Giám sát chặt việc dùng thuốc sâu trên rau quả

“Rau ngót, rau muống là hai trong số những loại rau đứng đầu bảng nguy cơ tồn dư các loại chất bảo vệ thực vật (BVTV), đe dọa bữa ăn của người dân nhất” - đó là thông tin vừa được Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) công bố tại cuộc họp ngày 8-7 (Pháp Luật TP.HCM ngày 9-7).Chiều 9-7, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV, cho biết: Nguyên nhân khiến các loại rau quả có nguy cơ tồn dư thuốc BVTV cao là do người sản xuất rau phun thuốc không đảm bảo đúng quy trình, liều lượng, thời gian phun… “Do sâu bệnh nhiều, gần đến lúc bán rồi người trồng vẫn phun để giữ cho rau quả đẹp, không có sâu cắn phá khiến lượng thuốc BVTV tồn dư cao” - ông Hồng nói.

Ông Hồng cũng cho biết bộ trưởng Bộ NN&PTNT vừa chỉ đạo Cục tổ chức lại công tác BVTV để giám sát việc sử dụng thuốc BVTV trên rau quả, đặc biệt là rau ngót, rau muống. Theo đó, Cục đang triển khai các biện pháp tổng hợp trong đó nhấn mạnh việc giám sát, hướng dẫn, tuyên truyền, tập huấn cho người sản xuất rau quả.

Về hiện tượng người tiêu dùng phản ánh có nhiều loại quả như táo, lê… để hằng tháng không bị thối, ông Hồng cho hay: Hiện nay hầu hết các loại hoa quả đều được thu hái ở thời điểm già, sau đó dùng thuốc bảo quản. Hiện nhiều nước đã cho phép sử dụng các loại chất bảo quản an toàn với sức khỏe. Riêng ở VN chưa có loại thuốc bảo quản nào được cấp phép, tuy nhiên người dân vẫn sử dụng các loại thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc để bảo quản hoa quả. Tới đây, Bộ sẽ cấp phép cho hai doanh nghiệp đăng ký khảo nghiệm thuốc bảo quản hoa quả và công bố rộng rãi cho người dân sử dụng.

GS-TS Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, cho biết các thực phẩm bị nhiễm độc từ thuốc BVTV có thể gây ngộ độc cấp tính, thậm chí tử vong cho người sử dụng. Ngoài lạm dụng thuốc BVTV, việc trồng rau quả trên vùng đất bị ô nhiễm kim loại nặng cũng làm rau quả bị nhiễm độc.

Để giảm thiểu hóa chất BVTV và kim loại nặng trong rau quả, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, khuyên người tiêu dùng nên rửa rau dưới vòi nước sạch đang chảy, ngâm nước khoảng 30 phút, sau đó rửa sạch lần nữa trước khi sử dụng. Nếu nấu canh, rau nên cho vào khi nước sôi và mở nắp để thải bớt độc tố. Quả cũng rửa dưới vòi nước sạch đang chảy và ngâm trong nước sạch, khi sử dụng nên gọt vỏ sâu. Hiện nay, chưa có nghiên cứu cho thấy ngâm rau, củ quả trong nước muối sẽ an toàn.

BS Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM, cho biết việc sử dụng hệ thống khí ô-zôn sẽ làm giảm vi sinh, vi nấm, dư lượng hóa chất BVTV trong rau, củ quả. Tuy nhiên, cách này không thể thải bớt kim loại nặng.

TRỌNG PHÚ - TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm