Giảng dạy dưới làn đạn

Nhà báo Nga Grigori Tarasevitch đã đến ghi nhận thực tế tại khu vực giao tranh và gặp gỡ GS Vladislav Rusanov.

Trường đại học… phi quốc gia

ĐH Kỹ thuật Quốc gia Donetsk là của ai? Hiện nay khó mà hình dung cơ sở đại học này đang thuộc quốc gia nào. Của Ukraine ư? Khó có chuyện đó được bởi chính quyền Kiev đã ra lệnh chuyển tất cả cơ sở đại học tại Donetsk sang các TP khác của Ukraine. Của nước Cộng hòa tự xưng Donetsk ư? Lại càng không thực tế bởi nhà nước này hiện nay không được ai công nhận. Có thể là của Nga ư? Thực tế đang có các cuộc thuyết về việc công nhận bằng cấp lẫn nhau giữa Moscow và Cộng hòa tự xưng Donetsk, song điều đó không có nghĩa là các bằng cấp đó là của Nga.

Nghỉ thi vì bận… tránh bom

Thầy Vladislav Rusanov, giảng viên tại ĐH Kỹ thuật Quốc gia Donetsk, kể: “Mới đây, một cô sinh viên đã gọi điện thoại xin nghỉ thi môn thủy lực vì cô ấy đang phải núp dưới hầm trú ẩn từ tối hôm trước. Tôi đáp: “Được thôi, em cứ nghỉ”, bởi lẽ an toàn tính mạng của mọi người giờ đây là trên hết”.

Một hồi chuông vang lên. Thầy Rusanov bực bội nói: “Sao không cắt điện hết mấy cái chuông chết tiệt đó đi? Chuông giờ đây đâu còn ý nghĩa gì nữa đâu. Buổi học được rút lại từ một tiếng rưỡi xuống còn một tiếng để thầy và trò có thể kịp về đến nhà trước khi trời tối”.

Sinh viên ĐH Kỹ thuật Quốc gia Donetsk trong chuyến viếng thăm của ủy viên thư ký Hội đồng An ninh Cộng hòa tự xưng Donetsk - Khodakovski ngày 11-12-2014. Ảnh: TASS

Chết đến nơi vẫn cóc sợ

Đã có ba người chết tại Trường ĐH Kỹ thuật Quốc gia Donetsk. Con số đã có thể nhiều hơn nếu như hai ngày trước đây ông hiệu trưởng đã không chỉ thị cho tất cả nhân viên của trường phải nghỉ làm việc do đạn bắn quá dày đặc. Thế nhưng một vài người đã không nhận được khuyến cáo trên và vẫn đi làm, như thầy Arthur Karakozov, trưởng khoa Mỏ và Địa chất, may là thầy đã thoát chết. Thầy nhớ lại: “Lúc đó là cuối giờ chiều, tôi đang chuẩn bị ra về ở cổng sau (gần trạm xe buýt hơn) thì có một phụ huynh đến xin lấy bảng điểm cho con nên tôi nán lại. Trong lúc chúng tôi đang nói chuyện thì một quả đạn cối rơi xuống trước trường. Nếu như bà mẹ đó không đến và tôi ra về sớm hơn một chút thì chắc là tôi đã bị trúng đạn chết rồi!”.

Nhưng hôm đó không chỉ có thầy Karakozov may mắn thoát chết. Một quả đạn cối khác cũng đã rơi xuống ngay phòng làm việc của thầy phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn sư phạm khi ông đang có mặt tại văn phòng. Vốn đã quen với thời thế, thầy đã nhanh chóng chui ngay xuống chiếc bàn làm việc lớn và vững chãi của mình nên chỉ bị trầy xước nhẹ mà thôi, trong khi chiếc bàn của cô thư ký thì nát tan ra từng mảnh. GS Rusanov lập luận: “Lúc đó mà cô thư ký đang ngồi làm việc thì chắc chắn là tan xác luôn rồi!” và giải thích thêm: “Nói cho vui, những loạt đạn bắn ra từ phía chúng tôi thì được gọi là đạn gửi đi, còn đạn từ phía bên kia bắn lại thì chúng tôi gọi là đạn nhận được, như thể là chúng ta đang nhận và gửi mail vậy. Mấy tiếng đạn mà anh mới nghe đây là đạn gửi đi nên không có gì phải lo sợ hết!”.

Vậy đó, đối với người dân Donetsk, bom rơi đạn lạc là chuyện xảy ra như cơm bữa. Họ quen rồi.

Ai đi, ai ở?

Chính quyền Kiev cho rằng không thể giảng dạy trong những điều kiện như thế nên đã yêu cầu các cơ sở đại học tại Donetsk phải di chuyển đi nơi khác: ĐH Quốc gia Donetsk phải chuyển về Vinnytsia ở miền Trung Ukraine, còn ĐH Kỹ thuật Quốc gia thì dọn sang Krasnoarmeïsk cách Donetsk 70 km về phía bắc. Song chỉ có một số ít giảng viên và sinh viên chấp nhận ra đi mà thôi, còn đa số thì quyết định ở lại.

Theo thầy Vladislav Rusanov, cuộc “chia ly” tại ĐH Quốc gia đã gây ra nhiều tranh cãi nhưng tại ĐH Kỹ thuật của thầy thì không khí yên tĩnh hơn, thầy kể: “Một hôm, ông bộ trưởng Giáo dục của nước Cộng hòa tự xưng Donetsk đến. Hiệu trưởng của chúng tôi đã từ chức vị trí lãnh đạo tại cơ sở chính đặt ở Ukraine và yêu cầu được đề bạt vào vị trí lãnh đạo tại cơ sở ở Donetsk. Yêu cầu này thật rắc rối. Sau hai tuần thì ông ấy từ chức luôn với lý do là không thể làm việc được nữa trong tình hình rối ren như thế. Thế là ông trưởng khoa Công nghệ tin học được chỉ định lên thay làm hiệu trưởng”.

Chỉ có khoảng 15% đến 20% thầy và trò của ĐH Kỹ thuật Quốc gia chuyển sang địa điểm mới và cũng có nhiều sinh viên tuy đăng ký tại Krasnoarmeïsk nhưng trên thực tế lại ở lại học tại Donetsk. Cho nên giờ đây các trường đại học tại Donetsk đều đã bị tách ra làm đôi, khi mà chiến tranh vẫn còn chưa chấm dứt…

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

(PLO)- Học sinh Hà Nội sẽ thi 3 môn vào lớp 10 là Toán, Văn, Ngoại ngữ trong kỳ thi vào THPT công lập, không có môn thứ tư. Hà Nội có khoảng 135.000 học sinh lớp 9, nhưng chỉ có khoảng 81.000 chỉ tiêu vào lớp 10 các trường công lập. 

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

(PLO)- Sáng 23-3, Ngày hội tuyển sinh do Hệ thống giáo dục Victoria School tổ chức đồng loạt tại Trường: Victoria Nam Sài Gòn, Trường Victoria Riverside và Trường Mầm non Victoria - SwanBay với chủ đề “Khám phá ngôi trường hạnh phúc tại Victoria 360 Showcase” đã thu hút đông đảo phụ huynh, học sinh đến tham dự và trải nghiệm.