Giảm đáng kể trẻ tử vong nhờ tiêm ngừa vaccine

“Tại Việt Nam, nhờ tiêm ngừa đầy đủ vaccine các loại trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên trẻ tử vong giảm đáng kể trong vòng 20 năm qua. Tỉ lệ trẻ tử vong dưới năm tuổi năm 1990 hơn 51%o, đến năm 2011 chỉ còn 23%o. Trẻ tử vong dưới một tuổi năm 1990 là 23%o, con số đó chỉ còn 12%o trong năm 2010” - GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, nhấn mạnh thông tin trên tại hội thảo với cơ quan báo chí về truyền thông trong công tác tiêm chủng được tổ chức vào ngày 22-11.

Ông Hiển cho biết Việt Nam thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1985. Từ chương trình này, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở châu Á thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005. Chưa hết, các bệnh như sởi, viêm gan… cũng giảm đáng kể. “Đến nay, Việt Nam thực hiện tiêm ngừa miễn phí 11 loại vaccine phòng, chống các bệnh truyền nhiễm cho trẻ em và phụ nữ mang thai như viêm não Nhật Bản, viêm gan B, viêm phổi, tả, thương hàn… Việt Nam cũng đã sản xuất được 10/11 vaccine nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng” - ông Hiển cho biết thêm.

Tại buổi hội thảo, BS Trần Minh Như Nguyện, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho rằng một số trường hợp phản ứng sau tiêm ngừa vaccine đã xảy ra tại Việt Nam khiến không ít người lo lắng, ảnh hưởng đến chương trình tiêm chủng mở rộng. “Tiêm ngừa vaccine là biện pháp phòng ngừa bệnh tật hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, không có bất kỳ vaccine nào an toàn tuyệt đối. Ngay cả các nước phát triển như Anh, Mỹ, Úc, Nhật… cũng lo ngại những phản ứng sau tiêm ngừa vaccine. Tuy nhiên, nếu không tiêm ngừa vaccine thì các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm sẽ xuất hiện, dẫn đến nhiều hệ lụy không hay” - ông Nguyện lưu ý.

Trong khi đó, TS Ketan Chitnis, Trưởng phòng Truyền thông phát triển của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (Unicef), nhận định: “Ảnh hưởng của vaccine có thể đem đến một số tác dụng phụ nhẹ và nhanh chóng biến mất. Không thể dự đoán được những người có thể có phản ứng nhẹ hoặc nặng đối với vaccine. Tuy nhiên, nếu tuân thủ những yêu cầu chống chỉ định thì các phản ứng phụ xảy ra sau tiêm vaccine rất thấp”.

GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết thêm một trong những nguyên nhân dẫn đến phản ứng sau tiêm ngừa vaccine là do quá lo lắng. Rơi vào trường hợp này, trẻ có thể bị ngất, thở nhanh, choáng, chóng mặt, khó thở. Ngoài ra, sự kiện trùng hợp ngẫu nhiên cũng là nguyên nhân gây phản ứng sau tiêm ngừa vaccine. “Đây là phản ứng gây ra không do vaccine, chẳng do sai sót tiêm chủng mà do bệnh lý sẵn có của trẻ. Phản ứng có thể xảy ra trùng hợp với thời điểm tiêm chủng và bị đổ lỗi do tiêm chủng vaccine. Chẳng hạn, hội chứng đột tử trẻ sơ sinh (SIDS) gặp nhiều nhất quanh tuổi tiêm chủng trẻ em” - ông Hiển giải thích.

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm