Giám đốc bệnh viện gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng hầu tòa

Ngày 28-3, TAND TP.HCM mở phiên xét xử ông Trương Anh Kiệt (57 tuổi, nguyên giám đốc BV Đa khoa Bưu điện TP.HCM, trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT), cùng cấp dưới Phạm Văn Sửu (51 tuổi, nguyên trưởng phòng Tài chính kế toán tổng hợp), Trương Bích Nguyệt (53 tuổi, nguyên trưởng phòng Tài chính kế toán, Kế hoạch tổng hợp bệnh viện) lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Các bị cáo hầu tòa.

Theo cáo trạng, BV Đa khoa Bưu điện TP.HCM có chức năng khám, chữa bệnh, điều dưỡng phục hồi chức năng cho cán bộ, nhân viên VNPT ở 32 tỉnh, thành phía nam. Bệnh viện tự chủ tài chính, nguồn thu chủ yếu từ chi phí khám, chữa bệnh. Ngoài ra, VNPT cũng cấp thêm kinh phí hỗ trợ. 

Quy trình thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ căn cứ trên kế hoạch phân bổ kinh phí hằng năm từ tập đoàn và nhu cầu thực tế của bệnh viện. VNPT cấp tạm ứng kinh phí cho bệnh viện để chi cho việc khám, chữa bệnh theo kế hoạch. Hết năm, bệnh viện lập báo cáo tài chính và tiến hành kiểm toán. Sau đó, tập đoàn sẽ thẩm tra xác nhận số liệu quyết toán, phê duyệt quyết toán kinh phí đã cấp; trong đó có số liệu chi cho hoạt động khám, điều dưỡng, điều trị nội trú đã thực hiện. Trên cơ sở đó, bệnh viện sẽ được quyết toán sử dụng nguồn kinh phí này để chi trả lương cho nhân viên, mua thuốc và xây dựng cơ sở vật chất. 

Từ năm 2009-2011, giám đốc Kiệt chỉ đạo trưởng phòng kế hoạch tổng hợp và trưởng phòng kế toán tài chính, lập ra 13.077 hồ sơ bệnh án điều dưỡng, điều trị nội trú “ma” nhằm quyết toán khống hơn 22 tỉ đồng; đồng thời kê thêm hơn 5,7 tỉ đồng kinh phí hỗ trợ cho hoạt động điều dưỡng, điều trị nội trú. Tổng số tiền quyết toán khống của bệnh viện với VNPT gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 27,8 tỉ đồng. 

Tháng 12-2014, VNPT có quyết định thu hồi toàn bộ số tiền quyết toán trái quy định, kết quả thu về hơn 24,1 tỉ đồng.

Như vậy ông Kiệt và hai thuộc cấp tiếp tục lập khống hồ sơ rút 11 tỉ đồng của VNPT đưa vào quỹ lương chia cho cán bộ bệnh viện. Trong số này, ông Kiệt hưởng hơn 110 triệu đồng, Nguyệt và Sửu nhận hơn 70 triệu. 

Quá trình điều tra, ông Kiệt thừa nhận là người đưa ra chủ trương. Trước khi đưa ra xét xử, TAND TP.HCM từng trả hồ sơ để làm rõ số tiền thiệt hại và số tiền trên thuộc quản lý của đơn vị nào để xác định tội danh cho chính xác.

Đáng chú ý, theo tòa, viện xác định giám đốc Kiệt có vai trò chỉ đạo lập hồ sơ quyết toán khống vì động cơ vụ lợi tập thể, trong đó có nhiều cán bộ thuộc quyền tham gia với hành vi mức độ sai trái tương tự nhau hoặc có chênh lệch số tiền hưởng lợi bất chính cũng không đáng kể. Trong trường hợp không thể khởi tố tất cả người đã tham gia thì cũng cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Sửu, Nguyệt để đảm bảo sự công bằng và bình đẳng của mọi công dân.

Cáo trạng xác định Sửu và Nguyệt có vai trò đồng phạm giúp sức bị cáo Kiệt. Các phó giám đốc và trưởng khoa, phòng ban khác được cho là phụ trách về chuyên môn không nắm rõ sự việc nên không có cơ sở xử lý hình sự.

Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong nhiều ngày.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới