Cầu thủ ĐNÁ chơi bóng ở châu Âu: Giấc mơ xa vời

Theo hợp đồng cho mượn  hồi tháng 6-2014, chân sút Dangda CLB Muangthong sẽ chơi một năm cho Almeria (thuộc La Liga, Tây Ban Nha). Nhưng rồi anh đã đứt gánh giữa đường.

Báo chí khu vực lẫn Thái Lan đều đánh giá Dangda là tiền đạo số một Đông Nam Á quả không sai. Tiền đạo tuyển Thái Lan từng hai lần đoạt danh hiệu vua phá lưới AFF Cup (2008 và 2012). Điều quan trọng là giải vô địch Thái Lan và Muangthong có rất nhiều tiền đạo ngoại giỏi nhưng Dangda vượt lên tất cả với ba lần đoạt ngôi vua phá lưới Thai-League 2011, 2012, 2013. Đấy cũng chính là lý do tại sao Almeria “say” tiền đạo có chiều cao 1,86 m này.

Dangda và ông thầy Kiatisak đều thất bại ở trời Âu dù từng là cầu thủ số một Đông Nam Á. Ảnh: XUÂN HUY - AFC

Dangda chơi bóng ở Thai-League hay AFC Champions League chẳng hề thua kém tiền đạo ngoại và không ngại ngùng đối đầu với các trung vệ ngoại nhờ sức mạnh, kỹ thuật, tốc độ lẫn khả năng tì đè.

Làm một phép liên tưởng ở V-League thì từ khi lên chuyên nghiệp năm 2001 đến nay, chỉ có mùa 2002, chân sút Hồ Văn Lợi của Cảng Sài Gòn về đồng vua phá lưới cùng Iddi của SL Nghệ An. Hầu như các chân sút nội của Việt Nam có số bàn thắng một mùa giải chỉ bằng phân nửa vua phá lưới là các tiền đạo Tây. Nhìn sang các giải vô địch Malaysia, Singapore hay Indonesia cũng cho các con số tương tự.

Thế nên Dangda rõ ràng có một sự khác biệt rất lớn với các tiền đạo nội của các giải Đông Nam Á. Vậy mà khi sang Tây Ban Nha gia nhập một CLB trung bình yếu của La Liga, anh không hề có suất chính. Ngay cả thời điểm này, nhiều ngôi sao phải trở về châu Phi hay châu Á đá giải vô địch châu lục thì Dangda vẫn không có cơ hội. Almeria khuyết sáu vị trí chính thức và dự bị nhưng chỉ dùng tiền đạo Timer 19 tuổi vào chơi mà không sử dụng Dangda.

Trả lời báo chí quốc tế, Dangda cho biết: “Tôi không thể hòa nhập ở Almeria vì bất đồng ngôn ngữ với HLV và đồng đội. Tôi chẳng biết HLV nói gì nên không thể nắm được ý đồ chiến thuật. Do vậy khi ra sân tôi chỉ chơi theo quán tính của mình”.

Sáu tháng ở Almeria, Dangda ra sân ở giải La Liga được sáu lần đều là những phút cuối cùng khi trận đấu đã an bài. Tiền đạo Thái cũng có bốn lần chơi ở giải cúp cũng ở thời điểm tương tự La Liga và ghi một bàn thắng nhưng vẫn không thể làm thay đổi cách nhìn của HLV.

Vừa về nước, Dangda liền có một suất trong đội hình tuyển quốc gia khi HLV Kiatisak lên tiếng sẵn sàng đón cậu học trò về chơi King’s Cup. Giữa hai thầy trò có một sự đồng điệu về nỗi buồn tan vỡ giấc mơ trời Âu. Năm 2000, Kiatisak khi ấy cũng là số một Đông Nam Á sang Anh đầu quân cho đội hạng nhất Huddersfield hai năm. Nhưng sau nhiều nỗ lực đến tận cùng, anh vẫn không thể có suất đá chính và đành trở về quê.

Câu chuyện tiền đạo số một Đông Nam Á Dangda là một câu trả lời rằng cánh cửa vào các giải châu Âu sẽ còn… đóng kín nếu không có những thay đổi mang tính chiến lược để tiếp cận với nền bóng đá của họ.

Những tiền đạo nổi tiếng Đông Nam Á từng sang châu Âu

+ Fanda Ahmad (Singapore) từng chơi cho Ajax (cùng đồng đội với Van Basten) nhưng mài đũng quần trên băng ghế dự bị. Sau đó anh chuyển sang Greninggen cũng của Hà Lan ghi được hai bàn ở Cúp châu Âu.

+ Kiatisak hai năm ở đội hạng nhất Huddersfield chỉ gặp thất bại.

+ Năm 2010, Sutee của Thái Lan sang Tây Ban Nha thử việc nhưng không đáp ứng yêu cầu của Atletico Madrid.

+ Safee Sali của Malaysia, vua phá lưới AFF Cup 2010 sang CLB hạng nhất Cardiff thử việc năm 2014 bất thành.

+ Công Vinh đầu quân cho CLB Leixoas của Bồ Đào Nha năm 2009 theo lời giới thiệu của HLV Calisto nhưng chỉ chuyên ngồi dự bị. Cuối mùa CLB này rớt hạng.

TẤN PHƯỚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm