F0 tăng nhanh ở TP.HCM, trường học ‘kêu trời’ vì thiếu kinh phí, kit test

Ngày 24-2, chia sẻ với PLO, khi F0 xuất hiện ngày càng nhiều, lãnh đạo các trường học tại TP.HCM bày tỏ gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh phí, trang thiết bị y tế để phòng, chống dịch COVID-19.

Được biết, theo báo cáo từ Sở Y tế TP.HCM, chỉ trong hơn một tuần học qua, TP.HCM ghi nhận 7.505 ca nhiễm trong trường học, gồm 706 giáo viên và 6.799 học sinh. Trong đó, khối mầm non là 394 em, khối tiểu học là 2.786 em, THCS là 1.875 em, THPT và giáo dục thường xuyên là 1.744 em bị nhiễm COVID-19.

Điều này nằm trong dự báo của TP.HCM khi học sinh tất cả các cấp đồng loạt đi học trở lại sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, việc số ca F0 được phát hiện và tăng mạnh, các cơ sở giáo dục phải chịu áp lực lớn khi kinh phí chống dịch của trường hạn hẹp, trang thiết bị y tế được chuẩn bị trước đó cạn dần, việc mua sắm và chuẩn bị mới phải phụ thuộc nguồn hỗ trợ từ phụ huynh.

Lãnh đạo một trường tiểu học tại TP Thủ Đức, cho biết vừa qua trường phải “nói nhỏ” với phụ huynh để huy động nguồn đóng góp kinh phí chống dịch như mua kit test, dung dịch khử khuẩn, vệ sinh….cho từng lớp.

Vị này cho biết, trước khi trẻ đi học trở lại, trường có đề xuất và được hỗ trợ kinh phí từ nhà nước về sửa chữa, mua sắm cơ sở thiết bị phục vụ dạy học nhưng sử dụng gần như hết vì thời gian nghỉ học kéo dài, nhiều hạng mục của trường đã xuống cấp, hư hỏng nặng.

Còn kinh phí phòng, chống dịch, trường sử dụng kinh phí dự phòng, quỹ y tế học đường để trang trải.

“Chi phí tốn kém lắm, nhất là kit test. Vừa rồi có hai lớp có F0 là trường phải tốn gần chục triệu để mua kit, khử khuẩn. Nói không phải nhưng nhiều khi chỉ mong F0 phát hiện ở nhà chứ đừng ở trường, tốn và cực đủ đường. May là trường cũng có nhiều phụ huynh sẵn sàng mua tặng các thiết bị đo thân nhiệt, xịt khuẩn tự động, khẩu trang….rồi” – vị này bày tỏ.

Học sinh tiểu học ở TP.HCM khử khuẩn tay trước khi vào lớp học trực tiếp. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bày tỏ bức xúc về vấn đề này, lãnh đạo một trường THPT tại TP.HCM cho biết trường đón học sinh trở lại từ 13-12-2021. Thời điểm đó, các Sở ngành đã thông tin rằng sẽ cung cấp 50-100 kit test cho mỗi trường nhưng đến nay vẫn không thấy đâu.

Ông cho hay, trường có gần 2.000 học sinh đi học, công việc mỗi nhân sự tăng nhiều, kinh phí thì không có, kêu gọi thì phụ huynh phàn nàn, không chuẩn bị chu đáo thì phụ huynh lại bất an.

"Kit test gần cả trăm ngàn đồng/cái, một lớp có F0 là tốn gần 50 kit. Lúc chỉ có lớp 12 đi học, F0 không có thì trường còn “dư giả”, toàn trường đi học thì chỉ vài ngày là hết sạch, phải đi xin hỗ trợ từ phụ huynh, rất cực!" - hiệu trưởng này cho biết. 

Tương tự, trước tình hình F0 xuất hiện trong trường học nhiều như hiện nay, Hiệu trưởng một trường THCS ở quận 12 cũng kiến nghị hai phương án: Một là được ngành y tế sớm hỗ trợ vật tư y tế, nhất là kit test cho các trường vì nguồn kinh phí, vật tư y tế của các trường gần cạn kiệt. Hai là ngành giáo dục cho phép bằng văn bản để các trường được phép thu phí chống dịch từ phụ huynh như các khoản vệ sinh, phí phục vụ khác.

Bởi theo vị hiệu trưởng này, chi phí tốn kém nhất chủ yếu là kit test. Mặc dù hướng dẫn hiện nay, khi trong lớp có F0 thì phải test cả lớp nhưng để bớt tốn kém, trường chỉ test cho những trẻ được xác định F1 hoặc ngồi gần, còn lại nhờ phụ huynh tự về test cho con. Trường cũng khuyến khích phụ huynh nên mang theo trong cặp sách của con 1 kit test, khẩu trang và chai xịt rửa tay nhỏ để tiện sử dụng khi cần.

Ông Nguyễn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, cho biết trường có hơn 3.000 học sinh từ lớp 6 đến 12 nên kinh phí để trang trải phòng, chống dịch rất lớn.

Tuy nhiên, may mắn là trường có nhiều sự tài trợ từ các nhà hảo tâm để mua kit test, khử khuẩn…nên trường có nguồn để sử dụng khi cần. Hơn nữa, sĩ số của trường chỉ từ 30-35 em/lớp nên khi có F0 cũng không tốn kém nhiều. Ngoài ra, bản thân phụ huynh của trường cũng chủ động theo dõi sức khỏe của con, khi có dấu hiệu sẽ tự test tại nhà nên giảm áp lực nhiều cho trường. Tuy nhiên,trường không thể duy trì mãi việc "xin" phụ huynh được. 

“Trường cũng đang bàn với ban đại diện cha mẹ học sinh để tiến tới xã hội hóa trong công tác phòng, chống dịch. Vì các công tác hiện tại chỉ giải quyết tình thế trước mắt thôi, trong khi chống dịch là lâu dài nên cần phải có nguồn kinh phí cơ bản chứ không thể trông chờ hỗ trợ của từng phụ huynh” – ông Minh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm