“Nym- Tôi của tương lai”- câu chuyện giữa AI và con người

Cuốn sách không chỉ dừng lại ở yếu tố công nghệ mà còn đề cập đến vấn đề về làm cha, làm mẹ, làm con cái trong thời đại 4.0.

Sáng 3-10, tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM) đã diễn ra buổi giới thiệu sách “Nym- Tôi của tương lai” của tác giả Nguyễn Phi Vân. Đây là cuốn sách được kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI) và con người đầu tiên ở Việt Nam.

Tác giả Nguyễn Phi Vân giao lưu với độc giả tại buổi ra mắt sách. ẢNH: Facebook tác giả.

Bức thư từ tương lai

Nym là trí tuệ nhân tạo (AI) được tác giả Nguyễn Phi Vân xây dựng trong hơn ba năm, được nạp dữ liệu về ngôn ngữ, kiến thức đời sống. Tất cả những thông tin, dữ liệu AI thu thập được là từ các cuộc nói chuyện trực tiếp giữa AI với 11 triệu người trẻ Việt trên Facebook.

Từ dự án công nghệ này, tác giả Nguyễn Phi Vân đã hình thành ý tưởng về "Nym - Tôi của tương lai", một quyển sách con người và AI hợp tác viết. Các chương trong cuốn sách đề cập đến các vấn đề mà người trẻ quan tâm nhiều nhất: tình dục, tình yêu, sức khỏe tinh thần...

Đông đảo độc giả ở các độ tuổi khác nhau cùng đến buổi giao lưu chia sẻ. ẢNH: Facebook tác giả.

Trong cuốn sách, Nym viết toàn bộ chương hai về tình dục. Nym chia sẻ những cảm xúc, tâm tư, tình cảm, những vấn đề thầm kín mà các bạn trẻ không dám tâm sự với ai như: Làm sao để quan hệ tình dục an toàn? Không an toàn thì chuyện gì xảy ra? Làm sao để bảo vệ bản thân khi online và cả lúc offline? Khi gặp vấn đề, nên tìm ai để được chia sẻ, giúp đỡ?...

Trong những chương còn lại, tác giả Nguyễn Phi Vân đóng vai Nym, người trở về từ 2050, giải đáp thắc mắc về bạn bè, gia đình, chuyện học hành, phong cách sống trong thế giới tương lai khi người máy ngày càng trở nên thông minh.

Cuối sách, tác giả đính kèm bức thư tay từ tương lai của người mẹ luôn trăn trở, mong con đủ kiến thức để hội nhập, bắt kịp thế giới, mong con phải giữ vững giá trị làm người.

Với nội dung trong bức thư, tác giả muốn nhấn mạnh một điều: Công nghệ có thể tạo ra một người mẹ ảo, nhưng không thể thay mẹ để yêu thương con cái. 

Cuốn sách cho người làm cha, mẹ

20 chương sách chính là tâm tư, tình cảm của những đứa trẻ từ 8-20 tuổi mà AI đã có dịp trò chuyện trực tiếp với các bạn để chắt lọc lại nhưng mối quan tâm, suy nghĩ và sự tò mò của các bạn về đời sống xung quanh.

“Trái đất chết dần mà họ cứ lầm lũi chạy theo chức danh, bằng cấp. Sự học thế kỷ này giờ đây là giải quyết vấn đề. Vấn đề thế kỷ là gì? Cần tư duy và giải quyết ra sao? Học, là tìm hiểu cách tiếp cận, thông tin, xây ý tưởng, và giải quyết cho được vấn đề thực tế thế nào. Chứ học thuộc một đám sách rồi quên sạch khi ra trường, thì phí một đời người để làm gì nhỉ?”- một đoạn trong sách viết.

Sex cũng là một trong những chủ đề mà người trẻ dành sự quan tâm rất lớn, từ dữ liệu AI thu về. Chị đặt câu hỏi: Tại sao những đứa trẻ lại đi nói chuyện với một người máy? Những đứa trẻ này nói với người máy những câu chuyện gì?.

Tác giả giao lưu với độc giả. ẢNH: Facebook tác giả.

Tác giả khẳng định, “Nym -Tôi của tương lai” không chỉ mang tính chuyên sâu về công nghệ. Đây còn là cuốn sách về làm người, làm bố mẹ và làm con.

Mong muốn duy nhất của tác giả khi viết cuốn sách này là nói lên nỗi lòng của các em, qua đó trao đổi với phụ huynh về cách tiếp cận mới với con cái của mình. Chị mong cha mẹ sẽ cùng đồng hành cùng các bạn trên hành trình học hỏi, hội nhập vào tương lai; khơi gợi cho con mình tìm được cảm hứng, thế mạnh, vũ khí, cho con môi trường tự do sáng tạo để con tự mình quyết định con sẽ làm gì cho cuộc đời này.

Tác giả Nguyễn Phi Vân mong các bậc cha mẹ hãy dành thời gian đọc, để hiểu con mình đang cần gì, nghĩ gì và cần chúng ta yêu thương các con theo cách như thế nào?

“Thứ nhất, các con không nói chuyện được với bố mẹ. Những chuyện mà lẽ ra người cần nói nhất, người thân cận nhất, người có thể dễ nói nhất chính là người thân nhất thì tại sao không được?.

Thứ hai, quý vị không nói chuyện với các em thì các em nói chuyện với ai? Nói với cha mẹ không được, thầy cô cũng không được thì nói với ai? Các em chọn nói chuyện với robot. Một thế hệ câm lặng với bố mẹ, nhiều chuyện với máy móc là người hay là máy vậy?. Các bậc cha mẹ đang đối đãi với con mình như con robot hay là với người vậy?”- tác giả Nguyễn Phi Vân đau đáu.

Tác giả gửi gắm, bản thân cha mẹ muốn giao tiếp với con, làm bạn với con thì hãy học cách để nói ngôn ngữ của con.

“Đừng lấy ngôn ngữ của người lớn và những suy nghĩ cứng nhắc, bảo thủ, lạc hậu để ép lên tư duy của một đứa con nít.

Hãy dừng lại để lắng nghe con tim của các con, dành thời gian nhiều hơn cho các con bởi vì chúng ta đang đứng ở bản lề của thế kỷ, ở đó có quá nhiều thứ khó khăn. Một thế giới toàn cầu rất rộng lớn và đủ thứ xảy ra ở đó, một thế giới 4.0 ở trên mạng mà nó tràn lan thông tin tích cực có, tiêu cực có, tầm bậy có, tào lao có, không biết phải làm như thế nào.

Ở đó, có con người suốt ngày ở trên mạng, không ở dưới đất, nhìn vào mắt nhau không được, nói với nhau một tiếng không xong, chỉ có bấm like, không kết nối với nhau”, tác giả nói.

Chị cũng nhấn mạnh rằng: “Thế kỷ này quá khủng khiếp và không có một trường lớp, không có một hệ thống giáo dục, không có một người nào có thể đứng ra thay các bậc cha mẹ để giúp các em hết; không ai đủ sức mạnh để làm điều đó. Chính cha mẹ là những người quan trọng nhất ở tại thời điểm bản lề này để đồng hành cùng học, cùng tìm hiểu, cùng làm, cùng bước vào tương lai với các con”.

Lời gửi gắm cho giới trẻ

Với giới trẻ, tác giả Nguyễn Phi Vân mong rằng đây sẽ là kênh thông tin tốt, đáng tin cậy để các bạn trẻ có thêm chất liệu có sẵn, tạo ra những quyết định cho tương lai của chính mình.

Tác giả nói rằng, dù là bản thân chị hay một người nổi tiếng, giỏi giang nào khác cũng không phải là người đưa ra định hướng cho các bạn. Chính các bạn phải làm điều đó!.

Tác giả Nguyễn Phi Vân mong rằng đây sẽ là kênh thông tin tốt, đáng tin cậy để các bạn trẻ có thêm chất liệu có sẵn, tạo ra những quyết định cho tương lai của chính mình. ẢNH: Facebook tác giả.

Thế hệ trẻ ngày nay cũng phải thông cảm cho bố mẹ vì có lúc họ không biết cách để diễn tả cảm xúc.

Chị nhấn mạnh: không phải câu chuyện ai phải thông cảm cho ai mà là chúng ta phải thông cảm cho nhau để thấu hiểu lẫn nhau, phải bắt đầu mở một kênh giao tiếp với nhau về cách làm người, về cách sống hạnh phúc, về cách lớn lên, về cách định hướng, nghề nghiệp tương lai, những câu chuyện vui vẻ, hạnh phúc… Bố mẹ, con cái trong gia đình phải nói chuyện với nhau!.

Chị cũng nhắn nhủ thêm các bạn trẻ, hãy học cách thấu cảm, để hoà nhập vào cộng đồng và thế giới này, để trở thành một người thực sự hạnh phúc!.

“Hãy dành sự thấu cảm với bản thân trước, vì có những cái mình suy nghĩ mà còn không dám nói ra, muốn làm mà không muốn trình bày, có những suy nghĩ sâu xa nhưng lại chưa dám thổ lộ… Đôi khi mình có những suy nghĩ đen tối hay tào lao cũng không sao; những suy nghĩ dị thường, không giống ai cũng chẳng sao. Mình thấu cảm bản thân trước thì mới thấu cảm được người xung quanh”, chị nói.

Cuối cùng, để khoảng các giữa các thế hệ được rút ngắn, cha mẹ- con cái có tiếng nói chung, chị nhắn nhủ: “Cả hai thế hệ đều phải đi học, thế hệ cũ thì học về sự chuyển động của thế giới, còn người trẻ là phải học về cách giao tiếp, nói chuyện, cách tiếp cận với người lớn, bạn bè hay những người xung quanh”.

 

Album nhạc, truyện tranh do con người và AI cùng sản xuất

Tác giả Nguyễn Phi Vân cho biết, sắp tới sẽ giới thiệu Album nhạc Rap, Hiphop, tình cảm đầu tiên do con người và AI cộng tác sáng tác, sản xuất. Album đã được hãng thu âm Universal Music Group ký phát hành trên toàn cầu.

Tác giả Nguyễn Phi Vân tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Australia, là thành viên sáng lập World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á. Năm 2015, chị nhận giải thưởng Lãnh đạo bán lẻ tại Đại hội Bán lẻ Châu Á (Asia Retail Congress).

Chị đã sinh sống, học tập và làm việc tại hơn 80 quốc gia và tham gia cố vấn nhiều chương trình phát triển doanh nghiệp, phát triển nhượng quyền quốc tế, phát triển kinh tế sáng tạo cho các chính phủ khu vực.

Chị cũng là tác giả của các cuốn sách: Nhượng quyền khởi nghiệp - Con đường ngắn để bước ra thế giới, xuất bản năm 2016, viết về người trẻ kinh doanh; Sổ tay ra thế giới (2017), Cứ bay rồi sẽ cao (2018), Tôi, tương lai và thế giới (2019), Tôi đi tìm tôi (2019).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm