“EVN phải bồi thường cho dân”

Ngày 30-9, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã trả lời chất vấn của cử tri Bắc Trà My, Quảng Nam. Phó Thủ tướng cũng đi kiểm tra đường hầm và thân đập thủy điện Sông Tranh 2.

Cử tri: Đập có thật sự an toàn?

“Động đất làm cho việc học hành, sản xuất, kinh doanh của người dân ngưng trệ. Họ phải bỏ nhà tái định cư sang sinh sống trong lều trại tạm bợ” - ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, bày tỏ tại cuộc tiếp xúc. Ông kiến nghị Chính phủ yêu cầu EVN phối hợp với chính quyền sớm khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại cho dân.

Cũng theo ông Phong, cử tri đang chất vấn ông vì sao Chính phủ chưa cho thủy điện Sông Tranh 2 tích nước nhưng nước trong hồ vẫn rất lớn. Thủy điện thiết kế không có cống xả đáy. Tính từ đáy lên ngưỡng tràn thì còn tới 65 m nước, tương đương 461 triệu m3. Đây là một mối nguy lớn.

“EVN phải bồi thường cho dân” ảnh 1

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai từ phải sang) kiểm tra thân đập và công tác xử lý thấm nước. Ảnh: LÊ PHI

Cử tri Huỳnh Tấn Sâm, nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My, kiến nghị: “Cần thuê ngay các chuyên gia giỏi trong và ngoài nước về khảo sát để có thông tin chính thống giúp người dân yên tâm. Phải sớm khẳng định về lâu dài đập có an toàn không. Nếu không an toàn, nên tính toán để người dân biết đường phòng tránh”.

Chủ tịch UBND xã Trà Bùi Hồ Văn Tiến kiến nghị Chính phủ nếu đập không an toàn thì kiên quyết không cho tích nước, thậm chí phải phá bỏ thủy điện. “Còn nếu đã nói đập an toàn rồi thì EVN phải cho bà con và báo chí vào kiểm tra, sao lại bưng bít thông tin?” - ông Tiến nói.

Cần tính đến phương án xấu nhất

Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN, bộc bạch: “Tôi xin chia sẻ đồng thời phần nào nhận trách nhiệm về những xáo trộn trong cuộc sống của người dân”. Ông Vượng tiếp tục khẳng định việc xử lý chống thấm đã hoàn thành và đập an toàn. Về trách nhiệm nếu xảy ra vỡ đập, ông Vượng cho biết: “Nếu điều đó xảy ra thì không một tổ chức, cá nhân nào đủ lớn để gánh vác trách nhiệm này cả”.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến cho rằng: “Không ai mong muốn sự cố xảy ra với thủy điện Sông Tranh 2 nhưng phải đề phòng. Các hiện tượng cực đoan của thiên nhiên không thể cảnh báo trước được. Cần tính đến phương án xấu nhất thì dân sẽ đi đâu, ứng phó như thế nào”.

Theo ông Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, sắp tới Bộ Xây dựng sẽ cử đoàn vào Bắc Trà My để trực tiếp hướng dẫn bà con xây dựng nhà chống động đất. Bộ cũng sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá độ an toàn của tất cả hồ thủy điện trên cả nước.

Kết luận buổi tiếp xúc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất chia sẻ những tổn thất và tâm lý lo lắng của bà con huyện Bắc Trà My. Tôi khẳng định Chính phủ luôn đặt vấn đề an toàn tính mạng của người dân lên trên hết. Nếu đập không an toàn thì sẽ không cho tích nước, phát điện”.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu EVN phối hợp với Viện Vật lý địa cầu lắp đặt ngay các trạm quan trắc; lên phương án đối phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Cùng đó, EVN phải bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do động đất gây ra, không đùn đẩy trách nhiệm.

Trước mắt, thủy điện Sông Tranh 2 không được phép tích nước trong mùa mưa lũ năm nay. Các bộ, ngành tập trung mọi giải pháp để đảm bảo an toàn tuyệt đối đập thủy điện Sông Tranh 2. Còn báo chí phải phối hợp cùng các nhà khoa học để đưa tin chính xác nhất đến người dân.

Ông NGUYỄN XUÂN PHÚC,Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ

Đến thời điểm này đập vẫn an toàn, ổn định. Tuy nhiên, khi thi công đập còn một số khiếm khuyết, chất lượng khe nhiệt chưa đảm bảo.

Ông NGUYỄN THANH NGHỊ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Nếu chủ đầu tư thiết kế đúng và cung cấp số liệu đúng thì Viện khẳng định đập vẫn an toàn, có thể chịu được động đất 5,5 độ Richter. Tuy nhiên, động đất xảy ra khi nào thì không thể dự báo trước được.

TS LÊ HUY MINH,Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm