Lá thư “Mẹ kính yêu’ trong thi hài liệt sỹ

Chương trình sẽ kể cho khán giả VTV nghe nhiều câu chuyện tình yêu và sự chờ đợi.

Đó là câu chuyện cũ, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn được điều về khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Quân y 175 để chi viện cho chiến trường biên giới Tây Nam. Những ngày đó, nơi đây thường xuyên đón nhận những thương binh nặng ở chiến trường gửi về. Mỗi khi một chiếc xe hoặc chuyến bay từ chiến trường có khoảng 60 - 70 chiến sĩ bị thương nặng phải cấp cứu.

Anh và các đồng nghiệp đã dốc lòng dốc sức, phẫu thuật ngày đêm để mong cứu sống đồng đội nhưng hàng ngàn liệt sĩ đã hi sinh do vết thương quá nặng. Bệnh viện có lúc quá tải ngay cả với những tử thi.

Còn ở biên giới phía Bắc, trong một trận đánh ác liệt vào tháng 5-1984 ở Vị Xuyên, Hà Giang, nhạc sĩ Trương Quý Hải kể: “Hàng trăm đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống. Tôi và các chiến sĩ đã tẩm liệm các anh và tình cờ tôi bắt gặp trong túi áo của một đồng đội đã hy sinh, bức thư viết trên vỏ bao thuốc lá Sa Pa ướt đẫm, màu mực Cửu Long và máu nhòe vào nhau, chỉ còn ba chữ “Mẹ kính yêu”. Đêm đó, chúng tôi hát cho đồng đội nghe, không đàn, không đèn, không giấy, bút… Đó là cảm hứng để sau này nhạc sĩ sáng tác bài “Thư về với mẹ””.

Các khách mời trong Quán thanh xuân số 4. 

"Ngày mai anh lên đường" còn cho khán giả của Quán thanh xuân biết về những mối tình sinh viên khi vào mặt trận Quảng Trị, đặc biệt là mối tình của những chàng trai Hà thành hào hoa giữa chiến trường khốc liệt. Có những chàng lính trẻ chưa có người yêu, nhưng vẫn có những lá thư tình dành cho những người đẹp trong tâm tưởng. Có những sinh viên mang theo sách vào chiến trường vì nghĩ sẽ nhanh chóng quay lại giảng đường.

Có những sinh viên ĐH Tổng hợp TP.HCM trước khi lên đường - gửi lại sách vở cho bạn bè chép lại bài giảng nhưng rất nhiều người đã không về. Trong đám tang, thay vì mang hoa, bạn bè mang sách vở đến và đặt lên bàn thờ của người không về. Tình yêu của nữ sinh Sài Gòn với những người lên đường nhập ngũ được họ miêu tả trong những lá thư.

Cho dù xa cách nhưng vượt qua cách trở địa lý, người đi xa vẫn thấy “thành phố” nhớ thương mình, hai tâm hồn dù chia xa vẫn gần nhau. Có rất nhiều gia đình "lính toàn tòng" và tiếp tục gìn giữ “Tổ quốc - truyền đi tình yêu nước cho thế hệ con cháu. Lớp cha trước, lớp con sau. Đã thành người lính, chung câu quân hành” (thơ Nguyễn Duy).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm