GÓC NHÌN

Giãn dân thần tốc và bài toán 'xóa vùng nguy cơ'

Ngày 26-8, UBND quận Bình Thạnh, TP.HCM, đã di dời khoảng 2.000 người dân có đời sống khó khăn ở các khu nhà trọ lụp xụp, nhà ven kênh rạch… vào ở những nơi khang trang hơn như Trường Trung cấp Công đoàn, nhà nghỉ Công đoàn Thanh Đa, khu chung cư 1050.

Trước đó một ngày (25-8), Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chỉ đạo phải tiến hành ngay việc đưa người dân ở những khu nguy cơ tại địa bàn các quận Bình Thạnh, 7, 8, 10 đến những khu tạm cư mới. Động thái mới này của TP.HCM là rất cần thiết trong bối cảnh số ca F0 và tử vong vẫn còn ở mức cao. Giữa những ngày dịch bùng phát, khi TP phải siết chặt các biện pháp giãn cách thì việc đảm bảo nơi ăn, chỗ ở, chi phí sinh hoạt cho người dân là quan trọng hàng đầu.

Với đặc thù kiến trúc và kết cấu đô thị lâu đời như TP.HCM, giãn cách xã hội là một thách thức vô cùng to lớn. Theo thống kê, TP hiện có gần 22.000 căn nhà trên, ven kênh rạch phân bố ở các quận 4, 7, 8 và Bình Thạnh. Chính quyền đã triển khai kế hoạch di dời hơn 20.000 căn trong giai đoạn 2016-2020 nhưng đến nay, theo ước tính chỉ mới thực hiện được gần 7.300 căn. Điều này đồng nghĩa với việc còn hàng chục ngàn căn nhà có diện tích nhỏ; hạn chế điều kiện sinh hoạt cơ bản, nhà vệ sinh, nước thải xả trực tiếp xuống kênh rạch làm gia tăng ô nhiễm.

Phía sau những khu nhà lụp xụp là hàng trăm ngàn người có mức thu nhập trung bình-thấp, thậm chí không ổn định; nhiều người già trên 65 tuổi có bệnh lý nền; nhận thức về các giải pháp phòng dịch còn hạn chế; tiếp cận thông tin chính sách chống dịch chưa kịp thời... Điều này phần nào lý giải vì sao suốt những tuần giãn cách vừa qua, các ca F0, số người tử vong vẫn còn cao dù TP đã sớm nhận diện vùng nguy cơ và tiến hành phong tỏa.

Không gian chật hẹp với mật độ dân cư đông đúc, dễ tiếp xúc gần là điều kiện thuận lợi để biến chủng Delta phát tán và hoành hành. Dưới áp lực tâm lý và hạn chế di chuyển do giãn cách nhiều ngày, những người khó khăn về tài chính, thiếu thốn thực phẩm và thuốc men… dễ sinh tâm lý bức bối dẫn đến “phá rào” giãn cách. Những người cao tuổi, có bệnh lý nền cũng trở nên yếu thế trước độc lực của virus SARS-CoV-2. Các xe cứu trợ y tế và sinh kế lưu động (xe cứu thương, xe xét nghiệm và tiêm vaccine, xe cứu trợ thực phẩm) cũng rất khó đến từng xóm, gặp từng nhà, giúp từng người cho dù TP đã dồn tất cả nguồn nhân lực, vật lực có thể để hỗ trợ người dân.

Trong bối cảnh đó, chiến dịch giãn dân thần tốc của chính quyền TP triển khai xuống các quận, huyện là rất quan trọng. Nơi ở mới với không gian rộng rãi sẽ hạn chế tối đa tiếp xúc gần. Vị trí các khu nhà nghỉ, chung cư, khách sạn… “tạm cư”phù hợp với việc cứu trợ, giúp người yếu thế dễ tiếp cận túi an sinh (đồ ăn, thức uống, nhu yếu phẩm); thuốc men và vật tư y tế để F0 tự chữa trị tại nhà; được tiếp cận đội phản ứng nhanh cấp cứu kịp thời (cho cả bệnh nhân COVID-19 và bệnh nhân khác); được đội ngũ y tế và chống dịch cung cấp thông tin về chính sách chống dịch sớm… Các nhân viên tham gia chống dịch và giúp dân, bao gồm cả lực lượng y tế, công an, tình nguyện viên, quân đội hoạt động 24/7 cũng sẽ có môi trường làm việc dễ dàng hơn, an toàn hơn và hiệu quả hơn.

Nhìn từ các nước có thể thấy để thích ứng với virus SARS-CoV-2, ngoài tiêm vaccine và xây dựng thói quen 5K thì TP cần tạo ra một không gian đô thị phù hợp để người dân: (i) Giảm tiếp xúc gần, ngăn ngừa xuất hiện các ổ dịch lớn; (ii) Có thể tiếp cận y tế và sinh kế một cách kịp thời khi Nhà nước buộc phải áp dụng các biện pháp giãn cách (khi hệ thống y tế có dấu hiệu quá tải). Nói cách khác, không gian đô thị về lâu dài phải xóa bỏ các“vùng nguy cơ”tiềm ẩn để vừa chỉnh trang bộ mặt đô thị vừa ngừa dịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm