DỰ THẢO ĐỀ ÁN THI TUYỂN CẠNH TRANH Ở ĐÀ NẴNG

Giải pháp tốt để hạn chế chạy chức

Như đã thông tin, TP Đà Nẵng vừa công bố dự thảo thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt gồm: giám đốc và phó giám đốc các sở; chủ tịch và phó chủ tịch UBND các quận, huyện; giám đốc và phó giám đốc các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND. Tuy nhiên, băn khoăn từ những người trong cuộc cho thấy đề án đang còn lắm “điểm kẹt” cần phải tháo gỡ. Các chuyên gia hành chính đã góp ý thêm cho Đà Nẵng một số hướng giải quyết xoay quanh vấn đề này.

PGS-TS BÙI ĐỨC KHÁNG, Học viện Hành chính (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh):

Xây dựng khung tiêu chí cụ thể

Giải pháp tốt để hạn chế chạy chức ảnh 1
Quyết tâm tiến hành thi tuyển cạnh tranh các chức danh như Đà Nẵng đưa ra là một giải pháp tốt cho công tác tổ chức cán bộ. Điều này sẽ góp phần khắc phục những tiêu cực trong công tác cán bộ hiện nay (con ông cháu cha, chạy chức, chạy quyền) - điều mà Nghị quyết Trung ương 4 xác định là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng chỉnh đốn Đảng. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này thì ban soạn thảo đề án phải giải quyết được một số điểm.

Đầu tiên, đề án cần phải xây dựng được khung tiêu chí cụ thể cho việc thi tuyển cạnh tranh. Trong đó phải định lượng rõ những yêu cầu về phẩm chất chuyên môn, kinh nghiệm quản lý, tính năng động, sáng tạo… Cùng đó, khi đưa ra những chức danh cụ thể để thi tuyển thì phải công khai; cho những ứng viên dự tuyển tiếp xúc cụ thể với tình hình thực tế của cơ quan, địa phương để họ xây dựng và trình bày đề án phát triển nơi mà mình về phụ trách trong tương lai.

Thứ hai, nếu xem đây là giải pháp đột phá thì các cấp lãnh đạo phải đột phá về mặt tư duy và định ra cơ chế để đảm bảo cho giải pháp này được thực hiện và đạt được mục đích. Bản thân cán bộ làm công tác tổ chức cũng như các ứng viên cần phải gạt đi rào cản tâm lý, có như vậy thì mới giải quyết được điểm kẹt “nếu cán bộ trong diện quy hoạch thi rớt thì phải giải quyết sao?”. Theo tôi, lãnh đạo TP phải có những quy định đảm bảo cho việc cán bộ thi rớt vẫn được bố trí sử dụng hợp lý, không có chuyện phân biệt đối xử. Vì rào cản tâm lý hiện nay cho thấy cán bộ ngại tham gia thi tuyển vì lo rằng “lỡ thi rớt” khi quay về cơ quan cũ sẽ bị lời ra tiếng vào. Phải nhìn thấy được điều này để có những quy định mang tính cam kết ngay từ đầu. Còn cán bộ trong diện quy hoạch thì cũng cần xem việc không đậu là chuyện bình thường, mình vẫn còn cơ hội để tiếp tục rèn luyện, trưởng thành và tham gia thi tuyển ở những đợt sau. Có như thế thì họ mới phải phấn đấu hết mình để xứng đáng với sự chọn lựa chứ không phải cho rằng mình đã nằm trong diện quy hoạch thì ăn chắc sẽ được bố trí.

Giải pháp tốt để hạn chế chạy chức ảnh 2

Các thí sinh chuẩn bị vào phòng thi trong một cuộc thi tuyển công chức hành chính tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Một vấn đề nữa mà đề án cần phải cụ thể hóa là lộ trình để cán bộ trúng tuyển chứng minh được năng lực ở vị trí mình đảm trách chứ không phải cứ trúng tuyển thì chắc chắn sẽ ngồi hết nhiệm kỳ. Theo tôi, nên cho một khoảng thời gian nhất định (có thể một hoặc hai năm) để họ hiện thực hóa những gì mà đề án thi tuyển của mình đã đề ra, nếu không đáp ứng được thì có thể bị cách chức. Lúc đó, hội đồng thi tuyển có thể tổ chức thi tuyển tiếp từ nguồn đã có trong cuộc thi tuyển trước đó để rút ngắn thời gian và đảm bảo sàn chất lượng đầu vào.

Chuyên gia hành chính DIỆP VĂN SƠN:

Sàng lọc trước khi thi tuyển

Giải pháp tốt để hạn chế chạy chức ảnh 3

Điều cần hết sức lưu ý là quy chế thi tuyển đưa ra phải hết sức chặt chẽ, khoa học và mang tính khả thi để đảm bảo cho mục đích cần đạt được là chọn đúng người tài phù hợp cho bộ máy và phát huy được năng lực ấy trong thực tiễn. Có một số lưu ý:

Thứ nhất, việc mở rộng đối tượng bên ngoài (người ở ngoài ngành, địa phương khác...) sẽ đáp ứng được tiêu chí cạnh tranh nhưng sẽ gây khó khăn trong công tác tổ chức thi tuyển. Khả năng đầu vào sẽ đông và phân tầng chất lượng. Chính vì thế có thể phải tiến hành một bước xét tuyển trước khi thi tuyển. Mặt khác, với các chức danh trưởng các đơn vị sự nghiệp hoặc phó ở các cơ quan chính quyền thì việc mở rộng đối tượng để tìm kiếm người giỏi về trình độ chuyên môn; nhưng với các chức danh đứng đầu cơ quan chính quyền thì phải lưu tâm về mặt đối tượng đầu vào để bảo đảm tính hệ thống của công tác tổ chức và quản lý cán bộ.

Với việc tổ chức thi tuyển, phải hình thành một hội đồng đảm bảo tính khách quan và có kinh nghiệm vì hội đồng ấy phải cân nhắc đến yếu tố tài năng và khả năng thực tiễn. Chẳng hạn với hai bài thi có điểm 8 và 9, có khi phải chọn người 8 điểm vì họ có tài quản lý hơn người 9 điểm. Nên nhớ đây là tìm kiếm cán bộ tài năng làm công tác quản lý (chức danh đứng đầu) cho bộ máy nhà nước chứ không chỉ đơn thuần là những người giỏi về mặt lý thuyết quản lý.

Để xử lý trường hợp cán bộ trong diện quy hoạch thi rớt, ở đây cần phải áp dụng quy hoạch động chứ không chỉ bó hẹp trong một số ít nào đó. Điều này hiện nay đã có chủ trương mở để thực hiện. Tuy nhiên, để giải quyết được vấn đề về tổ chức cũng như tâm lý, thiết nghĩ nên tổ chức việc thi tuyển trước khi đại hội đảng các cấp diễn ra, xem việc thi tuyển này như là một “lá phiếu” tín nhiệm quan trọng cho việc bầu vào cấp ủy. Điều này là để dự phòng khả năng khó xử lý có thể xảy ra là một ông là ủy viên nào đó thi tuyển rớt lại phải nằm dưới sự lãnh đạo của một ông không phải là ủy viên.

Đề án của Đà Nẵng đưa ra hướng có thể thi tuyển cạnh tranh cả những chức danh chủ tịch và phó chủ tịch quận, huyện. Theo PGS-TS Bùi Đức Kháng, hiện Đà Nẵng đang thí điểm việc không tổ chức HĐND ở cấp quận, huyện, phường cho nên các chức danh đứng đầu ở những cấp này là do lãnh đạo cấp trên bổ nhiệm. Vậy thay vì cơ chế bổ nhiệm thì có thể chọn cơ chế thi tuyển cạnh tranh để tìm kiếm người tài cho địa phương. Điều này nằm trong quyền hạn quyết định của lãnh đạo TP. Tuy nhiên, ông Kháng cũng lưu ý với những vị trí đứng đầu chính quyền thì phải có quy định chặt chẽ hơn với đối tượng đầu vào.

Trong khi đó, chuyên gia Diệp Văn Sơn lại cho rằng việc thí điểm hiện nay chưa kết thúc, các hành lang pháp lý liên quan chưa được sửa đổi một cách có hệ thống. Vì thế Đà Nẵng cần phải xin cơ chế riêng ở trung ương thì mới có thể thực hiện được.

MINH CƯỜNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm