Giải thưởng Fair Play 2012 - Bóng đá cao thượng của Báo Pháp Luật TP. HCM

“Fair play là cái gốc của văn hóa bóng đá”

Xin mượn phát biểu của Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM Trần Duy Long làm tựa cho bài viết này.

Phát biểu đi đúng vào thực trạng bóng đá Việt Nam và đấy cũng là điều mà những nhà tổ chức muốn  góp phần vào giúp sân cỏ Việt Nam đẹp hơn, sạch hơn…

(PHÁP LUẬT TPHCM) - Bắt nguồn từ những gì bóng đá Việt Nam đang đối mặt trong thời gian qua, đó là những hình ảnh bạo lực và xấu xí trên sân cỏ, giải thưởng Fair Play ra đời để hướng đến tương lai, hướng đến tinh thần fair play, đến bóng đá cao thượng…

Bức tranh bóng đá nhiều màu

Những chuyên gia bóng đá, những cựu trọng tài, những nhà báo thể thao TP.HCM đều có cùng quan điểm sự ra đời của giải thưởng Fair Play là cần thiết. Đó như một sự tôn vinh những giá trị vĩnh cửu trong thể thao. Bởi thể thao không phải là chuyện thắng thua mà nó phải đẩy được tinh thần cao thượng lên vị trí hàng đầu.

Có một thực tế trong những năm gần đây đó là làng bóng đá Việt Nam đang đối mặt với những hình ảnh xấu xí trên sân cỏ. Cầu thủ có thể chửi trọng tài rồi quan chức cũng xỉ vả được trọng tài; cầu thủ không ngần ngại lao gầm giày vào triệt hạ đối phương; cầu thủ và đội bóng thỏa hiệp, đóng kịch, dàn xếp tỉ số rồi vẩy đổ lên các trọng tài; đội bóng mình yếu kém và quy trách nhiệm cho trọng tài ép…

Trong bức tranh nhiều mảng tối ấy, báo Pháp Luật TP.HCM muốn cùng những người làm bóng đá, những đồng nghiệp cùng đi trên con đường để tôn vinh những cá nhân, tập thể có tinh thần fair play để làm đẹp cho bức tranh bóng đá còn dang dở.

Quyết tâm của những nhà tổ chức và lời gửi gắm của giới bóng đá

Tại buổi họp báo giới thiệu giải thưởng Fair Play - Bóng đá cao thượng vào sáng qua (12-4), những nhà chuyên môn đều cho rằng chuyện tôn vinh tinh thần cao thượng trong bóng đá không mới nhưng thiết thực vì cái không mới đấy đã bị lãng quên từ rất rất lâu trước căn bệnh bóng đá thành tích.

Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM Trần Duy Long phát biểu trong buổi họp báo. Ảnh: XUÂN HUY
 
Họp báo giải thưởng Fair Play - Bóng đá cao thượng tại báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: XUÂN HUY

Cũng có người lo lắng về tuổi thọ của giải thưởng này và đã được ban tổ chức hạ quyết tâm với mong muốn sẽ đưa giải thưởng này thành một giải truyền thống ngày một lớn mạnh hơn cùng sự đồng hành của đội ngũ làm bóng đá và giới truyền thông…

Nói về sân chơi trên, ông Trần Văn Mui gửi gắm đến ban tổ chức: “Xuất phát từ mong muốn đưa bóng đá nước nhà đẹp hơn và tốt hơn, tôi đề nghị nếu đẹp rồi thì những nhà tổ chức tiếp tục duy trì để bóng đá Việt Nam đẹp hơn nữa…”.

Lời chia sẻ và gửi gắm với những nhà tổ chức

Cũng trong buổi họp báo sáng qua, Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM Trần Duy Long đã chia sẻ với tư cách của một người đã từng là cầu thủ, là HLV và đang là nhà quản lý bóng đá xuyên suốt với bóng đá nước nhà suốt hơn nửa thế kỷ qua: “Theo tôi hiểu, tôn chỉ của báo Pháp Luật TP.HCM là khát khao xây dựng một đời sống thượng tôn pháp luật, dân chủ và công bằng cho nhân dân. Cho nên giải thưởng Fair Play cũng là một hình thức hướng đến sự cao thượng trong bóng đá. Cá nhân tôi cảm nhận giải thưởng này mang một tính nhân văn cao đẹp, gầy dựng ý thức văn hóa trong đời sống bóng đá cho mọi thành phần từ các ông bầu, cầu thủ, khán giả,…

Tôi rất trăn trở về khía cạnh giáo dục cho bóng đá trẻ, bóng đá học đường là đừng dạy cho cầu thủ cay cú ăn thua. Ngày xưa, ông cha mình chơi thể thao rất đề cao tinh thần cao thượng và vị tha. Bóng đá thì phải là ngày hội mang đến những điều tốt đẹp. Giải thưởng Fair Play là một cách cổ vũ thiết thực cho bóng đá hết sức đẹp đẽ, góp phần đưa nền bóng đá đi xa hơn và cái gốc của văn hóa bóng đá không có chỗ cho bạo lực. Thanh thiếu niên chơi bóng đá trước khi trở thành ngôi sao thì phải có phẩm chất fair play trước đã. Hướng đến bóng đá cao thượng là một hình thức giáo dục nhân cách cho các cầu thủ như một hành trang vào nghề hoặc nếu họ không trở thành cầu thủ thì tư tưởng fair play sẽ giúp họ trở thành một công dân tốt…

Tôi từng là cầu thủ, HLV và bây giờ làm công tác quản lý bóng đá nên thấu hiểu cảm giác xót xa của thứ bóng đá biến sân cỏ thành đấu trường.

Tôi mong muốn báo Pháp Luật TP.HCM mãi là một chiếc cầu nối thân thiện cho giải thưởng trở thành truyền thống.

Cảm ơn báo Pháp Luật TP.HCM đã lên tiếng chính thức bằng hành động cụ thể chứ không phải hô hào suông…”.

TẤN PHƯỚC - CÔNG TUẤN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm