Giành lại con chung, xử lý sao?

Trước đây, anh NTC kết hôn với chị PTV và có một đứa con chung. Quá trình chung sống, vợ chồng họ nảy sinh mâu thuẫn trầm trọng nên đã nộp đơn ra tòa xin ly hôn. Tháng 11-2011, TAND một quận tại TP.HCM đã chấp nhận cho họ đường ai nấy đi. Về đứa con trai chung ba tuổi, tòa giao cho chị V. nuôi dưỡng, đồng thời ghi nhận sự tự nguyện của chị là không cần anh C. phải cấp dưỡng nuôi con.

Giao con rồi “tái chiếm”

Giành lại con chung, xử lý sao? ảnh 1

Thiếu quy định cụ thể

Khoản 2 Điều 120 Luật THA dân sự quy định trường hợp người phải THA hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện thì chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.

Vấn đề là gặp tình huống như trên, tức bên phải THA đã giao con xong xuôi rồi mới “tái chiếm” thì luật lại chưa có quy định cụ thể là cơ quan THA có phải tiếp tục giải quyết nữa hay không. Nếu cơ quan THA đã hết trách nhiệm thì lúc này cơ quan nào đứng ra giải quyết để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người được THA.

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, chị V. đã làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án (THA) quận tổ chức thi hành theo nội dung bản án tòa tuyên.

Sau đó, cơ quan THA đã vào cuộc. Anh C. đồng ý tự nguyện giao con cho chị V. nuôi dưỡng. Theo đề nghị của chính anh C., cơ quan THA đã tổ chức buổi giao con giữa hai bên, có sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương. Việc này được lập thành biên bản đàng hoàng.

Chuyện bắt đầu rắc rối khi chị V. đưa cháu bé qua chào ông bà nội trước lúc cho con về sống chung với mình. Thương cháu quá, cha mẹ anh C. và anh C. đã… giữ cháu lại luôn, nhất quyết không để cho chị V. đưa cháu đi. Ngay sau đó, chị V. đã đến cơ quan THA đề nghị cơ quan này đảm bảo quyền nuôi dưỡng con của chị theo đúng bản án. Đại diện chính quyền địa phương cũng đề nghị cơ quan THA giải quyết triệt để vụ việc.

Ai giải quyết?

Tình huống phát sinh nói trên đã làm cơ quan THA rất lúng túng, không biết giải quyết tiếp ra sao.

Trong nội bộ cơ quan THA, có người cho rằng cơ quan này đã hết trách nhiệm kể từ khi tổ chức giao cháu bé cho chị V. đúng như phần quyết định của bản án xong. Việc sau này anh C. và gia đình giữ cháu bé lại đã không còn thuộc trách nhiệm giải quyết của cơ quan THA nữa mà thuộc về phía chính quyền địa phương.

Ngược lại, cũng có những người cho rằng cơ quan THA phải tiếp tục tổ chức cưỡng chế để giao cháu bé cho chị V. nuôi dưỡng. Bởi lẽ quyền nuôi con của chị V. chưa được đảm bảo trên thực tế nên chị tiếp tục đề nghị cơ quan THA giải quyết. Đề nghị này là hoàn toàn hợp pháp và chính đáng, cơ quan THA cần nghiêm túc thực thi chức trách, nếu không thì quyền lợi của chị V. vẫn chỉ nằm trên giấy mà thôi.

Về căn cứ pháp lý, những người theo quan điểm này viện dẫn khoản 2 Điều 6 Luật THA dân sự quy định trường hợp đương sự không thực hiện đúng thỏa thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan THA dân sự thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định. Như vậy, áp dụng vào trường hợp này, thỏa thuận giao nhận con giữa anh C. và chị V. đã được thực hiện nhưng ngay sau đó, anh C. đã không tôn trọng thỏa thuận, gây cản trở cho chị V. trong việc thực hiện quyền của mình. Lúc này chị V. hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan THA tổ chức thi hành theo đúng nội dung bản án. Cơ quan THA cần phải tổ chức cưỡng chế, giao con cho chị V. nuôi dưỡng trên thực tế thì mới hết trách nhiệm.

Bên cạnh đó, theo khoản 4 Điều 8 Nghị định số 58/2009 của Chính phủ, chính quyền địa phương hoặc cơ quan có thẩm quyền (tòa án, công an) chỉ có trách nhiệm trong trường hợp cơ quan THA đã tổ chức cưỡng chế để giao tài sản xong mà đương sự lại tái chiếm. Quy định này áp dụng đối với đối tượng THA là tài sản chứ không phải là con người và quyền nuôi con như trong vụ việc trên.

Họ đã nói

Đã hết trách nhiệm

Trong quá trình THA, cơ quan THA chỉ áp dụng biện pháp cưỡng chế khi đương sự không tự nguyện THA hoặc không làm đúng như cam kết. Trong trường hợp này, hai bên đương sự đã ký thỏa thuận với nhau, có sự chứng kiến của chấp hành viên và chính quyền địa phương, đồng thời việc giao con đã hoàn thành. Vì vậy, bản án của tòa đã được thi hành xong. Việc chị V. đưa con sang chào ông bà rồi bị giữ con lại là việc phát sinh sau này. Cơ quan THA không có cơ sở để tổ chức cưỡng chế nữa. Việc “tái chiếm” này sẽ do chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng khác giải quyết.

Chấp hành viên TRẦN QUỐC KHÁNH, Chi cục THA dân sự quận 1 (TP.HCM)

Vẫn có thể cưỡng chế

Mặc dù hai bên đã ký biên bản giao con trước đó nhưng khi nhận được đơn của người được THA thông báo về việc bị chiếm con trở lại thì cơ quan THA sẽ làm việc với chính quyền địa phương để tìm hiểu sự việc. Nếu chính quyền địa phương xác nhận người phải THA không thực hiện đúng như đã cam kết thì cơ quan THA sẽ tiến hành cưỡng chế buộc phải giao con như bản án đã tuyên. Vì trước đó chấp hành viên mới chỉ ra quyết định buộc giao người chứ chưa áp dụng biện pháp cưỡng chế. Vì vậy, cơ quan THA hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế để THA.

Chấp hành viên TRẦN QUỐC HỌC, Chi cục THA dân sự quận 8 (TP.HCM)

TIẾN HIỂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm