Xem phim thời COVID-19

Từ 1-3, tất cả hệ thống rạp chiếu phim trên địa bàn TP.HCM được phép hoạt động trở lại. Các rạp đã nhanh chóng chuẩn bị các khâu như vệ sinh cụm rạp, kiểm tra lại hệ thống máy móc và chuẩn bị các nguyên vật liệu tại quầy bắp nước suốt những ngày cuối tháng 2 để hoàn tất trước ngày mở rạp. Tuần này, hai phim Việt ra mắt khán giả cũng dưới những hình thức giãn cách…

Rạp chiếu phim sẵn sàng đón khán giả

TP.HCM là nơi chiếm hơn 40% doanh thu phim rạp của cả nước. Chính vì thế, việc các hệ thống rạp được mở cửa trở lại không chỉ là niềm vui cho khán giả mà của cả toàn bộ hệ thống sản xuất, phát hành phim.

Tất cả hệ thống rạp từ CGV, Galaxy, Lotte, BHD, Cinestar… đều tăng cường các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) của Bộ Y tế đến nhân viên lẫn khán giả.

Nhân viên được kiểm tra thân nhiệt khi bắt đầu và kết thúc ca làm việc, đeo khẩu trang suốt thời gian phục vụ khách hàng và phải thường xuyên rửa tay bằng nước sát khuẩn. Nhân viên các cụm rạp cũng được trang bị đầy đủ kỹ năng trong trường hợp khách hàng bị nghi ngờ nhiễm bệnh như ho, sốt, khó thở. Cùng với nhân viên, khán giả được yêu cầu đeo khẩu trang khi đến rạp, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước rửa tay được trang bị tại rạp.

Tại hệ thống rạp CGV, để hạn chế tập trung thành đám đông, CGV khuyến khích khán giả đặt vé xem phim thông qua ứng dụng và trang mạng của hệ thống này. Ngoài ra, trên tay nắm cửa phòng chiếu và cửa nhà vệ sinh còn trang bị màng kháng khuẩn nhằm mục đích hạn chế tiếp xúc với kim loại.

Hệ thống rạp CGV khử khuẩn trước khi mở cửa trở lại đón khán giả vào ngày 1-3. Ảnh: CGV cung cấp

CGV tung quà tặng khán giả tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai sau khi rạp mở lại.

Theo đó, khán giả thực hiện giao dịch trên 500.000 đồng khi xem bất kỳ một trong ba phim: Ainbo: Nữ chiến binh Amazon, Tom & Jerry: Quậy tung New York và Vì yêu mà đấu sẽ nhận được một chiếc mền độc quyền từ nhà phát hành này. 

Bố già, Gái già lắm chiêu V chia nhỏ ra mắt phim

Trong tuần này, hai bộ phim dự kiến công chiếu mùa tết vừa qua là Gái già lắm chiêu VBố già đã quyết định ra rạp song đấu.

Khác hoàn toàn những buổi ra mắt phim đông đảo thông thường với hàng trăm, thậm chí lên con số ngàn diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất, báo giới, khách mời…, cả hai phim Gái già lắm chiêu VBố già quyết định tổ chức ra mắt phim (premiere) chưa bao giờ có trong lịch sử điện ảnh Việt.

“Để đảm bảm an toàn dịch, premiere Gái già lắm chiêu V sẽ chia nhỏ khách mời, đảm bảo đón tiếp 50 khách một thời điểm tại sự kiện công chiếu và tuân thủ quy định 5K. Tại TP.HCM sẽ có tổng cộng sáu buổi premiere kéo dài từ 10 giờ đến 20 giờ hôm nay (3-3), tại Lotte Cinema Cantavil Sài Gòn. Chúng tôi sẽ tổ chức tương tự như thế, tại Hà Nội vào ngày 5-3. Tuy nhiên, tại Hà Nội không tổ chức thảm đỏ mà chỉ chiếu phim. Tất cả khách mời tham dự được kiểm tra thư mời. Trên thư mời có mã QR để tránh việc tiếp xúc gần và vé truyền thống cho khách mời. Đây là lần đầu tiên có sự kiện kéo dài như vậy nhưng tất cả để đảm bảo an toàn dịch” - nhà sản xuất, đạo diễn Trần Nguyễn Bảo Nhân của phim Gái già lắm chiêu V chia sẻ.

Tương tự như thế nhưng với quy mô chỉ diễn ra tại TP.HCM, bộ phim Bố già sẽ bắt đầu ra mắt truyền thông và giới chuyên môn bằng nhiều suất chiếu. “Mỗi suất chiếu chỉ giới hạn 50 người. Tất cả các suất chiếu ra mắt sẽ diễn ra từ 14 giờ ngày 4-3 tại cụm rạp Galaxy Nguyễn Du, TP.HCM. Chúng tôi chỉ tổ chức ra mắt Bố già tại TP.HCM chứ không tổ chức tại Hà Nội bởi chúng tôi đánh giá tình hình dịch tại Hà Nội còn phức tạp” - đại diện nhà phát hành phim Bố già cho biết.

Khán giả khử khuẩn, đeo khẩu trang khi vào rạp xem phim. Ảnh: QT

Đại dịch COVID-19 kéo dài hơn một năm qua đã làm thay đổi nhiều thứ, đặc biệt doanh thu của ngành điện ảnh giảm sút trầm trọng. Riêng hệ thống rạp CGV với hơn 80 cụm rạp trong năm 2020 đã phải tạm dừng hoạt động 14 cụm rạp trên cả nước do lỗ nặng từ hậu quả của COVID-19. Những tháng cuối năm 2020, bảy trong số 14 cụm rạp này mở cửa trở lại nhờ một số phim ra rạp. Tuy nhiên, đợt dịch vào dịp tết Nguyên đán vừa qua tiếp tục làm đóng băng toàn bộ hệ thống phát hành phim.

Sau dịch này, các nhà làm phim, nhà sản xuất, phát hành phim… sẽ phải đắn đo nhiều hơn trong việc đầu tư phim. Khán giả cũng sẽ chọn lựa phim nào để xem khi đến rạp… Có thể dịch COVID-19 ở góc độ nào đó sẽ là màng lọc cho điện ảnh Việt vốn rất nhiều phim “rác” thời gian qua.

Vì COVID-19 mà ra mắt phim sau khi đã công chiếu

Trước khi UBND TP.HCM cho phép hệ thống rạp phim mở cửa trở lại, ngày 26-2 vừa qua, bộ phim Kiều @ vẫn quyết định ra rạp. Tuy nhiên, tối 28-2 tại Hà Nội và tối 1-3 tại TP.HCM, Kiều @ vẫn tiếp tục tổ chức hai buổi ra mắt với giới chuyên môn, báo giới… sau khi phim đã ra rạp.

Việc ra mắt trái ngược này với mục đích quảng bá, tăng độ nóng ban đầu cho một bộ phim bởi cho đến thời điểm hiện tại, doanh thu của Kiều @ chưa đến 1 tỉ đồng.

Đạo diễn Đỗ Thành An cho rằng: “Việc chúng tôi làm hai buổi ra mắt phim ở Hà Nội và Sài Gòn chính là để gợi cảm hứng và kích thích khán giả quay lại với màn ảnh rộng khi tình hình dịch bệnh đã nằm trong tầm kiểm soát”. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

'Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy' như thế nào ?

'Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy' như thế nào ?

(PLO)- Cuốn sách "Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy" làm sống lại một vài khoảnh khắc mà mỗi người lớn đều từng là học sinh, từng vui đùa, từng ẩm ương, từng ngớ ngẩn, từng sợ hãi.