EVN đòi tăng giá điện trong tháng 9

Tại Hội nghị tổng kết thực hiện Quy hoạch điện VI và triển khai Quy hoạch điện VII do Bộ Công Thương tổ chức sáng 8-9 tại Hà Nội, ông Dương Quang Thành, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực VN (EVN), đề nghị Bộ Công Thương cho phép EVN tăng giá điện theo quy định trong Quyết định 24 của Thủ tướng ngay trong tháng 9 này.

Tăng giá điện nếu chênh lệch đầu vào 5%

“Trước mắt, việc điều chỉnh giá điện phải đảm bảo cân bằng về tài chính, không để lỗ trong sản xuất kinh doanh từ năm 2012 trở đi và hạch toán phần bù lỗ năm 2010” - đại diện EVN nói.

Ông Thành cho biết hiện nay EVN đã đưa ra các phương án điều chỉnh giá điện theo hướng dẫn mới đây của Bộ Công Thương, thủ tục hồ sơ đang chờ Cục Điều tiết điện lực xem xét, phân tích các thông số đầu vào như tỉ giá, nguyên liệu (than, khí,...). Tuy nhiên, các phương án điều chỉnh giá điện cụ thể không được đại diện EVN tiết lộ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay: “Giá điện là vấn đề nhạy cảm, Bộ sẽ cân nhắc kỹ trước khi quyết định. Đến nay Bộ Công Thương vẫn chưa có phương án chính thức nào về điều chỉnh giá điện trong tháng 9 mà mới chỉ là đề nghị từ EVN”.

Theo hướng dẫn Quy định điều chỉnh giá bán điện theo thông số đầu vào cơ bản mà Bộ Công Thương ban hành ngày 19-8 (có hiệu lực từ ngày 1-9), giá bán điện được tính toán kiểm tra hằng tháng trên cơ sở biến động của các thông số đầu vào cơ bản so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành. Trong đó bao gồm tỉ giá tính toán, giá nhiên liệu tính toán, cơ cấu sản lượng điện phát của các tháng đã trước đó. Nếu mức chênh lệch giá bán điện bình quân do biến động đầu vào mức 5%, EVN báo cáo Bộ Công Thương. Sau năm ngày Bộ Công Thương không có ý kiến, EVN được điều chỉnh giá bán điện mức 5%...

EVN đòi tăng giá điện trong tháng 9 ảnh 1

Người dân càng thêm lo âu khi giá điện tăng. Trong ảnh: Khách hàng thanh toán tiền điện tại Công ty điện lực Chợ Lớn. Ảnh: HTD

Ngoài đề nghị điều chỉnh giá điện, đại diện EVN còn đề xuất Bộ Công Thương giao cho các chủ đầu tư của dự án nguồn điện ngoài EVN chịu trách nhiệm đầu tư lưới điện đến điểm đấu nối lưới điện hiện có theo quy hoạch được duyệt. Số vốn đầu tư công trình được tính vào tổng mức đầu tư của dự án nguồn điện và hạch toán vào chi phí giá thành mua bán điện.

EVN tiếp tục kêu thiếu vốn

Liên quan đến vấn đề vốn thực hiện các dự án trong Quy hoạch điện VI và VII, ông Thành cho biết theo quy hoạch điện VI, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội với mức tăng trưởng GDP 8%-9%/năm thì nhu cầu điện tăng mức 17%, thậm chí hơn 20%/năm. Trong đó tổng đầu tư của EVN đến năm 2015 khoảng 832.000 tỉ đồng nhưng đến nay EVN còn thiếu gần 600.000 tỉ đồng. Vốn như thế thì EVN không thể xây dựng các dự án theo đúng tiến độ Quy hoạch VI mà Thủ tướng đã phê duyệt.

EVN cũng tiếp tục than về nguồn vốn nếu triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) vừa được Thủ tướng phê duyệt ngày 21-7.

Theo EVN, nếu triển khai Quy hoạch VII (đến năm 2015), EVN thiếu gần 280.000 tỉ đồng. “Chỉ tính riêng kế hoạch đầu tư xây dựng trong năm 2011 EVN chỉ có khả năng huy động được 51.580 tỉ đồng, còn thiếu 18.320 tỉ đồng. Dù tập đoàn đã làm việc với ngân hàng để gia hạn nợ 4.000 tỉ đồng nhưng vẫn thiếu hơn 14.000 tỉ đồng” - đại diện EVN kêu khó.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng giải quyết vấn đề giá điện là đòi hỏi cấp bách hiện nay để tạo điều kiện thu xếp vốn cho ngành điện. “Thời gian qua, EVN kinh doanh ngoài ngành, đa mang nhiều lĩnh vực nhưng nếu không làm như thế thì không đủ vốn để đảm bảo sản xuất. Theo lộ trình từ nay đến năm 2020, giá điện VN phải nâng lên mức 8-9 cent/kWh mới phù hợp giữa giá điện gắn với phát triển kinh tế-xã hội” - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chia sẻ.

15,28% Con số giá điện tăng từ đầu tháng 3 năm nay. Năm 2010, EVN lỗ trên 8.000 tỉ đồng; tám tháng đầu năm 2011 lỗ thêm 2.000 tỉ đồng và EVN liên tục kêu thiếu vốn, đòi tăng giá tiếp.

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm