Pháp Hải đại sư: Phật cao một thước, Ma cao một trượng

Nhân vật phản diện xuất thân từ nhà Phật

"Truyền thuyết Bạch Xà" là một trong những truyền thuyết cổ xưa còn lưu truyền rộng rãi trong ngày nay. Trên phim ảnh, có nhiều bản thể khác nhau về hai chị em Thanh Xà - Bạch Xà, Hứa Tiên và đại sư Pháp Hải, nhiều hơn cả số bản thể truyện cổ.

Sở dĩ nhiều phiên bản là vì chuyện tình giữa người và yêu của Hứa Tiên và Bạch Xà cách trở không chỉ bởi phạm giới mà còn do sự thiếu quyết đoán và nông nổi. Riêng đại sư Pháp Hải là nhân vật trực tiếp ly gián hai người trong chuyện cổ, trong văn tự lưu truyền ở đời Minh, ông được miêu tả không khác gì vai phản diện, kết quả bị nhốt trong mai cua triền kiếp.

Tạo hình đại sư Pháp Hải giỏi võ nghệ, phục yêu trừ ma trên các bộ phim

Dưới góc nhìn điện ảnh, khán giả có thể chứng kiến bước đường của vị đại sư này toàn vẹn hơn. Có phim minh oan cho ông, có phim lý giải thiện chí của ông là một loại cố chấp bị biến chất thành tâm ma, có phim thấu hiểu triết lý nhà Phật để nhìn thấu một chặng đường giác ngộ. Nên nhớ rằng Pháp Hải đại sư là một phần không thể thiếu của "Truyền thuyết Bạch Xà", là người tạo nên sóng gió để tình cảm đôi lứa thêm bền chặt, sự xuất hiện của ông ấy đều có nguyên do của nó.

Truyện chi tiết nhất về Pháp Hải được lưu truyền trong triều đại nhà Đường. Ông vốn xuất thân trong dòng dõi quý tộc, tướng mạo tuấn tú lại học hành giỏi giang. Tương lai đầy hứa hẹn nhưng ông lại được tiên tri chỉ mệnh phải sớm bước tu hành, lấy tên Pháp Hải. Tại tu viện, ông bắt đầu nảy sinh tính hơn thua thiệt hơn, hỏi rằng: Sao ông phải gánh nước và củi lên núi mỗi ngày cho 500 thiền sư?

Phải hiểu rằng bất cứ vĩ nhân nào cũng xuất thân phàm tục, Pháp Hải ngoài bản chất lương thiện cũng phải vượt qua từng tính xấu của mình để thoát tục.

Phật cao một thước, Ma cao một trượng

Trước lúc giác ngộ, Pháp Hải là kẻ cố chấp đi theo lý tưởng của mình. Đối diện yêu khí của ma quỷ, ông tìm mọi cách để tiêu diệt chúng bất luận tốt xấu. Như Bạch Xà là kiểu yêu quái tốt nhưng người cô ta yêu là Hứa Tiên lại hoảng hồn khi biết thân phận thật của cô, Pháp Hải liền dụ dỗ Hứa Tiên để hợp sức tiêu diệt. Như vậy việc có ý tốt của vị sư này hóa ra lại rất xấu.

Nhân gian có câu "Phật cao một thước, Ma cao một trượng" là để nói về cuộc chiến tinh thần giữa Phật và Ma Vương, kẻ luôn tìm cách ngăn cản con đường đắc đạo của Phật. Phật và Ma luôn song hành chính là thế.

Liên hệ với hình tượng sư Pháp Hải, tâm ma của ông hình thành ngay trên thiện lý của ông. Ông càng đeo đuổi cái lý này một cách bất chấp, ông càng xa rời khỏi nó. Điều khiến một người tốt biến chất thành kẻ ác là hắn ta chỉ nhìn một hướng và không chịu nhìn vào một chút lỗi sai của mình. Bộ phim 'Bạch Xà Truyền Thuyết' (2011) đã đẩy hình tượng này đến tận cùng.

Thanh Xà và Ngũ ấm ma

Phiên bản truyền hình 'Thanh Xà Ngoại Truyện' (2001) do Singapore sản xuất dựa theo nguyên mẫu hư cấu mối tình của Thanh Xà dành cho Pháp Hải trong phim điện ảnh 'Thanh Xà Bạch Xà' (1993). Bộ phim đó vẫn dựa trên đường dây chính là câu chuyện tình gian khổ giữa Hứa Tiên và Bạch Xà nhưng ấn tượng hơn cả chuyện Thanh Xà và Pháp Hải.

Sau khi học thiền định trở về quê nhà, Pháp Hải (lúc này là Niêu công tử) gặp Thanh Xà nhưng lúc này pháp lực chưa đủ nhận ra cô là yêu quái. Thanh Xà thấy Niêu công tử hiền lành, tuấn tú liền sinh tình cảm, dụ dỗ anh phạm quy và bỏ đạo. Pháp Hải vì tin tưởng người tình mà hại chết sư phụ, sau khi nhận ra sai lầm, anh đau khổ, giận dữ và xem Thanh Xà như mối hận khó bỏ. Ngược lại, Thanh Xà ngày đêm khiêu khích, hạ nhục tư cách đại sư của Pháp Hải.

Họ ra sức dày vò nhau bằng nỗi đau thể xác và hạ nhục danh phẩm. Pháp Hải cưỡng hôn Thanh Xà và chê mùi miệng yêu tinh hôi thối, anh cũng nói rằng ngày nào cô ấy còn hạ thấp anh, anh ta sẽ sống theo đúng cách đó. Thanh Xà thực ra đã không còn nỗi đau bị lừa dối, mà cô ấy là vết nhơ trên danh phẩm của Pháp Hải, kẻ anh ta phải quyết thắng và một phần ngũ ấm ma đeo bám anh ta.

Ngũ ấm ma là 5 thứ tác động lên tâm chúng ta, làm chúng ta không thanh tịnh; đó là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Cái ngày Niêu công tử ra lệnh hành quyết mẹ ruột vì những tội lỗi của bà, Thanh Xà đã bên anh và nói những lời khiến anh phân vân suy nghĩ: bà ấy không giết người đó nhưng bà ấy đã hại chết nhiều người khác.

Ngũ ấm ma lúc này trong thâm tâm phát dậy nhiều nhất: Anh suy tính hơn thua giữa tội ác kinh hoàng của mẹ và nỗi oan bà phải chịu đựng; anh ôm khư khư mối thù xưa mà bỏ qua một bên công lý ở hiện tại; nhiều luồng tư tưởng ập tới như sóng đánh. Những thứ uẩn ma này làm tâm một thiền sư như anh động không ngừng, cản trở thế vững tu hành. Ngay sau đó, Thanh Xà để lại vết nhơ trên danh phẩm của Pháp Hải, anh ta không thể ngừng nhìn thấy thứ sắc ma này và cuối cùng chuyện trừ yêu (bắt giữ Thanh Xà) biến chất thành cuộc chiến cá nhân.

Muốn thắng tà (động) thì tâm phải tĩnh

Đòn tấn công mạnh nhất của Thanh Xà là khi cô quyết đem tất cả yêu khí để phá hủy cuộc sống hàng nghìn người dân. Pháp Hải bất lực và tuyệt vọng cùng cực, chỉ đến lúc này, anh mới nhận thấy hai chữ "từ bi" trong trang kinh Phật bị chính mình xé tan vẫn ở đấy. Hai chữ từ bi dịu đi cơn đau và anh bắt đầu ngộ ra chân lý. Cái ngày Pháp Hải tha thứ mọi lỗi lầm cho Thanh Xà cũng là ngày cô ấy không thể đánh bại anh.

Nhà Phật có câu: "Sắc sắc không không". Phải một người trải qua nhiều kiếp nạn như thế mới hiểu được giá trị của tính thiện. Bộ phim này đã tạo ra biết bao cửa ải cho Pháp Hải để anh ta vượt qua và đắc đạo. Đây gọi là: Ma cao một thước, Phật cao hơn một trượng!

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

(PLO)- Ngay sau thông báo về đợt casting, Nhanh như chớp nhí mùa 5 đã nhận được sự chờ đón nồng nhiệt từ quý khán giả, đặc biệt là từ các bậc phụ huynh có con nhỏ trong lứa tuổi tham gia chương trình.