EVN giảm hơn 6.800 tỉ đồng hỗ trợ tiền điện vì dịch COVID-19

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong 6 tháng năm 2020, EVN thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiều khó khăn như dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; nhu cầu điện tăng trưởng cao do có nhiều đợt nắng nóng trên diện rộng và kéo dài nhất trong 27 năm qua. Trong khi đó, hệ thống điện hầu như không có dự phòng về nguồn điện, tình hình thủy văn nước về các hồ thủy điện kém và nguồn cung nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện giảm so với kế hoạch...

Mặc dù vậy, EVN và các đơn vị đã có nhiều cố gắng nỗ lực đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của cả nước và sinh hoạt của nhân dân tại các địa phương dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, các kỳ họp Quốc hội Khóa XIV... Đặc biệt, EVN đã đảm bảo tăng cường cấp điện cho các bệnh viện, cơ sở y tế và các khu vực cách ly tập trung phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. EVN và các đơn vị cũng đã phối hợp với với chính quyền và nhân dân các địa phương khẩn trương khắc phục sự cố điện do ảnh hưởng của mưa đá, giông lốc tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, bão số 1 và cháy rừng tại Hà Tĩnh vào cuối tháng 6…

Sáu tháng qua, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 119,42 tỉ kWh, tăng 1,74% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thủy điện huy động 21,55 tỉ kWh, giảm 27,79% so với cùng kỳ năm 2019; Nhiệt điện khí huy động 19,24 tỉ kWh, giảm 15,67 %; Nhiệt điện than huy động 69,77 tỉ kWh, tăng 16,03 %; Nhiệt điện dầu huy động 1,04 tỉ kWh, tăng 41,61%; Năng lượng tái tạo huy động 5,41 tỉ kWh, trong đó điện mặt trời đạt 4,71 tỉ kWh, tăng gấp 5,35 lần so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN trong 6 tháng ước đạt 103,17 tỉ kWh, tăng 2,29% so cùng kỳ năm trước.

Về công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, đến hết tháng 6 năm 2020, tỉ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 58,40%. Đến nay, số yêu cầu các dịch vụ điện qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia chiếm 76,57% trên tổng số yêu cầu cung cấp dịch vụ. Đối với phản ánh của một số khách hàng sinh hoạt về hiện tượng hóa đơn tiền điện tăng cao bất thường, EVN đã phối hợp Hội bảo vệ Người tiêu dùng và Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng khẩn trương tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành để làm rõ nguyên nhân và thông tin tới dư luận.

EVN cho biết, tính đến 30-6, EVN đã giảm giá, giảm tiền điện cho 26,79 triệu khách hàng bị ảnh hưởng COVID-19, với tổng số tiền 6.800,23 tỉ đồng. Trong tháng 7, EVN tiếp tục thực hiện giảm giá bán điện cho khách hàng sinh hoạt và giảm giá tháng 4, 5, 6 cho các khách hàng thuộc đối tượng cơ sở lưu trú du lịch cập nhật đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu trước 16-7.

Sáu tháng cuối năm 2020, EVN dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Theo đó, nhu cầu điện dự báo tiếp tục tăng trưởng cao, trong khi hệ thống điện hầu như không có dự phòng nguồn điện. Mực nước các hồ thủy điện đang ở mức thấp, đặc biệt các hồ thủy điện lớn trên dòng sông Đà; Dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục có diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng đến giá nhiên liệu và thị trường tài chính thu xếp vốn; Đồng thời, COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến việc nhập khẩu vật tư thiết bị khiến cho công tác đầu tư xây dựng tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Do vậy, EVN đặt ra mục tiêu vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện và thị trường điện, huy động tối ưu các nhà máy điện trong hệ thống, bám sát tình hình phụ tải, diễn biến thời tiết - thuỷ văn và sẵn sàng ứng phó với các tình huống cực đoan, bất lợi. Phấn đấu hoàn thành phát điện hai tổ máy dự án Thủy điện Thượng Kon Tum, hoàn thành phát điện dự án Điện mặt trời Phước Thái 1 và Sê San 4, chuẩn bị khởi công dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng.

EVN cũng phấn đấu đóng điện công trình đường dây 500 kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2 vào cuối năm 2020; đẩy nhanh tiến độ đóng điện các dự án trọng điểm như đường dây 220 kV Nha Trang - Tháp Chàm, trạm biến áp 220 kV Cam Ranh, trạm biến áp 220 kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà - Lao Bảo…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm