Người xưa ‘chỉ bệnh’ thói hư tật xấu của người Việt

Phàm đã là người sống ở đời, ai mà chẳng sính cầu được lời khen của thiên hạ, mật ngọt thì lọt lỗ tai mà. Mấy ai chịu nghe lời chê, phê bình của người dành cho mình dù đó là “thuốc đắng dã tật”.

Thế nên không phải vô lý mà nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo Tiền Phong ngày 21-9-2006 đã thẳng thắn: “Thói xấu lớn nhất của người Việt là rất sợ nói về thói xấu của mình”.

Và cũng bởi trăn trở về những thói hư tật xấu của dân ta, mà nhà nghiên cứu họ Vương trong quá trình nghiên cứu văn hóa của mình, đã lần về với những lời dạy, những chiêm nghiệm của người xưa về người mình, về tính cách dân mình.

Để rồi qua sách báo đầu thế kỷ XX, qua lời những nhà văn hóa lớn, những ký giả tâm huyết dạo ấy, ông đã sưu tầm, tuyển chọn và hợp nên một đề tài lý thú mà cũng là gan cùng mình “Người xưa cảnh tỉnh - Thói hư tật xấu của người Việt trong con mắt các nhà trí thức nửa đầu thế kỷ XX” để qua đó, dựng lại chân dung “người Việt xấu xí” ở trên đủ mọi phương diện.

Làm việc ấy, không phải là để “vạch áo cho người xem lưng”. Cao hơn hết, là bắt bệnh mình, xét tật mình để từ đó mà biết, mà tránh, mà loại bỏ nó cho tấn tới trong tương lai. Đó chẳng phải là việc hay ư!

Lần giở những trang sách trong Người xưa cảnh tỉnh, ta có thể bắt gặp chính mình, hoặc nghĩ tới ai đó với những trường hợp tương ứng.

Đó có thể là lối ăn ở luộm thuộm, nhếch nhác mà cụ Phan Kế Bính từng phê bình trong “Việt Nam phong tục”: “Trong nhà không mấy nhà phân biệt phòng nào là phòng ăn, phòng nào là phòng ngủ, chỗ nào là chỗ làm việc, chỗ nào là chỗ ngồi chơi. Nhà nào cũng chỉ thấy bày la liệt những ghế những bàn, những giường những phản, có khi ăn ở đấy ngủ ở đấy, làm việc ngồi chơi cũng ở đấy”.

Hoặc trong giới trí thức, quan lại thì cái tư tưởng “một người làm quan một nhà có phước” thâm căn cố đế vẫn còn in đậm đến nỗi cụ Phan Châu Trinh đã phải thốt lên qua bài “Đạo đức và luân lý Đông Tây”: “dầu tham dầu nhũng, dầu vơ vét dầu rút tỉa của dân thế nào cũng không ai phẩm bình; dầu lấy của dân mua vườn sắm ruộng, xây nhà làm cửa cũng không ai chê bai. Người ngoài thì khen đắc thời, người nhà thì dựa hơi quan”.

Mấy dẫn chứng trên chỉ là vài cái thói hư tật xấu nhỏ lẻ mà Vương Trí Nhàn mượn lời người xưa dẫn ra.

Còn bao nhiêu bệnh khác nữa khắp đủ mọi lĩnh vực từ sinh hoạt đến tệ nạn xã hội, từ ý thức đến giáo dục, từ quan đến dân,… qua lời của những học giả, nhà văn hóa, ký giả như Nguyễn Văn Tố (bài Thiếu tinh thần cầu học); Trần Chánh Chiếu (bài Ăn xổi ở thì, chưa lo làm đã lo phá); Phan Khôi (Khiêm nhường giả, kiêu căng thật)… khiến ta phải nhìn lại mình.

Thói hư tật xấu của người Việt xưa. Ảnh Tư liệu

Đọc mỗi bài viết, mỗi ý kiến của tiền nhân bắt bệnh thói xấu của dân mình, dù là đầu thế kỷ XX đấy, nhưng cho đến nay, những hủ lậu ấy vẫn còn tồn tại không dễ mất đi ngày một, ngày hai.

Dẫu sao, tự mình bắt bệnh mình, chê bai mình, chính là cầu cho ở nơi mình có được sự tiến bộ nay mai. Nên với “Người xưa cảnh tỉnh”, là một “liều thuốc đắng” những mong góp phần gột rửa những thói hư tật xấu ở đời.

Đó là điều nên làm lắm, vì như nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh trong phần Tổng thuật và luận giải ở sách này đã kết luận: “… công cuộc cải tạo văn hóa thông qua quá trình giáo dục công dân là một quá trình của lượng biến thành chất, đòi hỏi thời gian lâu dài.

Để có được bước đột phá, nhằm thúc đẩy nhanh các quá trình thực hiện, điều kiện tiên quyết vẫn là phải can đảm thừa nhận các thói xấu/khuyết tật và trung thực chỉ ra những sự thật nào là nguyên nhân cơ bản làm phát sinh ra chúng”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm