Giải mã bức hình gây nhiều tranh cãi nhất về sự kiện 11-9

Trong tấm hình được chụp đúng vào ngày đen tối 11-9-2001 gây xôn dao như luận nước Mỹ cũng như khắp thế giới này, một nhóm người ngồi cười đùa vô sự trong một ngày nắng đẹp tại công viên ở Brooklyn (New York). Ðằng sau họ, ở phía bên kia dòng sông xanh trong vắt, dưới bầu sáng trong, một đám mây khủng khiếp đầy khói bụi bốc lên ngùn ngụt từ phía sau khu hạ Manhattan – đám mây đáng sợ đó không từ đâu khác ngoài chính tòa tháp đôi bị hai chiếc máy bay đâm vào sáng hôm đó. Tòa tháp tưởng chừng như sẽ đứng đó mãi mãi đã sập, kéo theo đó là sự đổ vỡ, chết chóc, khói, lửa, … lấy đi gần 3.000 mạng người. Thậm chí có tới 200 người đã tự lao đầu xuống đất trong lúc vô vọng.

Giải mã bức hình gây nhiều tranh cãi nhất về sự kiện 11-9 ảnh 1

Bức hình gây nhiều tranh cãi của phóng viên ảnh Thomas Hoepker

Mười năm đã trôi qua, bức hình trở thành một trong những bức hình mang tính biểu tượng nhất của thảm họa 11-9, thế nhưng lịch sử của nó rất kỳ lạ và chứa nhiều uẩn khúc. Hoepker - một nhân vật uy tín của Hãng ảnh Magnum - đã lựa chọn không công bố tấm hình vào năm 2001 và cũng loại nó ra khỏi cuốn sách của Magnum tập hợp những ảnh về thảm họa 11-9.

Ðến tận lễ kỷ niệm lần thứ 5 vụ tấn công lịch sử này vào năm 2006, bức hình mới xuất hiện trong cuốn sách và lập tức gây nhiều tranh cãi.

Nhà phê bình Frank Rich – chủ một chuyên mục tờ New York Times đã viết một bài về bức ảnh trên tờ báo này. Frank Rich đã nhìn ra trong bức ảnh chuyển tải nhiều vấn đề không thể chối cãi này, ẩn chứa sự thất bại của nước Mỹ trong việc rút ra một bài học sâu sắc từ sự kiện thảm khốc này để thay đổi cũng như cải tổ quốc gia: "Nhóm thanh niên trong bức ảnh của Hoepker không hẳn đã nhẫn tâm. Họ đơn giản chỉ là người Mỹ".

Nói cách khác, một đất nước tin vào cuộc sống gấp gáp và thực sự đã sống gấp gáp, tận hưởng ánh mặt trời dù cho một cảnh tượng kinh hoàng đang khắc lên những vết sẹo vào ngày đẹp trời ấy.

“Thực ra, 5 thanh niên New York trong bức hình khiến tôi không thể không nghĩ về các nhân vật trong loạt phim hài truyền hình Seinfeld nổi tiếng những năm 1990. Cuối phim, các nhân vật đã bị Luật nhân đạo kết án vì tội không quan tâm đến đồng loại”, nhà phê bình Frank Rich viết.

Quan điểm của Frank Rich lập tức bị nhiều người tranh cãi. Walter Sipser, tự nhận mình là người ngồi phía bên phải trong tấm hình, nói rằng anh và bạn gái tuy trông có vẻ như đang ngồi sưởi nắng trên tường, nhưng thực ra họ đang "trong trạng thái sốc và không thể tin được". Walter và bạn gái cũng phàn nàn rằng Hoepker đã chụp hình họ mà không xin phép, lại còn chuyển tải không đúng về cảm xúc và thái độ của họ.

Thực ra, người ta không thể nào “chụp" được “hình hài” của cảm xúc. Tuy nhiên, 5 năm sau khi bức ảnh xuất hiện, dường như cũng không cần phải tranh cãi về đạo đức của nhóm thanh niên trong hình, về đạo đức của người chụp, hay về quyết định dời ngày công bố nó. Hiện bức hình đã được công nhận là một trong những hình ảnh biểu tượng của ngày đen tối 11-9. Dịp kỷ niệm mười năm ngày Trung tâm Thương mại thế giới bị phá hủy vừa qua, báo Observer Review tái xuất bản bức hình nói trên với tư cách "bức ảnh 11-9".
Theo Đỗ Quyên (NLĐO / Guardian)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm