Hồ Văn Vân, Chủ tịch UBND xã Hướng Lập, nhấn mạnh: Nếu như xác định hộ nghèo, chị Chưng vẫn là một trong những hộ nghèo nhất bản, gia đình khó khăn, nợ ngân hàng, nhà cửa rất nát. Nhưng với hành động chị xin ra hộ nghèo thì đáng được tuyên dương, là động lực để cho những hộ dân khác phấn đấu vượt nghèo.

“Không phải phong trào thoát nghèo, tôi mong muốn người dân ở đây thoát nghèo thực sự. Chính quyền địa phương tiếp tục tìm tòi những sinh kế mới để đưa bà con thoát nghèo bền vững” - ông Vân nói.

Ngoài bà Chưng thì thời gian qua tại địa phương, cùng một lúc có thêm hai phụ nữ đơn thân, đang nuôi con nhỏ cũng tự nguyện xin ra hộ nghèo, đó là chị Hồ Thị Lý và Hồ Thị Xoan. Ở họ đều có một khát vọng thoát nghèo ngay chính trên dải Trường Sơn.

Rời nhà bà Chưng, rời xã Hướng Lập với những ước vọng về những rừng cây đang đâm chồi trên vùng đất nghèo nhất huyện miền núi này. Trên con dốc của đèo Sa Mù với mây che kín lối, trong đầu tôi lại hiện ra những câu chữ trong bài hát Một đời người, một rừng cây của nhạc sĩ Trần Công Ẩn, trong đó có câu: "Có một cây là có rừng và rừng sẽ lên xanh, rừng giữ đất quê hương"…

Đọc thêm