Giá xăng lên đỉnh mới: Phải có ngay giải pháp!

(PLO)- Nếu không kịp thời có biện pháp kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu thì hệ quả về mặt lạm phát sẽ rất lớn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm qua (1-6), giá xăng dầu tại Việt Nam tiếp tục tăng lên mốc mới. Theo đó, giá xăng E5 tăng vọt lên 30.230 đồng/lít và xăng A95 tăng lên 31.570 đồng/lít. Đây là lần tăng thứ 11 của mặt hàng này chỉ trong nửa đầu năm nay.

Việc giá xăng dầu liên tục thiết lập đỉnh mới gây thêm khó khăn cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Có thể giảm ngay thuế bảo vệ môi trường

Vấn đề cấp bách lúc này được nhiều ĐB Quốc hội (ĐBQH), chuyên gia đưa ra là phải gấp rút có giải pháp kiềm chế giá xăng dầu. Qua đó tránh để mặt hàng này gây tác động dây chuyền, tiêu cực đến người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế vốn vừa bước ra khỏi đại dịch, cần thời gian để phục hồi.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên lề phiên thảo luận kinh tế - xã hội ở hội trường QH sáng 1-6, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng giải pháp lúc này để kiềm đà tăng của giá xăng dầu nhanh nhất là giảm thuế bảo vệ môi trường.

Từ hôm qua, giá xăng A95 đã tăng lên 31.570 đồng/lít, xăng E5 tăng lên 30.230 đồng/lít. Ảnh: HOÀNG GIANG

Từ hôm qua, giá xăng A95 đã tăng lên 31.570 đồng/lít, xăng E5 tăng lên 30.230 đồng/lít.
Ảnh: HOÀNG GIANG

“Việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chỉ cần làm thủ tục trình Ủy ban Thường vụ QH. Còn Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải làm đầy đủ các bước quy trình, phải đi qua các khâu từ Chính phủ, Ủy ban Kinh tế QH thẩm định…, mất nhiều thời gian và thủ tục” - ĐB Ngân nói.

ĐB Trần Hoàng Ngân cho hay QH đã từng có kỳ họp bất thường để bàn cách thích ứng an toàn với dịch. Do đó, nếu quyết tâm thì vẫn có thể làm theo trình tự rút gọn trình QH lần này để đảm bảo được an sinh xã hội.

“Đời sống của người dân hiện nay vốn đã quá khó khăn do hai năm đại dịch COVID-19. Chúng ta không thể để giá cả tăng lên nữa làm bào mòn đời sống của người dân. Vì vậy, chúng tôi kiên trì kiến nghị vấn đề này từ nhiều ngày qua và hy vọng tiếng nói của nhiều ĐBQH sẽ có hiệu quả” - ông Ngân nhấn mạnh và cho rằng nếu không kịp thời có biện pháp kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu thì hệ quả về mặt lạm phát sẽ rất lớn, phải uống “một liều thuốc rất đắng”. Đó là phải tăng lãi suất, phải thắt chặt chi tiêu ngân sách, thắt chặt đầu tư công, các dự án công trình phải dừng lại…

“Chính phủ nên sớm trình QH, Ủy ban Thường vụ QH giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng. Trong đó, mặt hàng quan trọng nhất là mặt hàng xăng dầu, vì để giá xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến domino các mặt hàng giá cả khác. Thà rằng chúng ta chấp nhận giảm khoản thu ngân sách từ thuế, phí xăng dầu trong hiện tại để có được nguồn thu trong tương lai. Tôi nghĩ là hiện nay chính phủ ở các quốc gia đã triển khai rồi, thậm chí người ta siết luôn giá xăng dầu và chính phủ sẽ bù giá” - ông Ngân cho biết.

Ông Ngân đánh giá tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều thách thức vì giá cả xăng dầu tăng cao, vì vậy cần xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ trong dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, gắn hai biến số quan trọng là giá lương thực và giá xăng dầu. Bởi nếu không hạ nhiệt giá xăng sẽ dẫn đến domino tăng giá ở các mặt hàng khác. “Cần nhanh chóng giảm đầu vào cho doanh nghiệp, kiểm soát giá, kiểm soát tình trạng “té nước theo mưa”, chú trọng bình ổn giá” - ĐB Ngân nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế - TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng giải pháp cấp bách và nhanh nhất lúc này để kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu trong nước là giảm thuế bảo vệ môi trường. Cạnh đó, ông Nghĩa cũng cho rằng cần phải tìm cách tăng nguồn cung xăng dầu để đảm bảo an ninh xăng dầu trong nước.

Phải làm ngay

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho hay nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao thì giải pháp giảm thuế, trong đó có thuế bảo vệ môi trường, cần tiếp tục được tính tới.

Phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội ở hội trường QH cùng ngày, nhiều ĐB tỏ ra sốt ruột với giá xăng dầu và giá cả nhiều mặt hàng leo thang liên tục khiến đất nước có nguy cơ rơi vào đợt lạm phát mới, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân và sản xuất của doanh nghiệp. Vì vậy, các ĐBQH cho rằng cần phải có ngay giải pháp để giúp người dân, doanh nghiệp trụ vững sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

ĐB Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho hay giá xăng dầu tăng đẩy giá các loại hàng hóa khác tăng theo như phân bón, lương thực, thực phẩm, các dịch vụ… “Bốn tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước đã tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,1%. Riêng tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm ngoái, gần gấp hai lần cùng kỳ các năm từ 2018 đến 2021, tạo sức ép lạm phát vào những tháng cuối năm” - ĐB Yến dẫn chứng và đề nghị Chính phủ cần phải đưa ra ngay các chính sách kiểm soát chặt và ổn định giá xăng dầu.

ĐB Siu Hương (Gia Lai) cho hay cử tri phản ánh nhiều về việc giá cả tăng liên tục, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hằng ngày của mỗi gia đình. Giá xăng và nguyên vật liệu đầu vào của hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều tăng làm ảnh hưởng đến triển khai nhiều công trình lớn, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp.

“Số liệu thống kê cũng cho thấy chỉ số giá tiêu dùng gia tăng ở nhiều lĩnh vực sẽ có tác động đến đời sống của người dân. Đề nghị Chính phủ có giải pháp điều chỉnh giá đối với các mặt hàng trên để đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao mức sống của người dân” - ĐB Siu Hương kiến nghị.

Còn ĐB Đinh Ngọc Dung (Hải Dương) thì cảnh báo: “Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ tác động không nhỏ tới tình hình lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới”. Theo đó, ĐB Dung cho rằng phải tính toán giảm một số loại thuế, phí trong giá thành xăng dầu để giảm nguy cơ lạm phát do tác động từ bên ngoài; khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp giảm phụ thuộc nhập khẩu. “Chỉ khi kiểm soát lạm phát mới giúp người dân và doanh nghiệp có thể trụ vững trong bối cảnh hiện nay” - ĐB Dung nhấn mạnh.

Giá xăng lập đỉnh mới: 31.570 đồng/lít

Chiều 1-6, liên bộ Tài chính - Công Thương quyết định tăng giá hàng loạt mặt hàng xăng dầu. Theo đó, xăng A95 tăng 920 đồng, lên 31.570 đồng/lít; xăng E5 tăng 600 đồng, lên 30.230 đồng/lít. Đây là mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay và là đợt tăng thứ năm liên tiếp.

Giá dầu diesel cũng được điều chỉnh tăng 840 đồng/lít, lên 26.390 đồng/lít; dầu hỏa tăng 940 đồng, lên 25.340 đồng/lít; dầu mazut tăng 310 đồng, lên 20.900 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này, cơ quan chức năng chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu ở mức 500 đồng/lít với xăng A95 và 100 đồng với xăng E5. Riêng các mặt hàng dầu không chi từ quỹ bình ổn. Đồng thời cơ quan chức năng ngừng trích Quỹ bình ổn xăng dầu, tăng mức trích quỹ trở lại với mặt hàng dầu diesel lên 100 đồng, dầu mazut lên 300 đồng/kg…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm