Giảm tải kiểu gì?

Mặc dù Bộ GD&ĐT đã chính thức có công văn gửi 63 Sở GD&ĐT trên cả nước thực hiện việc giảm tải ngay bắt đầu những tiết dạy ứng với thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nhiều giáo viên tiểu học tại TP.HCM cho rằng chưa nhận được sự chỉ đạo hay văn bản yêu cầu nào từ phía ngành.

Giảm tải hay rút bớt nội dung thi cử?

Cô Bùi Thị Ngọc Linh, giáo viên lớp 5 Trường Tiểu học Lương Định Của, quận 3, cho hay: Thầy hiệu phó đang đi họp để quán triệt chủ trương giảm tải về phổ biến lại cho giáo viên, khi đó giáo viên mới chính thức thực hiện. Tất cả thông tin giảm tải cũng chỉ nghe nói, đọc báo thấy nhưng chưa ai thực hiện.

Cô Nguyễn Như Thủy, giáo viên dạy văn lớp 7 Trường THCS Lê Anh Xuân, quận Tân Phú, TP.HCM, cho biết: Giáo viên đã được trưởng bộ môn phát hai tờ giấy A4 về việc hướng dẫn giảm tải rất gọn gàng, cắt, bỏ, bài học chính trước đây chuyển sang phần đọc thêm. Theo cô Thủy, đối với môn văn lớp 6 như bài Con rồng cháu tiên, Cầu Long Biên - nhân chứng lịch sử, Bộ yêu cầu bỏ hẳn, giáo viên rất tiếc vì các bài này dạy cho học trò biết nguồn gốc dân tộc, đất nước con người. Một số bài ở chương trình văn học lớp 7 học về ca dao, dân ca, Bộ cũng yêu cầu bỏ bớt một số bài con trong bài chính. Khoảng năm bài từ chương trình chính được chuyển sang đọc thêm. đọc thêm thì học sinh có thể đọc, có thể không nhưng khi vào lớp giáo viên phải dành ra một tiết để dạy bài đó.

Tài liệu của Bộ hướng dẫn: “Đối với các bài, các phần không dạy, giáo viên dùng thời lượng các phần này dành cho các bài, các phần khác, hoặc dùng thời gian củng cố, hướng dẫn học sinh học tập. Giáo viên không ra bài tập, đặt câu hỏi kiểm tra, đánh giá kết quả học tập học sinh vào những nội dung được hướng dẫn là không dạy hoặc đọc thêm. Tuy nhiên, giáo viên có thể tham khảo để nâng cao cho mình”. Theo cô Thủy, đọc qua hướng dẫn giảm tải môn văn bậc THCS có cảm giác giảm tải không bao nhiêu, vẫn còn nặng nề ở phần đọc thêm và những phần cắt bỏ hẳn như nói ở trên chưa phù hợp. Tuy nhiên, chỉ đạo thì phải làm, tính hiệu quả của việc giảm tải cũng cần lãnh đạo ngành đánh giá, lấy ý kiến chung của giáo viên.

Giảm tải kiểu gì? ảnh 1

Một giờ học địa lý của học sinh Trường THPT Hàn Thuyên (quận Phú Nhuận, TP.HCM). Ảnh: QV

Nhưng phải chạy theo luyện thi ĐH

Góc nhìn khác, cô Nguyễn Tuyết Trinh, giáo viên dạy hóa lớp 12 Trường THPT Trần Phú, quận Tân Phú (TP.HCM), lo lắng: Cầm tài liệu hướng dẫn trên tay, tôi thấy thương học trò hơn là mừng vì giảm tải. Bộ thừa biết đề thi tốt nghiệp THPT với đề thi tuyển sinh ĐH độ khó một trời một vực, mức độ kiến thức chênh lệch hẳn. Một học sinh tốt nghiệp thủ khoa THPT 57 điểm nhưng thi ĐH chỉ có 13-14 điểm. Học sinh học theo chương trình chưa giảm tải còn phải vắt giò lên cổ chạy luyện thi, giờ bỏ bớt kiến thức thì chỉ khổ cho học sinh phải tìm đến những nơi luyện thi để học mới mong đậu ĐH.

“Nếu Bộ không thay đổi hẳn cách thi vốn tồn tại bấy lâu nay thì việc giảm tải trong bối cảnh tồn tại hai kỳ thi tốt nghiệp và ĐH như hiện nay thật sự không có ý nghĩa” - cô Trinh chia sẻ.

Các sở GD&ĐT điều chỉnh phân phối chương trình chi tiết và chuyển tài liệu về các trường, giáo viên căn cứ vào chương trình - sách giáo khoa và tài liệu giảm tải để điều chỉnh nội dung dạy học; chủ động chỉ đạo các nhà trường, giáo viên dành thời gian còn dư (do nội dung chương trình đã được cắt giảm) cho việc đổi mới phương pháp, bồi dưỡng học sinh khá, giỏi và phụ đạo học sinh yếu, kém.

Chủ trương giảm tải là bớt những nội dung kiến thức dàn trải, chưa cần thiết và không có kiểm tra, thi cử đánh giá những kiến thức đã giảm tải. Ngay cả trong các kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh ĐH-CĐ sắp tới, đề thi do Bộ GD&ĐT ra đề thì những nội dung giảm tải cũng không xuất hiện trong đề thi.

Ông VŨ ĐÌNH CHUẨN, Vụ trưởng Vụ THPT, Bộ GD&ĐT

Văn bản hướng dẫn của Bộ đã có trên mạng, giáo viên tham khảo và thực hiện. Việc thay đổi sách giáo khoa tiểu học đến nay đã 11 năm, giáo viên có kinh nghiệm sẽ biết phần nào dư thừa, bỏ phần nào không cần thiết, quá sức tuổi các em, còn những giáo viên mới thì nên học hỏi kinh nghiệm của giáo viên trước. Việc giảm tải là bỏ bớt nội dung chưa cần thiết, không cần tập huấn hướng dẫn, giáo viên thực hiện được hết. Hiện tài liệu đang chờ NXBGD Việt Nam phát hành đưa về tận các cơ sở để giáo viên tiện theo dõi, thực hiện cho đúng.

Ông LÊ NGỌC ĐIỆP,
Trưởng phòng Tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM

QUỐC VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm