Giận cá, chém... trẻ con!

Gần đây xảy ra nhiều vụ án liên quan đến việc giải quyết mâu thuẫn vợ chồng nhưng người gánh chịu hậu quả đau lòng lại là những đứa con thân yêu của họ. Như trường hợp ở tỉnh Hậu Giang, bị chồng nghi ngờ là không chung thủy, đứa con trai năm tuổi không phải là con chung, người vợ bắt đứa con này cùng uống thuốc trừ sâu để tự tử khiến đứa trẻ thiệt mạng. Hay như ở huyện Đầm Dơi (Cà Mau), chỉ vì giận vợ do đang nhậu với bạn mà bị vợ kêu réo, người chồng đã ném con mới 10 tháng tuổi làm đứa bé bị thương tật 61%. Mới đây nhất là vụ người cha mất nhân tính đốt con ở Thanh Hóa khiến dư luận vô cùng căm phẫn mà nguyên nhân cũng do vợ chồng mâu thuẫn...

Thể hiện sự bế tắc

Những câu chuyện kể trên cho chúng ta thấy một sự bế tắc trong cách thức xử lý vấn đề của một số người. Về cơ bản, con người thường có những cách thức khác nhau trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn. Những cách thức khác nhau đó tùy thuộc vào các yếu tố chính yếu như tính cách, trình độ nhận thức, hành vi thói quen hay các kỹ năng sống cơ bản. Người có tính cách điềm đạm, nhận thức thấu đáo sự việc và có kỹ năng giải quyết vấn đề tốt sẽ có khuynh hướng xử lý các khó khăn một cách hòa bình, hiệu quả. Ngược lại, người có tính cách nóng nảy, nhận thức nông cạn và thiếu các kỹ năng xử lý vấn đề thường có khuynh hướng giải quyết khó khăn theo hướng tiêu cực, có hại cho bản thân hoặc cho những đối tượng liên quan.

Giận cá, chém... trẻ con! ảnh 1

Người cháu Linh chằng chịt những vết sẹo bỏng. Ảnh: THANH LƯU

Thật đáng tiếc khi cha mẹ là những người lớn đã không có được hướng giải quyết tích cực. Thay vào đó, họ đã “lôi” đứa con vào cuộc như là một “tiêu điểm” để trả thù hoặc dằn mặt người kia. Chắc chắn, người cha hoặc người mẹ đã gây ra đau khổ cho đứa con sẽ được xử lý theo pháp luật và bị lên án bởi xã hội. Tuy vậy, hậu quả của những hành động thiếu suy nghĩ đó sẽ còn ảnh hưởng tới đứa con của họ đến hết cuộc đời, không chỉ thể xác mà quan trọng hơn là đời sống tinh thần.

Người cha Vũ Văn Quang (Thanh Hóa) là một “điển hình” cho việc thiếu kỹ năng giải quyết mâu thuẫn giữa vợ chồng. Bắt đầu từ cảm xúc tức giận chính mình, hay cảm giác bế tắc trước vấn đề đang diễn ra và thêm vào đó có thể là tình trạng thiếu cơ hội để “nói chuyện” với vợ - người trực tiếp liên quan đến mâu thuẫn, người đàn ông này có thể xử lý bế tắc đó bằng cách gây thương tổn cho chính mình hoặc cho một đối tượng khác có liên quan (người vợ, những đứa con…). Và rồi người đàn ông ấy đã “lựa chọn” cách thức gây thương tổn cho đứa con. Khi dùng chữ “lựa chọn”, tôi không có ý nói rằng ông đã suy tính và lựa chọn nhưng rất có thể đó là một lựa chọn vô thức hoặc theo thói quen hành xử bạo lực trong cuộc sống cá nhân.

Kỹ năng giải quyết mâu thuẫn

Có nhiều vấn đề cần được mọi người quan tâm trong cuộc sống. Thứ nhất là thói quen hoặc khuynh hướng sử dụng các phương thức có tính bạo lực và nguy hiểm đối với việc giải quyết các mâu thuẫn. Hai là tình trạng thiếu khả năng hoặc kỹ năng nhận diện, giải quyết mâu thuẫn, cụ thể ở đây là các mâu thuẫn trong quan hệ hôn nhân và gia đình hay rộng hơn nữa là các mâu thuẫn trong quan hệ con người nói chung.

Ngay tại thời điểm đang căng thẳng, tức giận, cộng với việc thiếu khả năng giải quyết vấn đề tích cực, chúng ta khó có thể đòi hỏi một người cụ thể nào đó phải bình tĩnh để giải quyết. Do đó, vấn đề cần phải bàn đến là bằng những cách thức nào chúng ta có thể hy vọng trong tương lai những vụ việc tiếp theo không còn xảy ra theo hướng tiêu cực như vậy.

Nhằm tránh những mâu thuẫn có thể dẫn đến những hậu quả đau lòng như vừa qua thì cần có một số giải pháp. Trước hết là cần phải có những hình phạt thích đáng nhưng có tính giáo dục đối với những hành vi bạo lực của người lớn trong xã hội, khuyến khích những hành vi hòa bình, bất bạo động. Cải tiến cách thức giáo dục trong gia đình và trường học nhằm trang bị các kỹ năng nhận diện và giải quyết mâu thuẫn cho con người ngay từ khi còn nhỏ. Trang bị (thông qua giáo dục và các phương tiện truyền thông) kiến thức và kỹ năng cần thiết trong đời sống và quan hệ vợ chồng, nhất là cho những người chuẩn bị lập gia đình. Ngoài những biện pháp trên thì còn có việc tạo điều kiện cho người dân tiếp cận và nhận các dịch vụ tư vấn - hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp một cách dễ dàng và nhanh chóng.

NGÔ MINH UY (Giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm