Giáo dục 'Tiến bước cùng IT'

Năm 2006, Tiến bước cùng ITdo Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Lawrence S. Ting phối hợp cùng Bộ GD&ĐT thực hiện với sự tài trợ kinh phí của Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng chính thức khởi động. Sứ mệnh chương trình là hỗ trợ ngành giáo dục Việt Nam chung tay đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Sau nhiều năm triển khai, chương trình đã mang lại những hiệu quả rất thiết thực.

Nhằm mang đến cái nhìn cụ thể hơn về hiệu quả của chương trình này, dưới đây là những ghi nhận từ ý kiến của những người trong cuộc.

Ông PHAN CHÁNH DƯỠNG, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Lawrence S. Ting: Ngay từ khi thành lập, chúng tôi đã xác định giáo dục là một trong ba lĩnh vực then chốt (hai lĩnh vực còn lại là y tế và xã hội) mà Quỹ Lawrence S. Ting sẽ tập trung hoạt động, hỗ trợ cộng đồng. Sau 11 năm, chúng tôi đã thực hiện nhiều chương trình có quy mô lớn, góp phần vào sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam. Nổi bật là chương trình học bổng Lawrence S. Ting. Tính đến nay quỹ đã trao hơn 82.000 suất học bổng với tổng giá trị gần 87,2 tỉ đồng cho học sinh, sinh viên trên khắp mọi miền đất nước.

Ông Phan Chánh Dưỡng, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Lawrence S. Ting.

Đặc biệt, Tiến bước cùng IT là chương trình hỗ trợ giáo dục dài hơi, bài bản và có trọng tâm. Mục tiêu chương trình là góp phần nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam thông qua việc phổ biến ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Để đạt được mục tiêu này, quỹ đã triển khai chương trình thành nhiều giai đoạn. Từ năm 2006 đến 2009, quỹ đã trao tổng cộng 122 phòng máy, gần 3.000 máy vi tính đến 96 trường trên cả nước, tổng giá trị trên 37 tỉ đồng. Nhiều trường học đã có điều kiện cải thiện tình trạng thiếu hụt cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học CNTT.

Sau bước đi đầu tiên, từ năm 2009, để các phòng máy có thể khai thác hiệu quả một cách tối đa, xa hơn là để thúc đẩy sử dụng CNTT trong trường học, Quỹ phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử e-Learning. Cuộc thi được tổ chức ở cấp độ quốc gia, dành cho cả ba cấp học, chu kỳ hai năm tổng kết, trao giải một lần, xoay quanh hai chủ đề chính là môn học và dư địa chí. Qua bốn lần triển khai, cuộc thi đã được các thầy cô trên cả nước hưởng ứng mạnh mẽ, tạo thành phong trào thi đua ứng dụng CNTT lan tỏa trong các trường. Đó chính là thành công lớn nhất mà chương trình Tiến bước cùng IT đã đạt được.

NGUYỄN THỊ HUYỀN TRANG, giáo viên Trường THCS Đại Từ (Thái Nguyên), giải nhất cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử e-Learning lần 4, tâm sự: Đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình Tiến bước cùng IT không ai khác chính là đội ngũ giáo viên và học sinh. Trước đây ở trường tôi, do thiếu thốn về trang thiết bị nên chỉ có các giáo viên tin học mới có điều kiện tiếp xúc với máy tính. Từ ngày được Quỹ Lawrence S. Ting trao tặng phòng máy vi tính, các giáo viên của những bộ môn khác cũng có điều kiện được làm quen với CNTT. Đến khi cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử e-Learning được triển khai, thông qua các lớp tập huấn, ngày càng nhiều thầy cô trong trường ứng dụng CNTT vào việc giảng dạy.

Cô Nguyễn Thị Huyền Trang, giáo viên Trường THCS Đại Từ, Thái Nguyên (đứng giữa).

Đến nay 100% giáo viên của trường chúng tôi đã biết ứng dụng CNTT vào việc giảng dạy. Học sinh của trường cũng được tiếp xúc với CNTT nhiều hơn, nắm bắt nội dung bài học một cách hứng thú, sinh động hơn nhờ các bài giảng điện tử. Không chỉ thực hiện những sản phẩm để tham gia cuộc thi, tôi còn thực hiện giáo trình Hỗ trợ cho học sinh luyện thi THPT quốc gia môn tiếng Anh, đưa lên mạng phục vụ cho học sinh trên cả nước. Đó có thể xem là một ví dụ nhỏ cho hiệu quả của việc ứng dụng CNTT trong giáo dục.

Nói về tính hiệu quả của chương trình, thầy HỒ ĐĂNG TƯỜNG, Trường THCS Lam Sơn (Lâm Đồng), giải nhì cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử e-Learning lần 4, cho biết: Từ yêu cầu của cuộc thi, nhiều giáo viên đã tiếp cận với CNTT và dần dần có sự thay đổi về phương pháp dạy. Từ phương pháp truyền thống với phấn trắng bảng đen sang phương pháp hiện đại với máy vi tính, máy chiếu, trực tuyến mang lại sự hứng khởi cho học sinh trong những giờ lên lớp. Không riêng gì các môn khoa học tự nhiên, giáo viên phụ trách các môn khoa học xã hội như tôi cũng tự trang bị cho mình những kỹ năng về máy tính, phần mềm để có thể thiết kế bài giảng điện tử phục vụ cho việc giảng dạy. Tiếp cận với CNTT cũng giúp giáo viên có thêm điều kiện đào sâu kiến thức, mở rộng nội dung bài giảng hơn. Nói một cách ví von, giáo viên cũng “tiến bước cùng IT” để phù hợp với xu hướng giáo dục của xã hội hiện đại.

Thầy Hồ Đăng Tường, Trường THCS Lam Sơn, Lâm Đồng.

Có thể nói Tiến bước cùng IT đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển chung của ngành giáo dục Việt Nam. Quan trọng hơn hết là chính giáo viên, các em học sinh có điều kiện để tiếp cận với công nghệ, phương pháp tiên tiến, tăng tính hiệu quả trong việc dạy và học. Điều đó có ý nghĩa rất lớn lao đối với sự nghiệp trồng người, ươm những mầm non.

 NGUYỄN THỊ NGHĨA, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, chia sẻ: “Từ cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử e-Learning đã phát hiện nhiều sáng kiến, phương pháp dạy học hay được các giáo viên thể hiện và trình bày trên những sản phẩm bài giảng điện tử của mình.

 Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.

Những bài giảng của thầy cô không những có giá trị học tập cho học sinh mà còn có giá trị tham khảo cao về phương pháp dạy học, đặc biệt là ứng dụng CNTT trong trường học. Tôi xin biểu dương tinh thần của các thầy cô, cảm ơn sự hợp tác của Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Lawrence S. Ting và sự tài trợ của Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới