Gánh nặng thay chồng

Chị Phượng (quận 3, TP.HCM) quen việc bếp núc từ nhỏ. Năm 24 tuổi, chị lập gia đình với một chàng kỹ sư xây dựng. Không may, chồng chị bị tai nạn giao thông khi tan sở. Tai nạn cướp mất của anh hai chân. Đang mang thai đứa con đầu lòng, chị hết chăm sóc chồng, lại lo đủ chuyện cho gia đình. Số tiền dành dụm nhiều năm cũng cạn kiệt vì chạy chữa cho chồng.

Khi con gái được ba tuổi, chị gửi con đi nhà trẻ và bắt đầu thu mua ve chai để mưu sinh. Sáng tờ mờ, chị thức dậy nấu bữa ăn sáng cho cả gia đình rồi đưa con đi học. Hai vợ chồng dở cơm, chồng đi bán vé số, còn vợ thu mua ve chai. Bao năm trôi qua, đứa con đã vào cấp hai, sau giờ học đã biết phụ giúp ba mẹ việc nhà.

Gánh nặng thay chồng ảnh 1

Khi cần, họ vẫn năng nổ gánh vác thay chồng. Ảnh: NNH

Chị Phượng tâm sự: “Nhìn chồng là kỹ sư mà giờ phải ra đường buôn bán, tôi cũng đau lòng lắm! Việc lãnh vé số bán là tự ý anh ấy. Tôi không hề cằn nhằn hay đay nghiến việc anh không còn làm ra tiền. Có tiền hay không thì gia đình vẫn vui vẻ với nhau”. Thật vậy, hàng xóm không hề nghe vợ chồng họ cãi vã dù hiện nay cả hai vẫn phải thuê phòng trọ và đi về như những cư dân nghèo của thành phố.

Lấy chồng từ năm 30 tuổi, vợ chồng chị Nguyệt Thanh dắt díu nhau từ đất Quảng Ngãi vào Sài Gòn buôn bán, thuê nhà tại quận Bình Thạnh. Một tối, chồng chị cứng đơ người, đưa vào bệnh viện mới hay anh bị đột quỵ. Sau nhiều tháng chạy chữa, anh đi lại được nhưng mất sức lao động. Gánh nặng cơm áo đặt trên vai chị Thanh với chiếc xe ba bánh nhỏ thu mua ve chai. Hằng ngày, anh ở nhà nấu nướng, giặt giũ, lau chùi nhà cửa và dạy con học. Con trai anh học lớp học tình thương của phường. Sức học khá, em được tạo điều kiện học lớp buổi sáng nhờ tài trợ của hội khuyến học.

Chị Thanh chia sẻ: “Người đàn ông chẳng muốn nằm nhà làm việc nhẹ đâu. Thời gian đầu, anh ấy buồn khổ, muốn sa vào rượu chè, tôi phải cố gắng nhỏ nhẹ khuyên anh. Giờ, anh vui tươi sống với công việc nhà. Nói là việc nhà nhưng cũng cực lắm. Rảnh rang, anh cũng đi quanh xóm giúp tôi thu mua ve chai. Cuộc sống cực mà vui!”. “Thời gian đầu, tôi sống trong mặc cảm ăn nhờ vợ, cảm giác thật khó chịu. Nhờ vợ tôi không hề đay nghiến chửi rủa tôi là đàn ông vô tích sự nên tôi mới có thể ngẩng mặt lên sống tiếp” - anh Tâm, chồng chị Thanh, vui vẻ tiếp lời.

Chị Hoa năm nay đã 52 tuổi cũng có hoàn cảnh thật đặc biệt. Chồng chị làm thợ trang trí nội thất, bị tai nạn lao động nên ở nhà bán tạp hóa trong xóm lao động nghèo thuộc quận 3 (TP.HCM). Ngày trước, trong chuyến công tác về miền Tây, anh Minh gặp chị rồi hai người yêu nhau. Về lại Sài Gòn, anh xin cha mẹ cưới chị. Ngỡ làm dâu thành phố sung sướng, ai ngờ không lâu sau đó chồng lại gặp nạn. Cũng may, gia đình có căn nhà nhỏ ba mẹ để lại, đủ mở quán tạp hóa chi tiêu cho vợ chồng và hai con. Tuy nhiên, để tăng thu nhập, chị nhanh nhẹn lấy chiếc xe gắn máy cũ của chồng ra chạy xe ôm. Ban đầu, chị chỉ chở các chị em trong xóm đi chợ. Dần dần, chị chở luôn cánh đàn ông có nhu cầu đi lại nhưng lười dẫn xe ra đường, ngại kẹt xe, lô cốt... Hỏi có ghen không, anh chỉ cười: “Sống là phải tin nhau. Nếu muốn bỏ tôi, bả đã bỏ lâu rồi, đâu cần chờ đến giờ này có hai mặt con mới bỏ”. “Trong xóm, ai cũng biết mình nên chẳng ai có ý sàm sỡ. Hơn nữa, lấy tôi phải đeo thêm hai đứa con. Tôi làm sao bỏ con theo họ một mình được. Hẳn không ông nào dám đèo bồng đeo mang nhiều vậy” - chỉ Hoa nói vui.

Vì hai chữ hạnh phúc của chồng con, những người phụ nữ không ngần ngại dầm mưa dãi nắng. Và dường như họ đã vô tình tạo nên nét đẹp độc đáo của người phụ nữ Việt Nam.

 NGUYỄN NGỌC HÀ

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 174)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm