Giám sát chặt việc tiêu tiền phạt dân

2.500 tỉ đồng tiền phạt vi phạm giao thông mỗi năm không phải là nhỏ nhưng người dân không hề biết việc chi tiêu đó như thế nào, có đúng và phù hợp với quy định của pháp luật hay không. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng cần phải sớm sửa đổi các quy định, đưa tất cả các khoản tiền đó vào ngân sách để công khai, giám sát chặt việc chi tiêu, ngăn ngừa hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra.

“Không phải thích tiêu thế nào cũng được”

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Đại tá Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ Công an), cho biết 70% tiền xử phạt được trích về lực lượng CSGT không có nghĩa là đơn vị muốn tiêu thế nào cũng được mà phải theo đúng quy định và đúng mục đích. “Ngay cả tiền bồi dưỡng, anh em làm cả tháng cũng phải thống kê rồi sau đó mới tính toán xem được bồi dưỡng bao nhiêu. Mọi thứ đều theo đúng quy trình, quy định của pháp luật, phải có dự toán, có hóa đơn, chứng từ, chứ không phải thích tiêu gì thì tiêu, không phải anh đưa về rồi bỏ túi” - ông Tuyên nói và cho biết số tiền thu được từ xử phạt cũng không phải nhiều vì có những tỉnh như miền núi mỗi năm chỉ có vài tỉ đồng.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng lại cho rằng vì cơ quan quản lý không công khai nên người dân không biết việc chi đó có đúng, có phù hợp không. Vì thế, họ luôn có cảm giác thiếu công khai, minh bạch. Tương tự, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Bá Thuyền (ĐB Lâm Đồng) cũng cho rằng vì không được công khai, minh bạch nên người dân mới nghĩ là có vấn đề. “Như ở địa phương tôi, tiền thu từ xử phạt vi phạm giao thông cũng không phải là ít, khoảng 20 tỉ đồng/năm. Thế nhưng lại không thấy lắp đặt được hệ thống đo tốc độ trên các tuyến đường. Vậy là tại sao?” - ông Thuyền băn khoăn.

Giám sát chặt việc tiêu tiền phạt dân ảnh 1

Theo ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền, quy định phạt bao nhiêu được để lại bấy nhiêu rất dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền trong thực thi công vụ.Trong ảnh: Người vi phạm an toàn giao thông nộp phạt tại kho bạc Nhà nước. Ảnh: TRỌNG PHÚC

Dễ dẫn đến lạm quyền

Theo ông Thuyền, để ngăn chặn những tiêu cực có thể xảy ra trong việc tiêu tiền xử phạt vi phạm giao thông thì cần bỏ quy định trích lại 100% tiền xử phạt cho lực lượng chức năng và thực hiện đúng theo pháp luật về ngân sách và phân bổ ngân sách. Bởi quy định phạt bao nhiêu được để lại bấy nhiêu rất dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền trong thực thi công vụ.

“Hình như giờ đây bộ nào cũng muốn thành lập quỹ, ví như Bộ GTVT là quỹ bảo trì đường bộ, rồi tới đây là phí hạn chế phương tiện. Vì sao người ta muốn? Bởi thành lập quỹ thì việc rút tiền từ quỹ, chi tiền cũng dễ dàng, ít thủ tục hơn. Còn nếu chi theo ngân sách Nhà nước thì quy định rất chặt chẽ, giám sát, thẩm tra kỹ lưỡng nên rất công khai và minh bạch, khó có chuyện tiêu cực” - ông Thuyền nói và nhấn mạnh - “Tôi cho rằng phải sửa quy định trên, tất cả tiền xử phạt phải nộp vào ngân sách và chi tiêu theo đúng quy định của luật ngân sách”.

Tán thành với ý kiến trên, ông Hùng nêu rõ 10 năm trở lại đây mức xử phạt bằng tiền trong vi phạm giao thông luôn tăng cao. “Tăng như thế nhưng vì sao vi phạm giao thông không giảm mà năm sau vẫn tăng cao hơn năm trước? Phải chăng chính vì cơ chế phạt nhiều thì được hưởng nhiều nên có khi dẫn đến tình trạng anh tuyên truyền ít đi, anh tuyên truyền không tốt để có nhiều vi phạm? Bởi càng có nhiều vi phạm thì anh xử phạt càng được nhiều, càng được trích lại nhiều tiền hơn” - ông Hùng đặt ra nghi vấn.

Đồng loạt kiến nghị tăng mức xử phạt

Bộ GTVT đang có kiến nghị tăng mức phạt tiền tối đa đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông từ 50 triệu đồng hiện nay lên mức 200 triệu đồng. Bộ này cũng đang kiến nghị sửa đổi Nghị định 34, trong đó nâng mức phạt tiền đối với hành vi uống rượu bia lên mức tối đa 25 triệu đồng, cao gấp 4-5 lần so với quy định cũ.

Ngoài ra, cả TP.HCM và Hà Nội cũng đều kiến nghị nâng mức xử phạt đối với hàng loạt các hành vi vi phạm giao thông, trong đó riêng Hà Nội kiến nghị nâng mức xử phạt vi phạm trong nội đô cao gấp hai lần so với quy định hiện hành.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, cho biết khi tham gia ý kiến vào việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 34, Hiệp hội không đồng tình với đề nghị của Bộ GTVT về việc nâng mức xử phạt bằng tiền tối đa từ 50 lên đến 200 triệu đồng. Đồng thời, Hiệp hội cũng đề nghị Bộ GTVT phải tổng kết, đánh giá một cách rõ ràng xem vì sao lại có tình trạng tăng mức phạt mà vi phạm giao thông không hề giảm.

_______________________________________________

Vì sao anh không muốn nộp và chi tiêu theo luật ngân sách? Vì đưa vào ngân sách Nhà nước thì quy định rất chặt chẽ, giám sát, thẩm tra kỹ lưỡng nên khó có chuyện thích tiêu gì thì tiêu. Còn ở đây tiền vào tài khoản của anh, anh tiêu cũng dễ dàng và người dân cũng khó giám sát xem anh đã tiêu như thế nào.

ĐBQH NGUYỄN BÁ THUYỀN, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH

Việc có nhiều ý kiến khác nhau về quy định để lại 100% tiền xử phạt cho lực lượng chức năng, trong đó có cảnh sát giao thông, chúng tôi không tranh luận. Vì thế, sắp tới nếu sửa đổi quy định trên, Chính phủ quyết định như thế nào thì chúng ta sẽ thực hiện như thế.

Đại tá NGUYỄN VĂN TUYÊN, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm