Bạn văn thương tiếc nhà thơ Đoàn Vị Thượng

Nhiều bạn thơ như nhà thơ Vũ Trọng Quang, Nguyễn Đăng Trình, Phùng Hiệu... đến nhà văn Trần Nhã Thụy, nhà báo Hoàng Công Chương cùng nhiều độc giả ái mộ... tiếc nuối khi nhà thơ Đoàn Vị Thượng trở về miền tiêu diêu.

PLO xin trích đăng những dòng tâm tưởng, chia sẻ về sự ra đi của nhà thơ Đoàn Vị Thượng trên trang cá nhân, Fanpage Đoàn Vị Thượng & Bạn Bè và trang cá nhân của nhà thơ Từ Nguyên Thạch (anh ruột nhà thơ Đoàn Vị Thượng).

Bạn văn thương tiếc nhà thơ Đoàn Vị Thượng ảnh 1

Chỗ của THƯỢNG - Vũ Trọng Quang
Chỗ của Thượng, chỗ nằm của Thượng, chỗ ngồi của Thượng khi những thân mật đến thăm; khuôn mặt trắng do ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong ngôi nhà cha mạ, nhưng thơ Đoàn Vị Thượng & thơ vẫn tràn bờ ban mai; từ nơi chốn, song thân & gia đình, học đường (thầy và học trò), bạn bè đến tình yêu (có thể có bất trắc, có thể oán trách nhẹ, nhưng câu chữ vẫn là cõi riêng). Thơ Thượng hồn nhiên và gần như không bạo liệt, nếu có chỉ là “bạo liệt mỏng”:
Hỡi nghìn chiếc lá xôn xao
Nhìn anh có giống thuở nào Adam
Và khi lá trải nệm vàng
Nhìn em có giống như nàng Eva
(Một hôm nằm cạnh bên người)
Viết về mạ da diết khôn xiết:
Tuổi con gái, mạ từng uống nước sông
Đến bây giờ giọng Huế nghe còn ướt
Giọng Huế nghe còn một chút gì trong
Bao cay đắng pha vào chưa đục được
(Giọng Huế của mạ)
Viết về cha ít hơn viết cho mạ, đọc nao lòng rung rưng:
Cha đâu phải người đứt ruột sinh ra
Nhưng chính bởi mẹ đau mà cha đau hơn mẹ
(Cha)
Viết về con trai một tình thương vô bờ:
Bồng con đi lạc
Tóc dạt gió lêu
Tay ôm vừa trẻ
Tay thừa tình yêu
(Bồng con ra ngõ)
Về tình yêu thất bại nhưng không ủy mị:
Xin lỗi em, vì một lý do nào
Em sẽ chẳng dừng chân nơi tôi đang đứng đợi
Thì lúc ấy - Vẫn xôn xao lá mới
Hàng cây kia đang hồi hợp ngóng chờ
Cây thẳng thắn chưa tin điều phản bội
(Xin lỗi em)
Viết về “chiến hữu”:
Con bống sông Trà gầy bé lắm
Chết còn mở mắt tiếc đường bơi
Bạn mỏi chân đời trong quán vắng
Tấm lòng còn sủi bọt bia hơn
(Gặp bạn đồng hương ở Sài Gòn)

Đoàn Vị Thượng ‘lạ mặt vẫn là anh em’ - ảnh 8

Tập thơ Đoàn Vị Thượng - Thơ. Đây là tập thơ cuối cùng ra mắt trước khi nhà thơ Đoàn Vị Thượng về cõi tiêu diêu.

Trời ơi! Tôi là người khoái khẩu cá bống Trà kho tộ, nhưng đọc câu thơ lại thương cá bống lạ lùng, nên ngài ngại làm sao?
Thượng ngồi dậy từ chỗ nằm, từ đôi bàn tay của bào huynh Từ Nguyên Thạch thường trực túc trực, bạn bè xung quanh cảm đông; tác giả của Bụi Phấn rạng rỡ cười vui bụi phấn bay, như thơ được âm nhạc chấp cánh bay, như lan tỏa từ trong lớp học đến tình thân những người bạn thiết, như ánh sáng trong giấc mơ:
Trong giấc mơ tôi viên phấn hằng đêm vạch sáng những hành trình.
Thượng ngồi đó, thơ Đoàn Vị Thượng vẫn “vạch sáng những những hành trình” với phong cách “văn tức người” riêng biệt, trong tập thơ có những bài được chỉnh sửa đôi chút nhưng dáng vẻ vẫn là một cuộc hành trình.
Thơ Đoàn Vị Thượng trải dài nơi chốn, Huế vào ngụ cư Phan Thiết, sâu đậm Qủang Ngãi, thường trú Sài Thành đô hội, di chuyển nơi chốn nhưng không lưu vong, mà luôn nhớ về:
Kìa em, Huế đứng-là nhà
Huế nằm-là nước, chảy qua dưới cầu
Chiều cao nhập với chiều sâu
Huế bình thản trước mưa Ngâu nắng hè
(Những ngày trở lại Huế)
Lang thang xa Quảng, xa trăng Quảng
Biền biệt hàng cây quốc lộ dài
Trăng khuyết xuôi rồi trăng khuyết ngược
…Cảm động thấy trăng vành vạch mãi
Tráng giữa lòng tôi một lớp vàng
(Mười năm, Quảng Ngãi và trăng)
Rất chắc là tôi đi rón rén
Rồi con còng gió có hai càng
Có khi như trẻ, tôi ù chạy
Thẳng từ Phan Thiết đến Phan Rang
(Mơ mộng Phan Thiết)

Bạn văn thương tiếc nhà thơ Đoàn Vị Thượng ảnh 3

Với Sài Gòn là nơi chốn ở lại và làm việc, nhưng rất ít nhắc trong thơ, hay là thời gian ở nơi này để mãi mãi nhớ về những nơi kia:
Ta cũng chẳng có gì giúp bạn
Đem thơ Nguyễn Vỹ đọc làm quà
Dẫu hay thế giới đang gần lại
Quảng Ngãi muôn trùng vẫn cách xa
(Gap bạn đồng hương ở Sài Gòn)
Gấp cuốn sách lại, vừa ở chỗ ngồi của Thượng vừa cáo từ, chạy theo là những lời đằm thắm của một nhà giáo, những chữ dịu dàng của một nhà thơ. Vẫy tay chào ra về, buổi chiều xuống ươm vàng trên lối đi.
Bây giờ Thượng đã ra đi.
Những câu thơ như dự báo:
Khi vùi mình xuống đất đen
Mộ phần tôi sẽ đắp thêm đường dài
Hãy yên nghỉ nghe Thượng, Bụi Phấn sẽ vùi mình vào Cát Bụi".

Bạn văn thương tiếc nhà thơ Đoàn Vị Thượng ảnh 4

Nhà thơ Nguyên Hùng chia sẻ kỷ niệm: Đoàn Vị Thượng từng xúi tôi in thơ

Tôi quen biết các nhà báo Lê Du, Đoàn Vị Thượng từ năm 2006, khi tôi là cộng tác viên mảng biên dịch của tạp chí Tài Hoa Trẻ lúc đó do nhà thơ Vũ Xuân Hương làm Trưởng ban biên tập. Thời gian này, tôi góp mặt trên Tài Hoa Trẻ bằng loạt bài giới thiệu các chân dung nhà thơ Nga và các bản dịch thơ Nga tại mục “Chân trời văn học”, chỉ thi thoảng mới đăng vài bài thơ.
Chơi với nhau một thời gian, các nhà thơ Đoàn Vị Thượng và Trương Nam Hương mấy lần cứ “xúi” tôi in thơ; và giữa năm 2007 thì tập thơ đầu tay là “Cánh buồm thao thức” ra đời.
Trương Nam Hương duyệt qua bản thảo, gợi ý lược bỏ vài bài và “gà” cho vài cái tựa rồi giao việc viết bài giới thiệu cho Đoàn Vị Thượng. Tập thơ thoạt tiên được lấy tựa là “Biển và em” theo tên một bài thơ trong tập, nhưng sau đó tôi đã tìm ra “Cánh buồm thao thức” để thay thế.
Đoàn Vị Thượng là nhà thơ tài hoa, được độc giả thơ yêu quý từ rất nhiều năm trước. Anh đồng thời là một biên tập viên giỏi, có thái độ làm báo rất nghiêm túc, chu đáo; dù là người ham vui, nhưng khi đang chuẩn bị cho số tạp chí hay số báo mới, bạn bè có rủ rê mấy anh cũng không chịu rời khỏi bàn biên tập. Anh cũng là người rất ít nghĩ về mình, mấy lần chúng tôi đề nghị anh tập hợp thơ để bạn bè hỗ trợ in ấn, anh đều lờ đi…
Hôm nay chúng tôi vừa đến thắp nén nhang vĩnh biệt Thượng, thay vì đến thăm lại và đọc thơ cho anh nghe như mới hai chục ngày trước. Thương bạn thật nhiều và không thể không nhắc tới bài viết mà bạn đã viết cho tập thơ đầu tay của tôi!".

Bạn văn thương tiếc nhà thơ Đoàn Vị Thượng ảnh 5

Trang cá nhân nhà thơ Nguyễn Đăng Trình.

Bạn văn thương tiếc nhà thơ Đoàn Vị Thượng ảnh 6

Thủ bút của Đoàn Vị Thượng và chữ ký của bạn hữu văn nghệ Sài Gòn. (Sưu tập của Trần Nhã Thụy).

Bạn văn thương tiếc nhà thơ Đoàn Vị Thượng ảnh 7

Trang cá nhân nhà thơ Phùng Hiệu

Bạn văn thương tiếc nhà thơ Đoàn Vị Thượng ảnh 8

Trang cá nhân nhà báo Lê Công Sơn.

Bạn văn thương tiếc nhà thơ Đoàn Vị Thượng ảnh 9
Trang cá nhân nhà báo Hoàng Công Chương.

Một số hình ảnh kỷ niệm của bạn thơ với nhà thơ Đoàn Vị Thượng:

Bạn văn thương tiếc nhà thơ Đoàn Vị Thượng ảnh 10

Nhà thơ, nhà báo Đoàn Vị Thượng trong một chuyến công tác thiện nguyện "Tiếp sức đến trường" của Báo Giáo dục & Thời đại. Ảnh: GD&TĐ

Đoàn Vị Thượng ‘lạ mặt vẫn là anh em’ - ảnh 4

Hai câu thơ ở bìa 4 tập thơ Đoàn Vị Thượng - Thơ.

Đoàn Vị Thượng ‘lạ mặt vẫn là anh em’ - ảnh 6

Những người bạn, đồng nghiệp chung tay góp sức in tập thơ 'Đoàn Vị Thượng -Thơ'. Từ trái sang: Nhà thơ Vũ Trọng Quang, nhà thơ Đoàn Vị Thượng, nhà văn Trần Nhã Thụy, nhà thơ Phạm Thanh Chương, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và nhà thơ Lâm Xuân Thi. Ảnh: FB Đoàn Vị Thượng & Bạn bè

Bạn văn thương tiếc nhà thơ Đoàn Vị Thượng ảnh 13

Từ trái sang: Nhà thơ Vũ Ngọc Giao, Trần Viết Dũng & Đoàn Vị Thượng.

Bạn văn thương tiếc nhà thơ Đoàn Vị Thượng ảnh 14

Theo nhà báo Hoàng Công Chương: Bức ảnh là dịp tờ Tài Hoa Trẻ phát hành số 1.000 nên các anh Trần Quốc Toàn, Bùi Đức Ánh, Nguyên Hùng, Phạm Đức Mạnh... mời làm vài cốc bia.

Bạn văn thương tiếc nhà thơ Đoàn Vị Thượng ảnh 15

Tác giả Đoàn Vị Thượng với Quang Đẩu, Đoàn Đình Thạch, Nguyễn Minh Sơn và Thọ Trung tại tệ xá đón năm mới 2018.

Đoàn Vị Thượng ‘lạ mặt vẫn là anh em’ - ảnh 1

Bạn văn thương tiếc nhà thơ Đoàn Vị Thượng ảnh 17

Buổi ra mắt tập thơ cuối cùng của nhà thơ Đoàn Vị Thượng ngày 30-12-2020 đầy xúc động: Ảnh: QUỲNH TRÂN

Bạn văn thương tiếc nhà thơ Đoàn Vị Thượng ảnh 18

Nhà thơ Đoàn Vị Thượng (1959-2021)

Linh cữu nhà thơ, nhà giáo, nhà báo Đoàn Vị Thượng đang quàn tại nhà riêng số 41/9 Trần Kế Xương, phường 7, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Theo Cáo phó, lễ viếng nhà thơ Đoàn Vị Thượng bắt đầu lúc 20h30 ngày 16-2 (mùng 5 tết) đến 6 giờ sáng mùng 8 Tết (19-2). Sau đó sẽ đưa linh cữu nhà thơ Đoàn Vị Thượng đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa (TP.HCM).

Tang chủ xin miễn chấp điếu và miễn lễ vật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm