Gần 5 tháng, hai nông dân rủ nhau đi trộm 11 lần

(PLO)- Theo HĐXX phúc thẩm, hai bị cáo có nghề nghiệp là làm nông, quá trình điều tra không đủ cơ sở xác định các bị cáo lấy tài sản trộm cắp làm nguồn sống chính nên không thuộc trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TAND tỉnh Phú Yên vừa mở phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo Nguyễn Tuấn Thịnh (SN 1990), Nguyễn Kiều Anh (SN 1987, cùng trú tại huyện Sơn Hòa, Phú Yên) về tội trộm cắp tài sản.

Tại phiên tòa, HĐXX đã chấp nhận kháng nghị của VKSND huyện Sơn Hòa, sửa điều luật áp dụng đối với các bị cáo từ điểm b khoản 2 Điều 173 BLHS thành khoản 1 Điều 173 BLHS.

Theo bản án sơ thẩm: Khoảng 23 giờ 30 phút ngày 13-8-2020, Thịnh gọi điện rủ Kiều Anh đi trộm cắp tài sản, Kiều Anh đồng ý. Khi đến nhà ông Lê Văn Hiển, hai người phát hiện có một cây hoa giấy để trong hiên nhà, cả hai vào nhổ cây hoa giấy chở về trồng trong vườn nhà Kiều Anh. Sáng hôm sau, ông Hiển phát hiện mất cây hoa giấy nên báo cáo công an. Kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản xác định cây hoa giấy có giá trị là 5.750.000 đồng.

Khoảng 0 giờ ngày 27-10-2020, khi đi ngang cửa hàng tạp hóa của ông Nguyễn Kim Sớt, thấy xe tải biển số 78C-087.46 của ông Sớt đậu bên hông nhà, không có người trông coi, Thịnh dùng dây cột cửa tiệm tạp hóa và che camera lại. Sau đó, dùng kìm cộng lực cắt khóa thùng xe tải trên, lấy trộm tài sản bên trong thùng xe gồm 18 thùng bia BIVINA; 37 cây thuốc lá các loại và nhiều thùng sữa, nước ngọt, mỳ tôm… có tổng giá trị 9.109.000 đồng mang về nhà Kiều Anh cất giấu. Hôm sau, Kiều Anh và Thịnh đem 18 thùng bia BIVINA và 36 cây thuốc lá đi bán được 4.000.000 đồng chia nhau.

Quá trình điều tra, Nguyễn Kiều Anh và Nguyễn Tuấn Thịnh khai nhận ngoài hai vụ trộm cắp tài sản trên, trong thời gian từ ngày 27-7-2020 đến ngày 7-12-2020, cả hai đã rủ nhau thực hiện chín vụ trộm cắp tài sản khác trên địa bàn các xã thuộc huyện Sơn Hòa. Tài sản trộm cắp gồm gà nòi, chim, sữa và nước ngọt các loại, cây cảnh…

Ngày 20-12-2021, VKSND huyện Sơn Hòa ban hành cáo trạng truy tố Thịnh, Kiều Anh về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 173 BLHS. Sau đó, TAND huyện Sơn Hòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung đề nghị truy tố các bị can theo điểm b khoản 2 Điều 173 BLHS vì theo Nghị quyết số 03 ngày 24-5-2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì các bị can phạm tội thuộc trường hợp có tính chuyên nghiệp.

Ngày 18-1, VKSND huyện Sơn Hòa có công văn không chấp nhận yêu cầu trả hồ sơ để điều tra bổ sung và giữ nguyên quan điểm truy tố, chuyển hồ sơ cho TAND huyện Sơn Hòa xét xử. Ngày 25-2-2022, TAND huyện Sơn Hòa ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, nêu rõ có thể xét xử các bị cáo theo khoản 2 Điều 173 BLHS.

Tại phiên tòa sơ thẩm, kiểm sát viên đề nghị HĐXX áp dụng khoản 1 Điều 173 BLHS và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự xử phạt mỗi bị cáo từ hai năm tù đến hai năm sáu tháng tù.

Sau khi xem xét, HĐXX sơ thẩm đã tuyên phạt Nguyễn Tuấn Thịnh và Nguyễn Kiều Anh mỗi bị cáo hai năm tù theo điểm b khoản 2 Điều 173 BLHS.

Bản án này sau đó bị VKSND huyện Sơn Hòa kháng nghị, đề nghị TAND tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm theo hướng áp dụng khoản 1 Điều 173 BLHS.

Tại phiên tòa phúc thẩm vừa qua, HĐXX nhận định: Cấp sơ thẩm đã truy tố, xét xử các bị cáo Thịnh và Kiều Anh về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 BLHS là có căn cứ, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra cũng như qua xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm xác định cả hai bị cáo đều có nghề nghiệp là làm nông, có xác nhận của chính quyền địa phương; các bị cáo sinh sống bằng nghề trồng trọt, nuôi bán gà nòi, làm thuê. Mặt khác, kết quả điều tra xác định tài sản trộm cắp được các bị cáo chỉ bán hai lần, được 4,83 triệu đồng chia nhau. Số tài sản trộm cắp còn lại chủ yếu là gà nòi, cây cảnh, chim…các bị cáo đem về nhà sử dụng. Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thu hồi trả lại cho chủ sở hữu. Do đó, không đủ cơ sở xác định các bị cáo lấy tài sản trộm cắp làm nguồn sống chính.

Như vậy, tuy các bị cáo thực hiện trộm cắp 11 lần trong thời gian gần năm tháng (từ 27-7-2020 đến ngày 7-12/-2020), trong đó có năm lần giá trị tài sản chiếm đoạt trên 2 triệu đồng nhưng các bị cáo không lấy tài sản trộm cắp được làm nguồn sống chính. Theo tinh thần Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thì hành vi phạm tội của các bị cáo không thuộc trường hợp có tính chất chuyên nghiệp theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 173 BLHS.

Bản án sơ thẩm cho rằng các bị cáo thực hiện 11 vụ trộm cắp tài sản liên tiếp trong khoảng thời gian dài và các bị cáo không có nghề nghiệp ổn định nên áp dụng điểm b khoản 2 Điều 173 BLHS để xét xử các bị cáo là không có cơ sở. Các bị cáo trộm cắp tài sản có giá trị 34.301.000 đồng nên phạm tội theo khoản 1 Điều 173 BLHS.

Do đó, kháng nghị của VKSND huyện Sơn Hòa là có căn cứ. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm đã xem xét đúng tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân các bị cáo, đánh giá đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự xử phạt mỗi bị cáo 02hai năm tù là phù hợp.

Từ đó, HĐXX TAND tỉnh Phú Yên đã chấp nhận kháng nghị của VKSND huyện Sơn Hòa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm