F0 cách ly tại nhà tăng, TP.HCM chi viện cho trạm y tế lưu động

Trước tình hình số ca mắc COVID-19 tăng nhanh ở một số địa bàn, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo các bệnh viện (BV) cấp TP điều động lực lượng xuống hỗ trợ các trạm y tế lưu động khi lực lượng quân y chi viện cho TP.HCM dần rút khỏi.

Hai mẹ con chị Th đang được Trạm y tế lưu động phường Tân Thới Nhất thăm khám tại nhà. Ảnh: HOÀNG LAN

Nhân sự quá mỏng

Sáng 12-11, đội hình gồm 10 y bác sĩ của BV Da liễu TP.HCM đã lên đường tăng cường lực lượng cho năm trạm y tế lưu động ở năm phường gồm Tân Thới Nhất, Đông Hưng Thuận, Tân Hưng Thuận, Thạnh Lộc và An Phú Đông của quận 12. Đây hiện là địa phương dẫn đầu về số ca bệnh cách ly tại nhà cao nhất TP với hơn 10.000 ca.

Vừa đến nơi, BS Trần Hồng Ly và điều dưỡng Bùi Thị Minh Trang đã bắt tay vào công việc hỗ trợ xét nghiệm các trường hợp có triệu chứng ở Trạm y tế lưu động phường Tân Thới Nhất. Điều dưỡng Minh Trang cho biết số ca có kết quả test nhanh dương tính khá nhiều. “Dự kiến những ngày tới, khối lượng công việc ở trạm sẽ nhiều và khó khăn nhưng tôi sẽ cố gắng hết mình để hoàn thành nhiệm vụ” - điều dưỡng Minh Trang chia sẻ.

Cùng thời điểm này, BS Huỳnh Thiên Phú, công tác tại BV Y học cổ truyền cũng đang tăng cường cho Trạm y tế lưu động phường Tân Thới Nhất nhận được cuộc gọi cần hỗ trợ cung cấp ôxy tại nhà. BS Phú cùng tình nguyện viên F0 Trịnh Quốc Hùng nhanh chóng cầm bình ôxy lên đường đến nhà F0.

Theo ghi nhận, hai ca F0 là mẹ con cùng sống ở một nhà trọ có không gian chật hẹp chỉ chừng 4-5 m2, trong một con hẻm trên đường Phan Văn Hớn. Cả hai đều chưa tiêm vaccine, người mẹ là bà Nguyễn Thị T (71 tuổi) có bệnh nền cao huyết áp, vừa mổ nội soi trực tràng, con gái là chị Nguyễn Thị Kim Th (46 tuổi) có biểu hiện khó thở. Chị Th giãi bày thời gian qua chăm mẹ phẫu thuật ở BV nên chưa đăng ký tiêm vaccine. Sau khi cho chị Th thở ôxy, BS Phú đánh giá cả hai cần phải chuyển viện vì có nguy cơ chuyển nặng và chưa tiêm vaccine.

Hỗ trợ phường Tân Thới Nhất chăm sóc và cấp cứu F0 từ tháng 8 đến nay, anh Hùng cho biết số ca bệnh những ngày gần đây có xu hướng tăng, địa bàn phường có nhiều doanh nghiệp sản xuất, giáp quốc lộ 1A và các khu công nghiệp Tân Bình, Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), Bà Điểm (huyện Hóc Môn), tập trung đông công nhân từ các tỉnh miền Tây, miền Trung. Một số công nhân từ quê lên vẫn chưa được tiêm vaccine, nhiều người chủ quan tiêm vaccine rồi khó nhiễm bệnh hoặc chuyển bệnh nặng. Theo ông Hùng, 10 ngày qua, số ca được tiêm mũi 1, mũi 2 hoặc sau 14 ngày cách ly vẫn còn nhiễm bệnh khá nhiều. Trạm y tế lưu động hiện tại quản lý 200-300 ca F0, phải cấp cứu 3-5 ca mỗi ngày và phải chuyển viện 2-3 ca.

Bổ sung thêm, BS Phú cho biết nhân sự trạm y tế lưu động quá mỏng, tiền thân của phường là xã nên địa bàn khá rộng, tìm nhà F0 để thăm khám bệnh mất khá nhiều thời gian. “Các bệnh nhân F0 thường có nhiều lo lắng không chỉ vấn đề chuyên môn nên liên tục gọi điện thoại hỏi khiến đường dây tắc nghẽn, nhiều F0 khác cần liên lạc gặp khó khăn” - BS Phú kể và mong muốn cần tăng cường nhân sự cho trạm y tế lưu động.

Tăng cường bác sĩ mới ra trường cho trạm y tế lưu động

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP vào ngày 11-11, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhìn nhận thời gian vừa qua, số ca F0 tăng lên, trạm y tế lưu động do lực lượng quân y phụ trách rút đi nên có xảy ra quá tải cục bộ ở một số nơi. Trước tình hình này, Sở Y tế đã điều động các BV tuyến quận, huyện và tuyến TP cử bác sĩ và điều dưỡng xuống tăng cường hỗ trợ trạm y tế địa phương để kịp thời phát túi thuốc và phát hiện các ca F0 nặng để xử trí, chuyển viện.

BS Vĩnh Châu cũng nhìn nhận đây là giải pháp tạm thời và cho biết vài tháng tới sẽ tính phương án điều chuyển các bác sĩ mới ra trường từ ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tăng cường cho trạm y tế cơ sở, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp lâu dài để thu hút nhân lực về y tế cơ sở. 

Vẫn khó chuyển viện, thiếu túi thuốc C

Y sĩ Nguyễn Thị Kim Ngọc, phụ trách phòng chống dịch phường Tân Thới Nhất, cho biết hiện phường đang quản lý hơn 1.000 ca F0 cách ly tại nhà. Những ngày qua, trung bình mỗi ngày phường phát hiện 80-100 ca F0 qua test nhanh sàng lọc các ca có triệu chứng và ổ dịch hộ gia đình cũng như cộng đồng. Riêng sáng 12-11, điểm xét nghiệm ở nhà truyền thống phường Tân Thới Nhất đã phát hiện 110 ca dương tính mới. Đa phần đều đã được tiêm một mũi hoặc hai mũi vaccine.

Ngoài nhân sự từ BV Da liễu TP, trước đó phường cũng được Sở Y tế tăng cường sáu y bác sĩ đến từ các BV Mắt, Y học cổ truyền, BV quận 12, thành lập được ba trạm y tế lưu động. Tuy nhiên, theo y sĩ Kim Ngọc, với yêu cầu một trạm y tế lưu động chăm sóc 50-100 ca F0 thì nhân sự ba trạm y tế còn rất mỏng chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc F0 tại nhà.

Riêng Trạm y tế phường Tân Thới Nhất cũng chỉ có 11 nhân viên nhưng cũng đang bị quá tải vì lo nhiều công việc như tiêm vaccine, hỗ trợ xét nghiệm, đến nhà chăm sóc F0 với các trạm y tế lưu động, cấp giấy hoàn thành cách ly cho F0.

Y sĩ Kim Ngọc cho biết những ca dương tính mới được phát hiện đa phần là ở nhà trọ, chung cư, có tình trạng tập trung, tiếp xúc và đi lại phức tạp khi nới lỏng giãn cách nên rất khó kiểm soát. Một số người tự mua test nhanh để test nhưng khi dương tính thì không báo khu phố, tổ dân phố. “Đến khi cần làm giấy xác nhận dương tính để nộp cho công ty thì mới báo. Chúng tôi rất đau đầu về tình trạng này” - y sĩ Kim Ngọc kể.

Về vấn đề chuyển viện bệnh nhân, y sĩ Kim Ngọc cho biết trạm y tế cũng đang gặp khó khăn trong liên hệ chuyển bệnh. “Trước đây, chúng tôi thường chuyển bệnh nhân vào khu cách ly của phường nhưng khu cách ly này đã giải thể để trả lại khuôn viên cho trường học. Khu cách ly của quận hiện đang quá tải và theo quy định, chúng tôi không thể chuyển thẳng lên BV dã chiến thu dung, rất mong có giải pháp sớm giải quyết tình trạng này” - y sĩ Kim Ngọc nêu.

Ngoài ra, theo y sĩ Kim Ngọc, mặc dù túi thuốc C được khuyến cáo sử dụng càng sớm càng tốt và có hiệu quả phòng bệnh chuyển nặng nhưng trạm y tế phường được cấp túi thuốc này khá hạn chế, còn lại chủ yếu phát túi thuốc A và B. 

“Từ đầu dịch đến nay, trạm y tế chỉ nhận được 71 túi thuốc C còn lại chủ yếu phát túi thuốc A và B. Chúng tôi rất mong nhận được thêm túi thuốc C để phát cho người dân vì nhiều người dân sẵn sàng đồng ý sử dụng thuốc này nhưng lại không có sẵn để phát” - y sĩ Kim Ngọc nêu.•

 

Kích hoạt mạng lưới thầy thuốc đồng hành, thành lập đội đặc nhiệm kiểm dịch

Sáng 12-11, Sở Y tế TP.HCM cho biết sở cùng Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM quyết định kích hoạt lại mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”.

Theo đó, khi cần tư vấn và hỗ trợ của “Thầy thuốc đồng hành”, F0 hoặc thân nhân hãy gọi tổng đài 1022 và bấm phím 4.

Trong lần kích hoạt này, để phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của mạng lưới thầy thuốc đồng hành, Sở Y tế yêu cầu giám đốc Trung tâm Y tế quận, huyện và TP Thủ Đức, Trung tâm Cấp cứu 115, các bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 phối hợp chặt chẽ với các tổ trưởng tổ điều phối của mạng lưới thầy thuốc đồng hành trong cung cấp, cập nhật danh sách F0 trên địa bàn, trong phối hợp hoạt động cấp cứu người bệnh (khi nhận được thông tin từ các thầy thuốc tình nguyện).

Ngày 11-11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã tổ chức lễ ra mắt đội đặc nhiệm kiểm dịch phòng chống COVID-19.

Đội đặc nhiệm kiểm dịch sẽ là cầu nối giữa HCDC và quận, huyện; phường, xã để sự phối hợp trong phòng chống dịch COVID-19 luôn được nhịp nhàng, liền lạc. Bên cạnh đó, khống chế và triệt tiêu các ổ dịch nhanh nhất có thể.

Đội đặc nhiệm kiểm dịch phòng chống COVID-19 là mô hình mới trong thế trận mới. Đội sẽ được linh hoạt thay đổi số lượng cho phù hợp với các cấp độ dịch của TP.HCM tại cộng đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm